Phiên giao dịch sáng 11/10: Vẫn bị ép

Phiên giao dịch sáng 11/10: Vẫn bị ép

(ĐTCK) Dù duy trì đà tăng trong phần lớn phiên giao dịch sáng nay, nhưng chỉ ít phút cuối phiên, lực cung lại gia tăng ở nhóm vốn hóa lớn như VNM, ngân hàng, đẩy VN-Index thoái lui và tiếp tục đóng cửa dưới tham chiếu. Sau khi để mất ngưỡng hỗ trợ 680 điểm trong phiên hôm qua, ngưỡng hỗ trợ 670 điểm đang bị đe dọa trong phiên hôm nay.

Trong phiên hôm qua (10/10), sau diễn biến giằng co nhẹ trong phiên sáng, áp lực bán gia tăng mạnh ở các mã lớn khiến thị trường đột ngột lao dốc khi bước vào phiên chiều. Lực bán tiếp tục gia tăng mạnh trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa ATC đẩy các mã lớn về mức giá thấp nhất trong ngày khiến VN-Index nới rộng đà giảm điểm, xuyên thủng ngưỡng 675 điểm và đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

Tuy nhiên, điểm tích cực trong phiên giao dịch hôm qua chính là việc dòng tiền chảy mạnh. Trong khi nhà đầu tư khá “thờ ơ” với nhóm bluechip thì giao dịch ở các mã đầu cơ lại khá sôi động giúp thanh khoản duy trì khá tốt.

Trong khi đó, ở thị trường chứng khoán quốc tế, thông tin giá dầu thô lên mức cao nhất trong năm sau khi nhận thông tin hỗ trợ tích cực khi Nga đồng ý thỏa thuận với OPEC về việc cắt giảm sản lượng để ổn định giá dầu, đã giúp chứng khoán đồng loạt đảo chiều tăng điểm. Kết thúc phiên 10/10, giá dầu thô Mỹ tăng 1,54 USD/thùng (+3,00%), lên 41,35 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,21 USD (+2,28%), lên 53,14 USD/thùng.

Theo nhận định của ông Nguyễn Thế Minh, Phó giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân SSI, nếu giá dầu Brent vượt được mức $54/thùng thì khả năng hướng về mức $70/thùng là khá cao và nhóm cổ phiếu dầu khí có thể sẽ là nhóm dẫn dắt chính xu hướng thị trường và có đà tăng bền vững hơn trong thời gian tới.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay (ngày 11/10), lực đỡ chính từ các cổ phiếu dầu khí đã giúp thị trường hồi phục tích cực.

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 3,44 điểm (+0,51%) lên 677,63 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,28 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 64,4 tỷ đồng.

Sang đợt khớp lệnh liên tục, trong khi họ P vẫn đóng vai trò là lực đỡ chính thì gánh nặng từ các cổ phiếu bluechip khác khiến đà tăng thị trường dần bị thu hẹp trước, chỉ số VN-Index lình xình trên mốc 675 điểm.

Trong đó, VNM dù nhận được sự hỗ trợ từ cầu ngoại khá tốt nhưng áp lực bán trong nước khiến cổ phiếu này giảm gần 1% và đã chuyển nhượng thành công 0,54 triệu đơn vị sau 1 giờ giao dịch. Ngoài ta, các mã lớn khác như MSN, VCB, BID, SSI… cũng đều đỏ điểm.

Đáng chú ý, HPG sau 8 phiên liên tiếp giảm sâu trước áp lực chốt lời của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đã đảo chiều tăng điểm và giao dịch tích cực trong phiên sáng nay. Hiện HPG tăng 1,7% lên mức 39.850 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh 2,14 triệu đơn vị.. Tương tự, HSG cũng khởi sắc với mức tăng nhẹ 0,3% và khớp 0,43 triệu đơn vị. 

Nỗ lực duy trì sắc xanh bất thành khi áp lực bán gia tăng trên diện rộng khiến sắc đỏ lan rộng bảng điện tử, chỉ số VN-Index đảo chiều giảm điểm về cuối phiên giao dịch sáng.

Bên cạnh một số mã lớn như VNM, VCB, SSI, áp lực bán còn gia tăng và lan rộng sang các cổ phiếu có tính đầu cơ cao khiến thị trường đảo chiều giảm điểm. Cụ thể, FLC giảm 2,3% xuống 5.630 đồng/CP và khớp 5,11 triệu đơn vị; HHS dù le lói sắc xanh đầu phiên nhưng đã quay đầu giảm 3,1% xuống mức thấp nhất trong phiên 6.790 đồng/CP và khớp 2,34 triệu đơn vị; DLG giảm 2,2% và khớp gần 3 triệu đơn vị; các mã khác như HQC, OGC, KBC, ITA, VHG… cũng đều lùi dưới mốc tham chiếu.

Trong khi đó, “ông lớn” VNM tiếp tục nới rộng đà giảm điểm. Với mức giảm 1,57%, VNM lùi về mức giá 137.900 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh 1,26 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn giao dịch thiếu tích cực khi hầu hết các mã VCB, BID, MBB, STB đều giao dịch trong sắc đỏ, trong đó, VCB giảm 1,47% xuống mức góa 36.950 đồng/CP và khớp 0,98 triệu đơn vị.

Trái lại, các cổ phiếu dầu khí vẫn giữ sắc xanh dù đà tăng có phần thu hẹp như PVD tăng 1,84%, GAS tăng 1,19%. Tương tự, cổ phiếu ngành thép cũng giao dịch thiếu tích cực so với đầu phien khi HSG quay về mốc tham chiếu; HPG chỉ còn tăng hơn 1% với khối lượng khớp hơn 4 triệu đơn vị.

Đóng cửa, trên sàn HOSE có tới 147 mã giảm, gấp hơn 2 lần số mã tăng (70 mã), trong đó, nhóm VN30 cũng chỉ có 8 mã tăng, 5 mã đứng giá và 17 mã giảm. Chỉ số VN-Index giảm 2,2 điểm (-0,33%) xuống 671,99 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch toàn sàn đạt 68,56 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị hơn 1.468 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 9,13 triệu đơn vị, giá trị 203,39 tỷ đồng.

Tương tự, áp lực bán cũng đẩy HNX-Index lùi về mức thấp nhất trong phiên. Với 104 mã giảm và chỉ 49 mã tăng, chỉ số HNX-Index giảm 0,44 điểm (-0,52%) xuống 84,15 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 20 triệu đơn vị, giá trị 249,69 tỷ đồng.

Ngoại trừ lực đỡ khá yếu từ các cổ phiếu dầu khí như PVS, PGS, các mã lớn khác như NTP, DBC, LAS, VND… đều đóng vai trò lực hãm thị trường. Với 5 mã tăng và có tới 16 mã giảm, chỉ số HNX30-Index giảm 0,73 điểm (-0,48%) xuống 151,34 điểm.

Cổ phiếu đáng chú ý HKB sau 3 phiên tăng trần cuối tuần trước đã liên tiếp bị chốt lời trong tuần thứ 2 của tháng 10. Với mức giảm 9,3%, HKB tiếp tục có phiên giảm sàn thứ 2 và lùi về mức giá 9.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn đạt 3,53 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan