Phiên giao dịch sáng 11/8: VN-Index bị oan?

Phiên giao dịch sáng 11/8: VN-Index bị oan?

(ĐTCK) Nhiều nhà đầu tư cho rằng, chỉ số VN-Index sáng nay đã có lúc bị giảm oan do lỗi tính nhầm giá điều chỉnh của KDC thành giảm giá, gây tâm lý bất lợi cho thị trường.

Với sự hỗ trợ đắc lực của VNM, BVH và một số mã bluechip khác, VN-Index đã có phiên tăng điểm ngay đầu tuần, nhẹ nhàng vượt qua ngưỡng 610 điểm để tiệm cận với ngưỡng kháng cự 615 điểm.

Nhiều đánh giá cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên giao dịch hôm nay, dù có chút khó khăn với ngưỡng cản 615 điểm. Trong đó, theo CTCK MSBS, 2 phiên hồi phục liên tiếp vừa qua cho thấy, mốc 600 là đáy của đợt điều chỉnh vừa qua và thị trường đã quay trở lại xu hướng tăng điểm.

Tuy nhiên, các công ty chứng khoán đều khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng, giữ tỷ lệ tiền mặt và cổ phiếu cân bằng trong danh mục và đặc biệt tránh mua đuổi giá cao trong phiên.

Trong phiên giao dịch sáng nay, đà tăng của phiên giao dịch hôm qua tiếp tục được duy trì với thanh khoản tốt hơn đợt 1 của các phiên gần đây.

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 0,64 điểm (+0,1%), lên 615,17 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 3,13 triệu đơn vị, giá trị 56 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sang đến đợt khớp lệnh liên tục, VN-Index bất ngờ đảo chiều giảm giá. Nhiều người tưởng rằng đó là do VNM không còn giữ được sắc xanh và một số bluechip khác như FPT, HPG, CII, GMD, DCM, GAS,… giao dịch trong sắc đỏ. Tuy nhiên, một số nhà đâu tư cho rằng, đã có sự nhầm lẫn trong cách tính chỉ số VN-Index, bởi các trụ cột lớn là VCB, BID, nhóm chứng khoán, bảo hiểm tăng điểm khá tốt. Với các nhóm cổ phiếu này tăng giá, VN-Index đủ sức để duy trì sắc xanh, tuy nhiên, chỉ số này vẫn quay đầu giảm điểm, xuống dưới ngưỡng 612 điểm. Các nhà đầu tư này cho rằng, đã có sự nhầm lẫn của HOSE trong cách tính chỉ số khi tính cả việc điều chỉnh cổ phiếu KDC thành mức giảm của mã này. Hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt 20.000 đồng của KDC, do đó mã này bị điều chỉnh giá tham chiếu giảm 20.000 đồng. Trong suốt phiên giao dịch sáng nay, KDC dao động 28.500 - 29.500 đồng, tức tăng hơn 1% đến 4,61%, tuy nhiên có vẻ như Sở tính KDC giảm hơn 19.000 đồng để tính VN-Index?

Kết thúc phiên sáng nay, KDC tăng 2,17%, đứng ở mức 28.800 đồng với 1,69 triệu đơn vị được khớp. Còn theo mức hiện thị trên bảng điện tử, cổ phiếu này giảm tới 19.400 đồng.

Thực hư của câu chuyện này vẫn chưa được sáng tỏ khi HOSE chưa chính thức lên tiếng về vấn đề này.

Bỏ qua câu chuyện VN-Index bị lạc lối, trở lại với phiên giao dịch sáng nay, sau thời gian dài dao động dưới tham chiếu, VN-Index đã hồi trở lại vào cuối phiên và tiếp tục có phiên tăng điểm tiếp theo. Thanh khoản hôm nay được cải thiện đáng kể khi dòng tiền mạnh dạn giải ngân vào các mã lớn, trong khi nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao dường như đang bị lãng quên, khiến nhóm cổ phiếu từng làm mưa, làm gió trên thị trường này giao dịch khá hẩm hiu, thỉnh thoảng mới có cơn gió thoáng qua, tạo lên những gợn sóng ngắn.

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch sáng nay, VN-Index tăng 1,66 điểm (+0,27%), lên 616,19 điểm với 81 mã tăng và 82 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 50,74 triệu đơn vị, giá trị 1.077,98 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,64 triệu đơn vị, giá trị 91,89 tỷ đồng.

HNX-Index sáng nay giống phiên hôm qua, chủ yếu lình xình quanh tham chiếu và chốt phiên với mức giảm nhẹ 0,03 điểm (-0,04%), xuống 84,38 điểm. Độ rộng trên sàn này có phần nghiêng về phía tiêu cực với 83 mã giảm và 60 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 20,5 triệu đơn vị, giá trị 257,3 tỷ đồng.

Như đã đề cập, nhóm cổ phiếu bảo hiểm tiếp tục hồi phục tích cực, sau phiên tăng trần đồng loạt hôm qua, sáng nay, các cổ phiếu này duy trì mức tăng tốt, lên sát mức giá trần. Cụ thể, BVH tăng 6%, lên 53.000 đồng, BMI tăng 5,9%, lên 23.300 đồng, BIC tăng 4,34%, lên 24.000 đồng, chỉ có PGI giảm 3,33%, xuống 14.500 đồng.

Nhóm ngân hàng lúc đầu có sự phân hóa, nhưng sau đó đã dần tìm được tiếng nói chung, chỉ còn STB giảm 1,58%, xuống 18.700 đồng, còn lại đều tăng. Đáng chú ý, VCB tăng 0,86%, lên 46.800 đồng, BID tăng 2,93%, lên 24.600 đồng, CTG tăng 1,37%, lên 22.200 đồng. Trong khi đó, dù tăng nhẹ 1 bước giá, nhưng MBB là mã có thanh khoản tốt nhất với 3,17 triệu đơn vị được khớp.

Nhóm chứng khoán với 2 đại diện là SSI và HCM cũng duy trì sắc xanh trong suốt phiên sáng và kết thúc phiên tăng lần lượt 1,09%, lên 27.900 đồng với 3,12 triệu đơn vị được khớp và 0,51%, lên 39.200 đồng với gần 0,9 triệu đơn vị được khớp.

Ngoài ra, một số mã lớn khác cũng tăng giá để hỗ trợ cho VN-Index duy trì đà tăng như VIC, MSN, DPM, trong khi FPT, GAS, DCM, GMD, CII đã trở lại tham chiếu.

Nhìn chung,  nhóm cổ phiếu dầu khí hiện khá “trơ” với thông tin về giá dầu. Trong các phiên trước đó, giá dầu thô giảm mạnh, xuống mức thấp nhất 6 tháng, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng chỉ giảm nhẹ, thậm chí giữ được giá và trong phiên sáng nay, khi giá dầu thô thế giới hồi phục 3% trong phiên tối qua, nhóm cổ phiếu dầu khí trên sàn cũng chỉ quẩn quanh tham chiếu.

Trên HNX, PVC dường như là cổ phiếu có phản ứng tích cực nhất với giá dầu tăng, còn lại nhóm cổ phiếu dầu khí trên sàn này, cũng giống như HOSE đều lình xình quan tham chiếu.

ACB sau những rung lắc đầu phiên, cũng đã hồi phục trở lại như “những người anh em” của mình trên sàn HOSE, giúp HNX-Index về lại sát tham chiếu.

Nhóm chứng khoán trên sàn này có sự phân hóa. Đà tăng cùa VND đã bị hãm lại vào cuối phiên khi đóng cửa chỉ còn tăng 1 bước giá, đứng ở mức thấp nhất phiên 14.900 đồng, trong khi VIX nới rộng đà tăng, lên 9.800 đồng, tăng 3,16% với 1,15 triệu đơn vị được khớp. Số còn lại ở mức tham chiếu hoặc giảm giá.

Trong khi đó, FID đã quay đầu giảm trở lại sau phiên tăng trần với dư mua lớn hôm qua, kết thúc phiên, mã này đứng ở tham chiếu 14.700 đồng. Trong khi CJC và SD7 là vẫn có được sắc tím với lượng dư mua trần rất lớn.

KVC sau những phút đầu cầm cự, cuối cùng cũng đầu hàng trước lực bán quá lớn. Đóng cửa, KVC lùi về mức sàn 14.900 đồng với 1,4 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán sàn hơn 1 triệu đơn vị. Trong 2 tháng từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 7, KVC tăng gần 140%, nhưng đã trả lại hoàn toàn, thậm chí là ăn luôn vào vốn chỉ trong 2 tuần. Với mức giá hiện nay, so với mức đỉnh 40.600 đồng được xác lập trong phiên 27/7, KVC giảm hơn 63,3%.

Tin bài liên quan