Phiên giao dịch sáng 18/6: Dòng tiền chuyển hướng sang penny

Phiên giao dịch sáng 18/6: Dòng tiền chuyển hướng sang penny

(ĐTCK) Dòng tiền đang có dấu hiệu chuyển hướng từ các mã bluechip sang các mã có tính thị trường trong phiên giao dịch sáng nay, giúp nhiều mã penny, midcap khởi sắc.

Dòng tiền chảy mạnh vào thị trường và tập trung mạnh vào các mã bluechip đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng, đã dẫn dắt đà tăng của VN-Index trong các tuần trước. Tuy nhiên, trong 2 phiên cuối tuần áp lực chốt lời đã xảy ra tại các mã lớn, khiến thị trường đảo chiều.

Nhận định về xu hướng của dòng tiền, một số chuyên gia bất động sản khi trao đổi với Đầu tư Chứng khoán trong chuyên mục bàn tròn cuối tuần qua cho biết, sau chuỗi tăng điểm ấn tượng nhờ sự hỗ trợ của các bluechip, nhiều mã bluechip như VNM, GAS, VIC, MWG, VCB đã phá các đỉnh cao nhất và đang chịu áp lực chốt lời. Dòng tiền sẽ tập trung vào những cổ phiếu chưa tăng điểm trong thời gian qua. Tuy nhiên, thị trường luôn có một nhóm nhà đầu tư ưa thích mạo hiểm với các dòng cổ phiếu penny do đặc tính thị giá rẻ và khi có tin thì lợi nhuận biên mang lại rất cao và nhanh hơn hẳn các cổ phiếu khác.

Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS, thị trường đang trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng của các doanh nghiêp, vì vậy sẽ có những đợt sóng lên xuống với sự phân hóa mạnh và chỉ số VN-Index có thể dao động quanh 660-680 trong một thời gian.

Đúng như nhận định của một số chuyên gia, nhóm bluechip vẫn đang chịu áp lực chốt lời và dòng tiền đang dịch chuyển sáng nhóm cổ phiếu có tính thị trường. Do đó, dù sắc xanh chiếm ưu thế, nhưng VN-Index vẫn mở cửa trong sắc đỏ.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 0,44 điểm (-0,07%) xuống 664,12 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 5 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 56,73 tỷ đồng.

Sang đợt khớp lệnh liên tục, một số mã lớn hồi phục trở lại như VCB, BVH, MSN, PVD, giúp VN-Index đảo chiều thành công.

Đà tăng sau đó của VN-Index tiếp tục được duy trì đến hết phiên khi sắc xanh chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử. Tuy nhiên, đà tăng không mạnh do chủ yếu các mã tăng là penny và midcap, trong khi nhiều mã lớn giảm giá như VIC, CTG, DPM...

Chốt phiên giao dịch sáng, VN-Index tăng 2,1 điểm (+0,32%) lên 666,66 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 71,2 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 1.255,26 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt hơn 3 triệu đơn vị, trị giá 138,69 tỷ đồng. VN30-Index tăng 1,6 điểm lên 655,23 điểm với 18 mã tăng, 10 mã giảm và 2 mã đứng giá.

Trong khi đó, ngoại trừ phút le lói sắc xanh đầu phiên, còn lại, HNX-Index chủ yếu giao dịch dưới mốc tham chiếu trong suốt phiên sáng. Với mức giảm 0,29 điểm (-0,34%), HNX-Index đứng ở mức 86,33 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 33,21 triệu đơn vị, trị giá tương ứng 355,4 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt hơn 9 triệu đơn vị, trị giá 56,54 tỷ đồng.

Tuy nhiên, điểm nhấn trong phiên giao dịch sáng nay đến từ các mã có tính thị trường. Trong đó,  FLC là mã có sức hút lớn nhất với hơn 5,75 triệu đơn vị được khớp, có lúc đã lên sát mức giá trần trước khi hạ nhiệt đóng cửa ở mức 6.100 đồng, tăng nhẹ 100 đồng.

Cặp đôi FIT và TSC cũng tạo sóng sáng nay. Trong đó, FIT dù có lúc rung lắc, nhưng cuối cùng đóng cửa ở mức giá cao nhất phiên 7.600 đồng, sát mức trần 7.700 đồng với 2,29 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, TSC nhanh chóng được đưa lên mức giá trần 6.300 đồng với tổng khớp gần 2,4 triệu đơn vị và hiện còn dư mua trần.

Ngoài ra, còn phải kể đến sức hút từ HQC, ITA, KBC, HAR, VHG khi đều nằm trong top 10 mã có thanh khoản tốt nhất trên HOSE.
Trong khi đó, KSA sau 2 phiên tăng giữa tuần trước đã trở lại xu hướng giảm điểm với lượng dư bán sàn chất đống. Chốt phiên, KSA giảm 4% và khớp 0,67 triệu đơn vị, dư bán sàn hơn 8,8 triệu đơn vị.

Ngoài ra, cũng phải kể đến sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu thép khi hầu hết các mã trong nhóm đều nới rộng đà tăng mạnh như HPG tăng 3,2%, HSG tăng 3,8%, NKG tăng 6,1%, TLH tăng 3,5%, VGS tăng 3,8%, VIS tăng 4,4%...

Tương tự, trên sàn HNX, các cổ phiếu ngành thép và bất động sản cũng giao dịch sôi động và tăng tích cực như SCR tăng 1,9% và khớp hơn 2 triệu đơn vị, VVG tăng 4,3% và khớp 1,77%, VGS tăng 3,8% và khớp 1,17 triệu đơn vị…

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng giao dịch thiếu tích cực. Ngoại trừ VCB và STB trên sàn HOSE tăng nhẹ, còn lại các mã MBB, BID, CTG, EIB, ACB, SHB đều giảm điểm.

Tin bài liên quan