Phiên giao dịch sáng 15/7: Dòng tiền chảy mạnh, MBB thỏa thuận khủng

Phiên giao dịch sáng 15/7: Dòng tiền chảy mạnh, MBB thỏa thuận khủng

(ĐTCK) Bất chấp dòng tiền chảy mạnh, nhưng thiếu sự hỗ trợ nhiệt tình của các mã vốn hóa lớn, nên VN-Index vẫn thất bại khi chinh phục mốc 590 điểm.

Dù thanh khoản chỉ tương đương với phiên giao dịch cuối tuần trước, nhưng phiên giao dịch chiều đầu tuần mới (14/7) đã phát đi tín hiệu tích cực khi dòng tiền đã rục rịch trở lại sau sự thận trong trong phiên sáng.

Ngoài dấu hiệu tích cực này, thị trường bước vào phiên sáng nay cũng nhận được thêm những thông tin tích cực khác. Những diễn biến mới có phần tích cực từ biển Đông, dù không còn mấy tác động đến tâm lý nhà đầu tư, nhưng cũng giúp nhà đầu tư hứng khởi hơn.

Bên cạnh đó, trong phiên giao dịch tối qua, chứng khoán Âu, Mỹ đồng loạt tăng mạnh nhờ sự hỗ của kết quả kinh doanh và hoạt động M&A.

Trong nước, tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng tiếp tục được cải thiện, kinh tế Việt Nam không chịu tác động từ quan hệ thương mại Việt - Trung do tình hình căng thẳng trên biển Đông. Tình hình kinh tế 6 tháng, đặc biệt là FDI vẫn ổn định và có chiều hướng tăng lên. Việt Nam vẫn giữ chỉ tiêu tăng trưởng GDP 5,8% trong năm nay, thậm chí, theo WB, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong ngắn hạn có thể đạt 6%.

Trên thị trường chứng khoán, thông tin tích cực là sau nhiều năm lỗi hẹn, Bộ Tài chính sẽ ban hành cơ chế trích lập dự phòng OTC cho các công ty chứng khoán, qua đó giúp các công ty chứng khoán có thể cải thiện tình hình hoạt động và tài chính chính của mình sau nhiều năm bị tắc.

Bên cạnh đó, các công ty niêm yết, nhất là các công ty lớn đang đăng ký mua lại lượng lớn cổ phiếu quỹ, hỗ trợ tích cực cho thị trường trong giai đoạn thị trường đang có dấu hiệu chốt lời ngắn hạn.

Với những tín hiệu và thông tin tích cực trên, bước vào phiên giao dịch sáng nay, nhà đầu tư đã tỏ ra phấn trấn hơn. Trên HNX, sau khoảng 5 phút đầu giằng co với và đảo chiều liên tục, chỉ số HNX-Index đã lấy lại thăng bằng và duy trì đà tăng tốt.

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 1,69 điểm (+0,29%), lên 587,92 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 4 triệu đơn vị, giá trị 63 tỷ đồng. HNX-Index cùng thời điểm cũng vượt qua mốc 80 điểm với khối lượng giao dịch hơn 2 triệu đơn vị, giá trị hơn 40 tỷ đồng.

Sang đến đợt khớp lệnh liên tục, dù thị trường vẫn diễn ra khá sôi động với sự cởi mở của cả bên bán và bên mua, các mã lớn nhỏ đều tăng giá, nhưng chỉ số vẫn chưa thể bật tăng mạnh. Thị trường cần cú huých để bứt qua 590 điểm để hướng đến mốc 600 điểm với VN-Index và bứt hẳn qua 80 điểm với HNX-Index.

Tuy nhiên, dù nhận được sự hỗ trợ tích cực của dòng tiền, nhưng do áp lực chốt lời mạnh, cùng những mã cổ phiếu lớn chỉ lình xình sát tham chiếu, nên VN-Index không thể chinh phục được mốc 590 điểm dù 2 lần trong phiên thử sức với mốc kháng cự này.

Kết thúc phiên giao dịch sáng, VN-Index tăng 3,07 điểm (+0,52%), lên 589,3 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 96,14 triệu đơn vị, giá trị 1.452,94 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận cũng khá sôi động với 34,82 triệu đơn vị, giá trị 489 tỷ đồng, trong đóng, riêng MBB đã đóng góp tới hơn 33 triệu đơn vị, giá trị 443,2 tỷ đồng. VN30-Index tăng 4,05 điểm (+0,6%), lên 636,59 điểm.

HNX-Index tăng 0,62 điểm (+0,78%), lên 80,11 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 24,7 triệu đơn vị, giá trị 325,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,9 triệu đơn vị, giá trị 36,94 tỷ đồng. HNX30-Index tăng 1,87 điểm (+1,15%), lên 164,28 điểm.

Trên HOSE, các mã lớn như MSN, VIC, VCB đều tăng giá, nhưng cũng chỉ là 1 bước giá, trong khi GAS và VNM đứng ở tham chiếu. Dù cùng đóng cửa ở mức tham chiếu, nhưng với GAS, đây là mức giá cao nhất trong phiên, trong khi với VNM lại là mức giá thấp nhất của phiên. 

Tương tự, sắc xanh cũng xuất hiện ở nhiều mã bluechip cơ bản có tính dẫn dắt khác như SSI, REE, FPT, BVH, CII, PVS, PVC, VCG… nhưng cũng không quá mạnh.

Trong khi đó, MWG vẫn tiếp tục tăng trần, trong khi SKG lùi xuống 1 bước giá so với giá trần, nhưng cả 2 mã vừa niêm yết này đều có thanh khoản rất kém do bên nắm giữ cổ phiếu không ra hàng.

Trong các mã có tính chất đầu cơ, dẫn dắt dòng tiền, FLC có sự đột biến ở nửa cuối phiên sáng khi lực cầu dồn dập được đưa vào, đẩy FLC từ mức giá thấp nhất trong phiên 13.100 đồng, lên mức cao nhất phiên 13.700 đồng, trước khi đóng cửa ở mức 13.600 đồng, tăng 300 đồng (2,26%) so với tham chiếu với 13,06 triệu đơn vị được khớp.

Trong khi đó, ITA dù có sắc xanh từ khác sớm, nhưng bên mua cũng không dám đặt giá mua cao hơn, trong khi bên bán lại đưa ra giá khá lớn, nên mã này giao dịch chậm trong nửa cuối phiên, dù nửa phiên đầu khá sôi động. Kết thúc phiên, ITA tăng 200 đồng (+2,47%), lên 8.300 đồng với hơn 2,65 triệu đơn vị được khớp.

Các mã khác như HQC, KBC, LCG, VHG không có gì quá nổi trội.

Nhiều nhà đầu tư vẫn muốn mạo hiểm với cổ phiếu có nguy cơ hủy niêm yết HLA, giúp mã này tăng trần ngay từ đầu phiên với lượng khớp gần 0,9 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần.

Trên HNX, PVX, SCR cũng được khớp khá tốt, trên 2,4 triệu đơn vị, nhưng mức giá chưa có đột biến. Trong đó, PVX neo ở mức tham chiếu, còn SCR tăng 200 đồng.

Trong khi đó, PVS có mức tăng mạnh 600 đồng (+1,87%) và thanh khoản cũng khá tốt với 1,68 triệu đơn vị được khớp.

Trong khi nhà đầu tư trong nước khá hào hứng với thị trường, thì nhà đầu tư nước ngoài  đang co hẹp mua vào sau chuỗi ngày dài mua ròng liên tục. Trong phiên sáng nay, khối này chỉ mua vào hơn 1,1 triệu đơn vị trên HOSE. Trong khi trên HNX, khối này chỉ ròng vào hơn 200.000 đơn vị.

Tin bài liên quan