Phiên giao dịch sáng 13/8: Nỗ lực bất thành

Phiên giao dịch sáng 13/8: Nỗ lực bất thành

(ĐTCK) Nhận thông tin tích cực từ thông tin nới room, nhưng chưa kịp hồi phục, thị trường đã bị giáng thêm đòn đau khi Trung Quốc ngày thứ 3 liên tiếp phá giá đồng nhân dân tệ.

Quyết định nới biên độ tỷ giá lên 2% của NHNN và diễn biến giá dầu giảm mạnh khiến các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng và dầu khí chịu tác động khá lớn. Sự điều chỉnh của các nhóm cổ phiếu này đã lan tỏa sang toàn thị trường khiến các chỉ số có phiên 12/8 điều chỉnh giảm khá sâu.

Bên cạnh đó, đầu sáng nay, Trung Quốc đã ấn định tỷ giá tham chiếu đồng nhân dân tệ giảm thêm 1,1% ở mức 6,401 nhân dân tệ đổi 1 USD. Việc tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cùng dữ liệu kinh tế không khả quan của các nền kinh tế đã ảnh hưởng tiêu cực tới chứng khoán toàn cầu, hoạt động bán tháo tiếp tục tiếp diễn.

Với những diễn biến không mấy tích cực trên, hầu hết các công ty chứng khoán đều nhận định khả năng cao thị trường vẫn sẽ giảm, chỉ số Vn-Index có thể quay lại test ngưỡng hỗ trợ mạnh 600 điểm.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay, sắc đỏ vẫn chiếm chủ đạo, chỉ số VN-Index giảm nhẹ với thanh khoản ở mức thấp. Kết thúc đợt 1, Vn-Index giảm 0,93 điểm (-0,15%) xuống 603,31 điểm với tổng khối lượng giao dịch hơn 2,5 triệu đơn vị, trị giá tương ứng 38,23 tỷ đồng.

Sang đợt khớp lệnh liên tục, sắc đỏ lan rộng hơn trên bảng điện tử, trong đó, nhóm cổ phiếu bluechip cũng đồng loạt quay đầu giảm điểm. Sau 45 phút giao dịch, trong nhóm Vn30 chỉ còn duy nhất HHS tăng nhẹ 200 đồng, hầu hết còn lại đều đỏ điểm khiến Vn-Index lao mạnh hơn và giảm sâu dưới mốc 600 điểm.

Nhóm cổ phiếu bảo hiểm, BVH giảm 2,16%; BIC giảm 3,08%; BMI giảm 3,91% trong khi các cổ phiếu ngân hàng cũng đồng loạt nới rộng đà giảm với VCB giảm 1,54%; CTG giảm 1,84%; BID giảm 1,26% và STB, MBB, EIB cùng giảm nhẹ 1 bước giá.

Ở nhóm cổ phiếu dầu khí PVD giảm hơn 2,4%; GAS giảm 1,75% cùng đà giảm khá mạnh của một số bluechip khác như KDC giảm 4,71%; HSG giảm 1,4%; HPG giảm 1,5%; MSN giảm 1,15%...

Trong nhóm chứng khoán, SSI duy trì mức giảm xấp xỉ phiên trước 1,12%, tuy nhiên, điểm tích cực là HCM khi mức giá giao động từ mức tham chiếu trở lên.

Với thông báo ngày 28/8 chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền mua gần 111 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1 với giá chào bán 11.000 đồng/Cp và nhận tạm ứng cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt 10% và bằng cổ phiếu 10%, HHS đang có diễn biến khá tích cực trong phiên sáng nay. Hiện HHS đang là cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản trên sàn với khối lượng khớp đạt hơn 1,72 triệu đơn vị và giao dịch trong sắc xanh với mức tăng 300 đồng/CP.

BGM cũng khá ấn tượng khi trong hơn 1 tuần qua, cổ phiếu này luôn giao dịch sôi động với lượng khớp lệnh ở mức 1-2 triệu đơn vị. Trong phiên sáng nay, lực cầu hấp thụ mạnh đã đẩy BGM lên mức trần ở những phút đầu phiên sáng với khối lượng khớp lệnh hiện hơn 930.000 đơn vị và dư mua trần hơn 1,13 triệu đơn vị.

Mặc dù dòng tiền tham gia vào thị trường tiếp tục giảm mạnh nhưng sau 10h, chỉ số Vn-Index đã hãm mạnh đà giảm điểm và mốc 600 điểm đã trở lại. Tuy nhiên, do thiếu vùng thông tin hỗ trợ khiến thị trường chưa thấy điểm sáng.

Tại thời điểm 10h10, VN-Index giảm 0,9 điểm (-0,65%) tạm đứng ở mức 600,34 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 25,27 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 476,71 tỷ đồng. HNX-Index giảm 0,3 điểm (-0,36%) xuống 82,44 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 12 triệu đơn vị, trị giá 111,92 tỷ đồng.

Điểm sáng trên sàn HNX là PVX. Trong khi diễn biến các cổ phiếu dầu khí trên hai sàn hầu hết vẫn đỏ điểm thì PVX lại trong xu hướng tăng tích cực, có thời điểm chạm trần. Hiện PVX tăng nhẹ 1 bước giá với khối lượng khớp 2,17 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn.

Thông tin ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCK cho biết “Hiện dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định 60/2015 về nới room cho nhà đầu tư nước ngoài đang nằm trên bàn lãnh đạo Bộ Tài chính. Nếu nhanh, thì ngày mai hoặc ngày kia dự thảo thông tư này sẽ được ban hành…”. Đây sẽ là vùng thông tin hỗ trợ tích cực và có thể là bệ đỡ cho thị trường trong 2 phiên giao dịch cuối tuần.

Chốt phiên, toàn sàn HOSE có tới 144 mã giảm, gấp hơn 3,5 lần số mã tăng (39 mã) , chỉ số VN-Index giảm 6 điểm (-0,99%) xuống 598,24 điểm. Thanh khoản giảm nhẹ so với phiên sáng qua với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 50 triệu đơn vị, trị giá tương ứng hơn 971 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 2,3 triệu đơn vị, trị giá 67,54 tỷ đồng.

Tương tự, sàn HNX cũng có tới 105 mã giảm, gấp gần 2,5 lần số mã tăng (43 mã), chỉ số HNX-Index giảm 0,91 điểm (-1,1%) xuống 81,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 20,29 triệu đơn vị, trị giá 202,9 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp chưa tới 9 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là lực cản chính của thị trường khi hầu hết đều giao dịch trong sắc đỏ. Trong khi Vn30-Index giảm 5,82 điểm (-0,92%) xuống 627,08 điểm với 24 mã giảm và chỉ 3 mã tăng thì HNX30-Index giảm 2,06 điểm (-1,31%) xuống 155,3 điểm với 24 mã giảm và chỉ 1 mã tăng

VNM đang là điểm tựa chính của thị trường khi vượt qua mốc tham chiếu và tăng 0,97%, cùng với HCM tăng 0,26% và HHS tăng 0,91%. Trong khi đó, các bluechip khác như BVH, VCB, HPG tiếp tục nới rộng đà giảm; các nhóm cổ phiếu lớn như dầu khí, ngân hàng, bảo hiểm vẫn chưa thấy dấu hiệu cải thiện.

Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức thấp và chủ yếu tập trung vào các cổ phiếu vừa và nhỏ.

Cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn là FLC khi chỉ khớp 2,58 triệu đơn vị. Tiếp đó, NT2 chuyển nhượng thành công 2,28 triệu đơn vị và được khối ngoại mua vào mạnh nhất 435.500 đơn vị. Do lực bán lớn trong khi cầu chủ yếu ở mức giá thấp khiến NT2 chốt phiên giảm 2,71% xuống mức gần thấp nhất của phiên 25.100 đồng/CP, trong khi FLC cũng giao dịch trong sắc đỏ với mức giảm nhẹ 1 bước giá.

Mặt khác, HHS nhờ thông tin hỗ trợ tích cực vẫn duy trì sắc xanh hiếm hoi trên thị trường và chuyển nhượng thành công hơn 2,1 triệu đơn vị. Ngoài ra, các cổ phiếu vừa và nhỏ khác cũng đã khớp hơn 1 triệu đơn vị như BGM, DXG, DLG, PVT, trong đó, BGM vẫn duy trì sắc tím với lượng dư mua trần 1,31 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, điểm sáng trong nhóm dầu khí là PVX đã trở lại mốc tham chiếu trong khi các cổ phiếu lớn khác trong ngành tiếp tục suy giảm như PVC giảm 1,87%; PVS giảm 2,05%; PVB giảm 0,82%.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu lớn khác như ACB, VCG, SHB, SCR, BVS… cũng đua nhau đỏ điểm khiến đà giảm sâu hơn, chỉ số HNX-Index tiếp tục mất mốc 82 điểm.

PVX và SHB là hai cổ phiếu thanh khoản tốt nhất trên sàn với khối lượng khớp lệnh cùng đạt hơn 2,4 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, cổ phiếu KVC tiếp tục ghi nhận phiên thứ 7 giảm mạnh và là phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp. Hiện KVC giảm 9,63% xuống 12.200 đồng/Cp với lượng khớp gần 1 triệu đơn vị và dư bán sàn 1,02 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan