Phiên giao dịch sáng 11/5: Sóng lớn chưa hình thành

Phiên giao dịch sáng 11/5: Sóng lớn chưa hình thành

(ĐTCK) Tưởng chừng dòng tiền bắt đáy OGC tạo sức lan tỏa, kích thích dòng tiền “tham lam” khác vào cuộc để hình thành lên con sóng lớn ngay phiên đầu tuần mới. Tuy nhiên, tâm lý thận trọng vẫn đang được nhà đầu tư duy trì, khiến kỳ vọng đó chưa thể xảy ra.

Trong phiên giao dịch tuần trước, dù chịu các phiên bán tháo mạnh, nhưng thị trường cũng đan xen những phiên tạo sóng của các nhóm cổ phiếu, nhất là nhóm cổ phiếu thị trường. Một số chuyên gia chứng khoán cho rằng, trong ngắn hạn, nhiều khả năng sẽ có một đợt sóng xảy ra tại các nhóm cổ phiếu thị trường, bắt nguồn từ những nhóm tạo lập thị trường tự phát.

Nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư bắt đáy trong những phiên thị trường lao dốc tuần trước kỳ vọng điều này sẽ trở thành sự thật, nhất là sau phiên tăng mạnh cuối tuần trước của nhóm cổ phiếu này, càng tạo niềm tin cho họ. Tuy nhiên, bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới, thị trường bị trống thông tin, nên tâm lý thận trọng, thăm dò và nghe ngóng đang chiếm lĩnh, khiến giao dịch thị trường trong những phút đầu rất ảm đạm, chỉ những lệnh mua, bán thăm dò với giao dịch lẹt đẹt. Các chỉ số vì thế cũng chỉ lình xình trong biên độ rất hẹp.

Kết thúc đợt 1, VN-Index gần như bất động với tổng khớp chỉ đạt chưa tới 1,4 triệu đơn vị, giá trị chỉ 13,5 tỷ đồng.

Sang đến đợt khớp lệnh liên tục, sự thận trọng và thăm dò vẫn được nhà đầu tư duy trì, giao dịch vì thế chỉ diễn ra với các lệnh khớp nhỏ, các mã cũng không dao động nhiều và chủ yếu quanh mốc tham chiếu. Độ rộng của thị trường cũng đang rất hẹp với số mã tăng và giảm gần như cân bằng nhau.

Trong diễn biến ảm đạm chung đó, vẫn có những điểm sáng đơn lẻ thu hút sự chú ý của thị trường.

Trên HOSE, trong khi các mã thị trường khác vẫn đang khá yên ắng, thì VHG lại nổi sóng ngay từ đầu phiên. Sau khi tăng trần phiên cuối tuần trước, VHG mở cửa phiên sáng nay với sắc xanh đậm và đang dần dần tiến lên mức giá trần tiếp theo với thanh khoản khá tốt. FLC sau ít phút đầu ảm đạm, giao dịch cũng đã dần trở nên sôi động hơn và đã vượt qua VHG về thanh khoản.

Tuy nhiên, gây chú ý nhất trên HOSE sáng nay chính là OGC. Sau 7 phiên bị bán tống, bán tháo, khiến mức giá giảm về còn 3.000 đồng và luôn dư bán giá sàn cả chục triệu đơn vị. Sáng nay, tưởng chừng OGC sẽ tiếp tục chịu cảnh tượng tương tự khi dư bán sàn 2.800 đồng và ATO cũng lên tới hơn 11 triệu đơn vị, trong khi bên mua vẫn chỉ lẹt đẹt, thì bất ngờ đã xảy khi thị trường diễn ra được khoảng 45 phút.

Từ mức dư bán sàn hơn 7,4 triệu đơn vị, chỉ trong vòng khoảng chục phút giao dịch, toàn bộ lượng dư bán này được hấp thụ hoàn toàn, thậm chí lệnh dư bán dưới tham chiếu cũng được mua hết, khiến OGC được khớp tới gần 12 triệu đơn vị sau 50 phút giao dịch, mức giá có lúc đã lên trên tham chiếu 3.000 đồng.

Dù vậy, nhiều nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu lại xem đây là cơ hội để thoát thân sau 7 phiên kiên nhẫn treo bán giá sàn không thành, nên lệnh bán cũng ồ ạt được đưa vào sau đó, đẩy OGC giảm sàn trở lại.

Tưởng chừng dòng tiền bắt đáy OGC tạo sức lan tỏa, kích thích dòng tiền “tham lam” khác vào cuộc để hình thành lên con sóng lớn ngay phiên đầu tuần mới. Tuy nhiên, tâm lý thận trọng vẫn đang được nhà đầu tư duy trì, khiến kỳ vọng đó chưa thể xảy ra. Thị trường chỉ xuất hiện những đợt sóng đơn lẻ tại một số mã thị trường, còn lại đều dao động trong biên độ hẹp, khiến 2 chỉ số chính chỉ đóng cửa phiên sáng với sắc xanh nhạt.

Cụ thể, kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 0,73 điểm (+0,13%), lên 555,24 điểm. Độ rộng của thị trường được nới rộng hơn so với nửa đầu phiên sáng, nhưng cũng không lớn khi số mã tăng là 93 mã, trong khi cũng có tới 75 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch hơn 52,1 triệu đơn vị, giá trị 603,25 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,3 triệu đơn vị, giá trị 133 tỷ đồng, chủ yếu đến từ 2,6 triệu cổ phiếu HSG, giá trị 89,84 tỷ đồng.

HNX-Index cũng có mức tăng nhẹ 0,07 điểm (+0,09%), lên 80,37 điểm. Độ rộng của thị trường trên HNX cũng khá hẹp với 74 mã tăng và 62 mã giảm. Thanh khoản trên HNX khiêm tốn hơn rất nhiều với tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 15,86 triệu đơn vị, giá trị 185,73 tỷ đồng, chủ yếu đến tư giao dịch khớp lệnh. Trong đó, riêng FIT và KLF đóng góp gần 35% tổng khối lượng khớp trên sàn này.

Trong số các mã đáng chú ý, như đã đề cập ở trên, dù nhận được dòng tiền bắt đáy rất lớn, nhưng lực bán ra cũng rất mạnh, khiến OGC chưa thể đảo  chiều thành công khi chốt phiên ở mức giá 2.900 đồng, giảm 3,33% với 18,7 triệu đơn vị được khớp, vượt trội so với các mã còn lại trên HOSE.

Trong khi đó, con sóng tại VHG tiếp tục duy trì khi đóng cửa ở mức giá trần 9.400 đồng với 3,27 triệu đơn vị được khớp. Đây là phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp của mã này sau 5 phiên giảm liên tiếp trước đó, từ mức giá 10.500 đồng ngày 24/4 về 8.300 đồng ngày 7/5.

Trong khi đó, HHS sau phiên điều chỉnh cuối tuần trước, đã lấy lại đà tăng mạnh trong phiên sáng nay nhờ lực cầu hỗ trợ của nhà đầu tư nước ngoài. Kết thúc phiên, HHS đứng ở mức giá trần 22.800 đồng, được khớp hơn 2,28 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại mua gần 0,43 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 0,6 triệu đơn vị.

Ngoài 3 mã trên, các mã thị trường còn lại như FLC, HAI, DLG, HQC, ITA… chỉ giao dịch ở mức vừa phải với mức dao động giá không lớn, chủ yếu quanh tham chiếu 1 đến 2 bước giá.

Trong nhóm cổ phiếu lớn, ngân hàng tiếp tục có sự phân hóa khi VCB, STB duy trì mức tăng nhẹ, trong khi BID, CTG, EIB, MBB đều đóng cửa trong sắc đỏ, nhưng mức giảm cũng không lớn, chỉ 1 - 2 bước giá.

Nhóm bluechip cũng có sự phân hóa khi VNM, MSN, BVH, DPM, HAG, CII, HCM, KDC, REE… hỗ trợ cho VN-Index, trong khi PVD, DCM, GMD, HPG hãm đà tăng của thị trường.

Trên HNX, giao dịch có phần yên ắng hơn, nhất là trong nửa thời gian đầu của phiên sáng nay. Bước sang nửa sau, cùng với sự sôi động trở lại của các mã thị trường trên HOSE, lực cầu tại các mã thị trường trên HNX như FIT, KLF cũng bắt đầu vào cuộc, giúp cả 2 đảo chiều và đóng cửa trong sắc xanh. Trong đó, FIT tăng hơn 3%, lên 13.600 đồng với 3,16 triệu đơn vị được khớp, còn KLF tăng nhẹ 1,32%, lên 7.700 đồng với 2,09 triệu đơn vị được khớp.

Trong khi đó, SHN và PVL tiếp tục được kéo lên mức giá trần 5.600 đồng và 2.700 đồng, nhưng SHN có thanh khoản tốt hơn nhiều với 787.900 đơn vị được khớp, chỉ đứng sau 2 mã FIT và KLF, trong khi PVL chỉ được khớp 172.900 đơn vị.

Tin bài liên quan