Phiên giao dịch chứng khoán chiều 8/3: Đóng cửa sớm

Phiên giao dịch chứng khoán chiều 8/3: Đóng cửa sớm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giống như nhiều phiên gần đây, cứ sau 14h, giao dịch trên HOSE lại gặp trục trặc khiến thị trường gần như đứng hình và mọi thứ dường như đã được định đoạt.

Với bối cảnh diễn biến thị trường đang gặp khó khăn khi tiệm cận vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng và cảnh giác cao độ. Tâm lý chốt lời luôn chực chờ khiến thị trường khó đi xa. Sau nhịp tăng khá mạnh ngay khi mở cửa phiên sáng, chỉ số VN-Index đã dần đuối sức và trở lại lình xình quanh mốc tham chiếu đến khi tạm dừng phiên sáng.

Bước sang phiên giao dịch chiều, nỗ lực giữ sắc xanh cũng chỉ cầm cự được trong gần 30 phút giao dịch rồi nhanh chóng chuyển sắc. Lực bán gia tăng và tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip khiến nhiều mã lớn quay đầu hoặc nới rộng biên độ, đã đẩy VN-Index về dưới mốc 1.165 điểm.

Mặc dù sau đó đà giảm đã được thu hẹp giúp VN-Index tiệm cận mốc tham chiếu, nhưng sau hơn 1 giờ mở cửa, sàn HOSE lại tiếp tục trở lại với điệp khúc “nghẽn lệnh” khiến thị trường dường như đứng hình. Chỉ số VN-Index đi ngang dưới mốc tham chiếu trong toàn bộ thời gian còn lại.

Chốt phiên, sàn HOSE có 274 mã tăng và 183 mã giảm, VN-Index giảm 0,42 điểm (-0,04%), xuống 1.168,27 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 652,7 triệu đơn vị, giá trị 15.584,78 tỷ đồng, tăng 9,73% về khối lượng và 3,96% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 5/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 25,21 triệu đơn vị, giá trị 1.168,5 tỷ đồng.

Nhóm bluechip là một trong những nhân tố chính tạo sức ép cho thị trường với các mã lớn như VHM giảm 1,2% xuống 97.200 đồng/CP, VCB giảm 1,2% xuống 95.200 đồng/CP, MSN giảm 2% xuống 87.400 đồng/CP, các mã TCB, VNM, VRE, FPT, CTG cũng đều giảm nhẹ trên dưới 0,5%.

Ở chiều ngược lại, POW vẫn là mã tăng tốt nhất trong nhóm này với biên độ tăng 5,2% lên 14.150 đồng/CP và khớp 34,23 triệu đơn vị. Tuy nhiên, đây lại là mã bị khối ngoại xả bán mạnh trong những phiên gần đây và trong phiên này bị bán ròng gần 15 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó phải kể đến nhóm cổ phiếu dầu khí với các mã như PVC, OIL, BSR, POS, PVB, PVS, PVD đều tăng khá tốt.

Nhóm cổ phiếu thép cũng ghi nhận phiên giao dịch khởi sắc với NKG tăng trần, DTL tăng 5,7% lên 13.000 đồng/CP, HSG tăng 3,2% lên 28.900 đồng/CP, VIS và POM cùng tăng hơn 1,5%, TLG tăng 3% lên 12.200 đồng/CP…

Điểm sáng vẫn là nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ với hàng loạt mã xác lập mức giá trần. Trong đó, HQC tăng trần lên mức giá 2.780 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh chỉ thua POW, đạt 29,56 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 2,77 triệu đơn vị. Các mã DLG, TTF, DRH, HAR… cũng trong trạng thái dư mua trần khá lớn.

Trên sàn HNX, giao dịch vẫn duy trì tích cực nhờ lực cầu sôi động.

Đóng cửa, sàn HNX có 158 mã tăng và 53 mã giảm, HNX-Index tăng 3,61 điểm (+1,39%), lên 263,42 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 143,29 triệu đơn vị, giá trị 2.093,87 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,38 triệu đơn vị, giá trị 22,37 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 giao dịch khởi sắc khi chỉ còn NVB, LAS và LHC giảm nhẹ, còn lại đều đứng giá hoặc tăng. Đáng kể các mã tăng tốt như PVC và HUT cùng tăng trần, BVS tăng 5,3% lên 23.900 đồng/CP, CAP tăng 9% lên 56.800 đồng/CP, NBC tăng 8,2% lên 7.900 đồng/CP, VCS tăng 1,6% lên 88.800 đồng/CP…

Tuy nhiên, cổ phiếu dẫn đầu vốn hóa trên sàn HNX là THD lại có diễn biến không mấy tích cực khi đảo chiều giảm. Kết phiên, THD giảm 0,9% xuống 202.000 đồng/CP.

Cặp đôi SHB và PVS vẫn dẫn đầu thanh khoản trên HNX, với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt hơn 16 triệu đơn vị và hơn 14 triệu đơn vị. Kết phiên, SHB đứng giá tham chiếu, còn PVS tăng 1,2% lên 25.200 đồng/CP.

Trên UPCoM, sắc xanh cũng lan tỏa thị trường giúp UPCoM-Index duy trì đà tăng tốt.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,86 điểm (+1,09%), lên 79,42 điểm với 207 mã tăng và 76 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 81,9 triệu đơn vị, giá trị 1.346 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 26,43 tỷ đồng.

Cổ phiếu dầu khí BSR vẫn là mã thanh khoản tốt nhất trên UPCoM, với khối lượng giao dịch vượt trội, đạt gần 19,1 triệu đơn vị và đóng cửa tại mức giá 16.400 đồng/CP, tăng 3,1%.

Bên cạnh BSR, các mã thanh khoản tốt khác như C4G, OIL, VHG, VGT, TVN có khối lượng giao dịch trên 3-4 triệu đơn vị, cũng đóng cửa đều tăng khá mạnh, thậm chí tăng trần.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó, VN30F2103 giảm 0,3% xuống 1.165 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 156.860 đơn vị, khối lượng mở gần 30.720 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, CVRE2007 dẫn đầu thanh khoản với 88.390 đơn vị được khớp lệnh và kết phiên giảm 21,7% xuống 650 đồng/CQ. Tiếp theo đó là CVIC2102 giảm 6,4% xuống 2.200 đồng/CQ và khớp 61.100 đơn vị.

Tin bài liên quan