Phiên giao dịch sáng 19/11: Giữ vững mốc 600 điểm

Phiên giao dịch sáng 19/11: Giữ vững mốc 600 điểm

(ĐTCK) Áp lực bán khiến VN-Index giảm về gần mốc 600 điểm. Tuy nhiên, hiện đây đang là mốc hỗ trợ vững của thị trường, nên khi VN-Index vừa lùi về sát mốc này, dòng tiền bắt đáy đã trở lại, đẩy VN-Index vượt qua tham chiếu.

Thị trường vừa tiếp nhận thông tin chính thức về việc các công ty chứng khoán đã sẵn sàng cho T+2.

Ông Dương Văn Thanh, Tổng giám đốc VSD khẳng định, các điều kiện để triển khai rút ngắn thời gian thanh toán giao dịch chứng khoán đã hội đủ. Hiện tại, công tác chuẩn bị về cơ bản đã hoàn tất, Dự thảo Quy chế hướng dẫn hoạt động bù trừ, thanh toán đã được VSD công bố, các chức năng của hệ thống phần mềm đã được VSD hiệu chỉnh và sẵn sàng cho việc triển khai theo đúng kế hoạch từ 1/1/2016. Đây sẽ là thông tin hỗ trợ giúp thị trường có cơ hội hồi phục trong bối cảnh áp lực bán đang quá cao.

Bên cạnh đó, dù không có tác động lớn nhưng thông tin điều chỉnh tăng giá xăng vào chiều hôm qua (ngày 18/11) cũng phần nào tác động tới tâm lý thị trường khi bước vào phiên giao dịch sáng nay.

Nhóm cổ phiếu bluechip khá cân bằng, trong đó, điểm đáng chú ý là “ông lớn” VNM đang chi phối tới thị trường. Diễn biến chỉ số Vn-Index theo khá sát với sự biến động giá cổ phiếu VNM.

Sự trở lại của một số mã bluechip đã giúp thị trường lấy lại sắc xanh nhạt khi mở cửa phiên giao dịch 19/11. Kết thúc đợt 1, Vn-Index tăng 1,04 điểm (+0,17%) lên 604,38 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,79 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 64,6 tỷ đồng.

Sang đợt khớp lệnh liên tục, thị trường vẫn duy trì đà tăng nhẹ ổn định khi lực cung bán ra đã được tiết giảm, trong khi cầu cũng chưa mạnh tay gom hàng.

Với diễn biến chung của những phiên giao dịch gần đây là dòng tiền vào thị trường khá cao và xu hướng đã có sự dịch chuyển với mức tăng trưởng mạnh tập trung ở các mã có tính thị trường cao. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài liên tiếp thực hiện các phiên bán ròng với tâm điểm là các cổ phiếu bluechip cũng đã tác động thiếu tích cực tới tâm lý thị trường.

Chính vì vậy, thị trường bước sang đợt khớp lệnh liên tục vẫn tiếp diễn xu thế lình xình, áp lực bán vẫn còn ở mức khá cao khiến nguy cơ điều chỉnh luôn hiện hữu.

Nhóm cổ phiếu bluechip khá cân bằng, trong đó, điểm đáng chú ý là “ông lớn” VNM đang chi phối tới thị trường. Diễn biến chỉ số Vn-Index theo khá sát với sự biến động giá cổ phiếu VNM.

Sau gần 1 giờ giao dịch trong sắc xanh, VNM lùi về dưới mốc tham chiếu với mức giảm 1.000 đồng/CP khiến VN-Index nhanh chóng đảo chiều. Chỉ số VN-Index đã bắt nhịp khá sát với diễn biến cổ phiếu VNM. Cùng với xu thế giằng co quanh mốc tham chiếu của VNM, chỉ số VN-Index cũng liên tục đổi sắc.

Trong khi đó, cổ phiếu thị trường FLC vẫn là tâm điểm của thanh khoản. Lực cầu hấp thụ mạnh đã giúp FLC có thời điểm leo lên mức trần. Hiện FLC đã tăng 300 đồng/Cp với thanh khoản dẫn đầu sàn đạt 9,18 triệu đơn vị. Tiếp đó, người anh em cùng họ là FIT cũng có được sắc xanh và đã chuyển nhượng thành công hơn 2 triệu đơn vị.

Trạng thái giao dịch giằng co cũng tiếp diễn trên sàn HNX khi chỉ số HNX-Index cũng có những nhịp tăng giảm xen kẽ.

“Cú đuổi bắt” của VNM và chỉ số VN-Index không còn thể hiện rõ nét khi áp lực bán lan rộng bảng điện tử, kéo VN-Index lùi về sát mốc kháng cự mạnh 600 điểm. Tuy nhiên, đây là mốc hỗ trợ mạnh của VN-Index, nên khi chỉ số chạm mức này, lực cầu đã nhanh chóng trở lại và hấp thụ mạnh giúp thị trường hồi phục dần nửa cuối phiên sáng.

Đóng cửa, trên sàn HOSE, với 101 mã giảm, chiếm ưu thế so với 72 mã tăng, chỉ số VN-Index tăng 0,98 điểm (+0,16%), lên 604,32 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 60,66 triệu đơn vị, trị giá tương ứng 1.027,17 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu bluechip khá cân bằng khi có 5 mã tăng, 7 mã giảm và 18 mã đứng giá, chỉ số VN30-Index tăng nhẹ 0,18 điểm (+0,03%) lên 612,43 điểm.

Trong đó, hầu hết các cổ phiếu lớn trụ cột như VNM, VIC, MSN, cùng các mã ngân hàng như VCB, MBB, BID, CTG, EIB, STB cùng quay về mốc tham chiếu.

Ở nhóm cổ phiếu dầu khí, hấp thụ thông tin tích cực từ giá dầu thô thế giới tăng, các mã chủ chốt như PVD và GAS sau thời gian lình xinh đi ngang đã bứt lên khá tốt. Cùng việc nới rộng độ tăng của các mã này và sự góp sức của BVH là điểm tựa chính giúp thị trường tìm lại sắc xanh. Cụ thể, PVD tăng 1,52%, GAS tăng 0,92%, BVH tăng 2,63%.

Đáng chú ý, FLC sau khi điều chỉnh trong phiên hôm qua, đã lấy lại sức bật ở phiên sáng 19/11. Dù không giữ được sắc tím, nhưng lực cầu hấp thụ tốt giúp FLC tăng 2,4% với thanh khoản duy trì ở mức cao đạt 13,41 triệu đơn vị.

Bên cạnh điểm sáng FLC, các mã khác trong nhóm cổ phiếu thị trường vẫn duy trì giao dịch tích cực như FIT khớp gần 4 triệu đơn vị, HAI khớp 2,04 triệu đơn vị, DLG, HQC, SHI cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Trong khi đó, trên sàn HNX, số mã giảm có phần lấn áp trong đó có các mã vốn hóa lớn như ACB, SHB, NTP... đều đỏ điểm khiến HNX-Index không có cơ hội tìm lại sắc xanh trong nửa cuối phiên sáng.

Cụ thể, toàn sàn HNX có 70 mã tăng và 91 mã giảm, chỉ số HNX-Index giảm 0,14 điểm (-0,17%) xuống 81,22 điểm. Thanh khoản giảm nhẹ so với phiên sáng qua đạt 20,75 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 209,76 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 0,21 điểm (-0,14%) xuống 148,92 điểm với 10 mã tăng, 11 mã giảm và 8 mã đứng giá.

Cổ phiếu đầu cơ KLF vẫn giữ được nhịp tăng nhưng không còn mạnh như phiên trước. Đóng cửa, KLF tăng nhẹ 100 đồng và thanh khoản dẫn đầu sàn với khối lượng khớp lệnh đạt 2,74 triệu đơn vị.

Tiếp đó, ACM đã chuyển nhượng thành công 1,19 triệu đơn vị và đóng cửa trong sắc tím.

Tin bài liên quan