Phiên giao dịch chứng khoán sáng 1/9: Dòng tiền bắt đáy VHM giữ sắc xanh cho VN-Index

Phiên giao dịch chứng khoán sáng 1/9: Dòng tiền bắt đáy VHM giữ sắc xanh cho VN-Index

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trong phiên giao dịch cuối trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài khiến giao dịch diễn ra chậm. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các mã trụ, nhất là VHM giúp VN-Index duy trì đà tăng nhẹ.

Phiên giao dịch hôm qua, VN-Index hình thành cây nến Doji trên đồ thị ngày với thanh khoản tăng so với các phiên trước đó, cùng với Gab được mở ra trong phiên đầu tuần khiến nhà đầu tư tỏ ra thận trọng khi bước vào phiên giao dịch sáng nay (1/9), phiên giao dịch cuối trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài 4 ngày.

Sự thận trọng của nhà đầu tư khiến thị trường mở cửa trong sắc đỏ, nhưng mức giảm nhẹ và nhanh chóng đảo chiều tăng trở lại. Dù vậy, lực cầu cũng không quá lớn nên VN-Index chỉ giằng co nhẹ quanh tham chiếu với giao dịch diễn ra chậm.

Trong các nhóm cổ phiếu, nhóm ngân hàng có sự phân hoá sau phiên sụt giảm hôm qua, trong đó “anh cả” VCB là mã níu VN-Index lớn nhất, trong khi ở chiều ngược lại, CTG, ACB, MBB, BID, HDB, STB, TPB, MSB hồi trở lại, nhưng mức tăng không lớn.

Đáng chú ý, thị trường hôm nay ghi nhận sự trở lại của cặp đôi VHM - VIC, là lực đỡ chính cho VN-Index níu giữ được sắc xanh.

Nhóm cổ phiếu trụ khác sau những phút đầu gặp khó cũng đã đảo chiều tăng trở lại, trong đó đáng chú ý là VCB từ mức giảm hơn 1% là tác nhân chính kéo lùi VN-Index cũng đã đảo chiều tăng giá. Tương tự là HPG cũng có sắc xanh, MSN về tham chiếu, còn VNM và GVR nới rộng đà tăng, trong đó GVR thiết lập đỉnh lịch sử mới.

Dù có một nhịp bị đẩy xuống dưới tham chiếu khi VN-Index vượt ngưỡng 1.335 điểm, nhưng dòng tiền tìm cơ hội mới vẫn hoạt động tích cực, giúp chỉ số bật trở lại, đóng cửa trên ngưỡng này. Thị trường khá cân bằng, khối lượng giao dịch giảm so với phiên sáng qua, nhưng do dòng tiền hướng vào VHM nên giá trị giao dịch lại tăng so với phiên sáng qua.

Chốt phiên, VN-Index tăng 4,76 điểm (+0,36%), lên 1.336,23 điểm với 190 mã tăng và 186 mã giảm, cùng 53 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 388 triệu đơn vị, giá trị 13.542,7 tỷ đồng, giảm hơn 9,5% về khối lượng, nhưng tăng gần 5% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thoả thuận đóng góp 21,5 triệu đơn vị, giá trị 2.126 tỷ đồng.

Phiên sáng nay ghi nhận dòng tiền nội chảy mạnh vào VHM khi mã này có chuỗi 7 phiên lình xình dưới ngưỡng 107.000 đồng. Trong phiên sáng nay, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tới hơn 2 triệu cổ phiếu, nhưng lực cầu nội vẫn giúp VHM tăng 0,7% lên 107.100 đồng, khớp hơn 14,3 triệu đơn vị, dù mức giá này thấp hơn giá mở cửa, thậm chí, có lúc VHM đã leo lên mức trên 109.000 đồng.

Thông tin giúp VHM hút dòng tiền của nhà đầu tư nội có thể đến từ thông báo, ngày 16/9 tới đây sẽ chốt quyền trả cổ tức năm 2020 bằng tiền 15% và bằng cổ phiếu 30%.

Trong khi đó, "người anh em" VIC đóng cửa tăng 0,9% lên 94.900 đồng, gần bằng mức cao nhất phiên (95.000 đồng), nhưng thanh khoản thấp hơn nhiều khi chỉ có hơn nửa triệu đơn vị được khớp.

Ngoài 2 đại gia này, trong nhóm bất động sản, các mã tăng nóng trước đây đã quay đầu điều chỉnh như PDR, KDH, NLG, HDG, SJS, CRE..., trong khi các mã lớn như NVL, BCM cũng theo chân nhà VIC đóng cửa trong sắc xanh.

Tăng giá sáng nay trong nhóm này còn phải kể đến DIG tăng 2,6% lên 35.800 đồng, ITA tăng 2,5% lên 7.330 đồng, thanh khoản tốt với hơn 14 triệu đơn vị, đứng sau POW và VHM..., hay TCH tăng 0,77% lên 19.650 đồng, thanh khoản hơn 4 triệu đơn vị.

Nhóm ngân hàng vẫn có sự phân hoá, trong các mã tăng, CTG tỏ ra chắc chắn nhất khi tăng 1,1% lên 32.150 đồng, khớp gần 9,4 triệu đơn vị, cao nhất nhóm. Tiếp đến, ACB tăng 0,78% lên 32.250 đồng, các mã khác tăng nhẹ như TCB, VPB, MBB, TPB, MSB, trong khi HDB, STB, SSB, OCB trở lại tham chiếu. Đáng chú ý, VCB từ mức giảm hơn 1%, đóng cửa tăng 0,3% lên 99.700 đồng, tham gia vào top 10 cổ phiếu hỗ trợ tốt nhất cho VN-Index, thay vì là cổ phiếu cản trở chỉ số lớn nhất lúc đầu phiên.

Trong khi đó, BID lại ngược lại khi đảo chiều từ sắc xanh, đóng cửa trong sắc đỏ, nhưng mức giảm nhẹ. Cũng đóng cửa giảm còn có EIB, LPB, VIB.

Nhóm chứng khoán cũng chỉ còn vài sắc xanh tại FTS, TVS, VDS, APG, còn lại các mã lớn đều giảm giá, dù mức giảm không lớn.

Ngoài VHM, mã gây chú ý sáng nay còn có POM khi có thanh khoản tốt nhất sàn với hơn 15 triệu đơn vị, đóng cửa tăng mạnh 3,8% lên 12.300 đồng.

Các mã đơn lẻ khác, đáng chú ý có LCG nổi sóng với mức tăng trần lên 18.000 đồng, khớp hơn 8,5 triệu đơn vị. Cũng có sắc tím còn có TGG, ADG, SPM, SAV, VMD, HU1, VOS, LDG, TCO, VAF, C47.

Ngoài ra, còn phải kể đến BCG cũng có mức tăng tốt 1,1% lên 17.850 đồng, khớp 2,7 triệu đơn vị, hay PC1 tăng 2% lên 35.400 đồng, khớp gần 2 triệu đơn vị sau thông tin lợi nhuận bán niên tăng mạnh sau soát xét.

Trên HNX, sau nhịp khó khăn đầu phiên, chỉ số chính của sàn này đã trở lại sắc xanh và lình xình trên tham chiếu trong suốt thời gian còn lại của phiên.

Chốt phiên sáng, HNX-Index tăng 0,98 điểm (+0,28%), lên 343,78 điểm với 106 mã tăng, nhiều hơn so với 82 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 74 triệu đơn vị, giá trị giao dịch 1.353,3 tỷ đồng, trong đó giao dịch thoả thuận đóng góp 2,1 triệu đơn vi, giá trị 60,4 tỷ đồng.

HNX-Index duy trì đà tăng nhẹ là nhờ một số mã lớn có sắc xanh, như THD tăng 0,32% lên 217.800 đồng, PHP tăng 5,5% lên 32.700 đồng, NVB tăng 0,35% lên 29.000 đồng, đặc biệt là PVS tăng 1,16% lên 26.200 đồng, khớp 5,2 triệu đơn vị, lớn nhất sàn.

Trong khi đó, nhóm chứng khoán và SHB lại đóng cửa trong sắc đỏ, trở thành lực cản lớn cho thị trường.

Một số mã nhỏ sáng nay gây ấn tượng khi ACM đóng cửa ở mức trần 3.100 đồng, khớp 4,37 triệu đơn vị, DL1 cũng tăng mạnh 6% lên 8.800 đồng, khớp 4,45 triệu đơn vị, hay BII tăng 7,7% lên 16.800 đồng, khớp hơn 4 triệu đơn vị, các mã này chỉ đứng sau PVS về thanh khoản.

Trên UPCoM, chỉ số chính của thị trường này giằng co nhẹ quanh tham chiếu và đóng cửa không đổi ở mức 93,78 điểm với 143 mã tăng và 111 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 52,7 triệu đơn vị, giá trị 961 tỷ đồng, giao dịch thoả thuận đóng góp 2,8 triệu đơn vị, giá trị 56 tỷ đồng.

UPCoM giằng co là do các mã trụ chia đôi ở 2 đầu chiến tuyến, trong nhóm tăng có MVN tăng 2,4% lên 47.000 đồng, MSR tăng 7,39% lên 21.800 đồng, PGV tăng trần lên 29.500 đồng, hay ACG, TID, QNS, SGP, MCM, trong khi ở chiều ngược lại, MCH giảm 2,35% xuống 129.300 đồng, VGI giảm 1,27% xuống 31.000 đồng, ACV giảm 0,39% xuống 78.000 đồng, ngoài ra còn có FOX, CTR, nhóm ngân hàng...

BSR hôm nay đóng cửa giảm nhẹ 0,5% xuống 18.200 đồng, thanh khoản gần 2,66 triệu đơn vị, chỉ đứng thứ 5. Trong khi đó, KSH tạo ấn tượng khi vươn lên đứng đầu thanh khoản với 4,47 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức trần 2.900 đồng.

Tin bài liên quan