Phiên giao dịch chiều 6/8: Khó cưỡng

Phiên giao dịch chiều 6/8: Khó cưỡng

(ĐTCK) Những "đợt gió to" trên đỉnh khiến VN-Index  không thể đứng vững. Đợt rung lắc mạnh cuối phiên chiều càng khiến nhà đầu tư run sợ và đẩy mạnh bán ra, kéo VN-Index quay đầu giảm điểm, trong khi HNX-Index có diễn biến ngược lại.
Không như kỳ vọng, VN-Index đã không thể đứng vững trên mốc 610 điểm trong phiên giao dịch chiều. Lực bán tăng mạnh ngay khi bước vào phiên chiều khiến VN-Index quay đầu đi xuống, sau đó, với sự hỗ trợ của các mã lớn, chỉ số này một lần nữa thử sức với mốc kháng cự tâm lý mạnh 610 điểm. Tuy nhiên, lần này thất bại còn thảm hại hơn khi lực bán dứt khoát được tung vào, đẩy thị trường dần dần xuống sát tham chiếu và chính thức quay đầu giảm điểm khi nhận thêm cú “đá bồi” ở đợt ATC.

Trong khi đó, trái ngược với sàn HOSE, HNX-Index cũng có khoảng 1 tiếng rung lắc, nhưng về cuối phiên, với sự vững vàng của KLF, FIT, nhóm cổ phiếu Sông Đà và thêm sự giúp sức của NTP, PSD… HNX-Index quay đầu đi lên và càng nới rộng đà tăng khi về cuối phiên giao dịch. Trong khi VN-Index bị “quật ngã” trong đợt ATC, thì HNX-Index lại nới rộng thêm đà tăng và đóng cửa ở mức cao hơn phiên sáng.

Kết thúc phiên chiều, VN-Index giảm 1,03 điểm (-0,17%), xuống 606,7 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 94 triệu đơn vị, giá trị 1.917,7 tỷ đồng. Khác với 2 phiên đầu tuần và phiên sáng nay, giao dịch thỏa thuận lại rất sôi động trong phiên chiều với sự góp mặt của VIC. Theo đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,62 triệu đơn vị, giá trị 359,64 tỷ đồng, trong đó, VIC đóng góp 2,78 triệu đơn vị, giá trị 211,3 tỷ đồng. VN30-Index  do không chịu tác động của GAS và BID nên duy trì sắc xanh nhạt, tăng 0,44 điểm (+0,07%), lên 644 điểm.

HNX-Index tăng 0,27 điểm (+0,34%), lên 80,39 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 50,96 triệu đơn vị, giá trị 596,86 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận khá thấp, chỉ góp chưa tới 1 triệu đơn vị, giá trị hơn 5 tỷ đồng. HNX30-Index tăng 0,56 điểm (+0,35%), lên 161,42 điểm.

Trên HOSE, các mã lớn đều bị bán mạnh trong phiên chiều, MSN chỉ còn duy trì mức tăng tối thiểu 500 đồng, trong khi BVH đã quay đầu giảm mạnh 900 đồng (-2,05%), xuống 43.100 đồng, mức giá thấp nhất trong ngày.

Cùng với BVH, GAS, VCB, BID, DPM, CTG, HAG, FPT đều quay đầu giảm giá, tuy nhiên, điều may mắn cho VN-Index là VNM vẫn giữ được mức tăng tối thiểu và VIC hồi lại với sắc xanh nhạt khi đóng cửa phiên chiều.

FLC dù được mua tốt, nhưng lực bán cũng rất mạnh, đẩy mã này giảm 200 đồng, xuống 13.200 đồng với 12 triệu đơn vị được khớp. Các mã vốn được quan tâm của dòng tiền đầu cơ khác như VHG, HQC, ITA… cũng quay đầu giảm giá.

Trong khi đó, DLG đã không còn giữ được sắc tím khi đóng cửa phiên ở mức 9.600 đồng, dưới mức trần 1 bước giá với hơn 3 triệu đơn vị được khớp.  SAM thậm chí còn quay đầu giảm 200 đồng dù vẫn được khối ngoại mua vào rất lớn. SAM được khớp hơn 4,3 triệu đơn vị, thì khối ngoại mua vào 0,9 triệu đơn vị.

SHI sau thông tin phát hành tăng vốn với giá 5.000 đồng/cổ phiếu cũng tăng lên mức trần 5.800 đồng/cổ phiếu.

Trên HNX, giống như người anh em FLC trên HOSE, KLF cũng bắt đầu thu hút dòng tiền đầu cơ và quấy động thanh khoản sàn HNX. Trong phiên này, KLF được khớp 9,26 triệu đơn vị và có mức tăng 500 đồng (+4,24%), lên 12.300 đồng. PVX đứng tiếp sau KLF với 7,23 triệu đơn vị được khớp và giảm 100 đồng.

PVS và PVC vẫn giữ được sắc xanh, dù đà tăng không còn mạnh như phiên sáng. Đặc biệt, sau 3 phiên chốt lời, nhà đầu tư nước ngoài đã mua trở lại PVS. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu Sông Đà vẫn duy trì đà tăng tốt sau kết quả kinh doanh ấn tượng được công bố.

Tin bài liên quan