Phiên giao dịch chiều 3/9: Bắt đầu biết sợ

Phiên giao dịch chiều 3/9: Bắt đầu biết sợ

(ĐTCK) Việc thị trường có chuỗi tăng mạnh với dòng tiền được ồ ạt bơm vào dù không có tin hỗ trợ, đã khiến một số nhà đầu tư cảm thấy sợ và tính chọn cách rút lui trước.
Chuỗi tăng điểm từ giữa tháng 8 tới nay của thị trường giúp VN-Index lần lượt vượt qua các đỉnh cao 1 năm và 5 năm. Dòng tiền cũng ồ ạt được bơm vào giúp thanh khoản thị trường lại trở lại với những phiên có tổng giá trị giao dịch trên dưới 4.000 tỷ đồng/phiên như đợt sóng của quý I, bất chấp thị trường gần như không có thông tin vĩ mô nào đủ mạnh để hỗ trợ.

Rất có thể, dòng tiền chảy mạnh vào thị trường trong đợt sóng này cũng bắt nguồn chính từ đòn bẩy tài chính và lòng tham của nhà đầu tư đang ngày càng tăng lên. Nhiều người đã nghĩ đến những mốc cao hơn của VN-Index như 650, 700, 800 điểm… Vì vậy, những con sóng ở các nhóm ngành liên tục được tạo ra. Sau nhóm dầu khí, dòng tiền tiếp tục xoay vòng sang nhóm chứng khoán, bất động sản và hiện nay là khoáng sản và vận tải.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch hôm nay, khi VN-Index được kéo lên sát mốc 645 điểm trong đầu giờ sáng, một số nhà đầu tư đã nhận thấy rủi ro bắt đầu gia tăng, nên lực chốt lời bắt đầu xuất hiện.

Sang đến phiên chiều, khi VN-Index được kéo lên mức 644 điểm, lực bán tiếp tục gia tăng và diễn ra trên diện rộng, khiến VN-Index yếu đà dần, xuống dưới 639 điểm trước khi hồi nhẹ cuối phiên và đóng cửa trên mức 640 điểm.

Trong khi đó, lực bán mạnh cũng kéo HNX-Index yếu dần sau khoảng hơn 30 phút cầm cự với mốc 88 điểm.

Kết thúc phiên giao dịch 3/9, VN-Index tăng 4,1 điểm (+0,64%), lên 640,75 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 204,66 triệu đơn vị, giá trị 3.575,48 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận hơn 16 triệu đơn vị, giá trị 465,43 tỷ đồng với sự đóng góp chính từ KBC và VIC. VN30-Index tăng 2,08 điểm (+0,31%), lên 678,9 điểm.

HNX-Index tăng 0,29 điểm (+0,33%), lên 87,33 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 85,93 triệu đơn vị, giá trị 1.042,73 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận hơn 4,1 triệu đơn vị, giá trị 42,74 tỷ đồng. HNX30-Index tăng 0,59 điểm (+0,33%), lên 180,25 điểm.

Ngoài nhóm bất động sản, khoáng sản, vận tải còn duy trì được phong độ, nhóm cổ phiếu dầu khí, chứng khoán bị bán khá mạnh, kéo nhiều mã quay đầu giảm giá như PVD, DPM, PXI, PXS, PET, PGD, PVT, SSI, HCM, BSI.

FLC trong phiên chiều giao dịch không sôi động như phiên sáng, tổng khớp của phiên giao dịch chiều chưa bằng một nửa của phiên sáng. Du vậy, với sự hỗ trợ bất ngờ từ yếu tố ngoại khi khối này mua vào hơn 2,5 triêu đơn vị, FLC đóng cửa cao hơn phiên sáng 1 bước giá, tăng 600 đồng (+4,76%), lên 13.200 đồng với 21,6 triệu đơn vị được khớp. HQC cũng duy trì được mức giá tốt và đóng cửa bằng với mức giá của phiên sáng, 8.700 đồng với 7,63 triệu đơn vị.

Trong khi đó, cặp đôi KBC và ITA hạ nhiệt khi chỉ còn giữ được mức tăng 1 và 2 bước giá. Trong đó, ITA được khớp 12,7 triệu đơn vị, còn KBC là 2,77 triệu đơn vị.

Trong nhóm cổ phiếu lớn, có tác động mạnh tới chỉ số chính, GAS, VNM và VCB tăng nhẹ, bù đắp cho sự sụt giảm của VIC, BID, trong khi MSN đứng ở tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu khoáng sản và vận tải vẫn duy trì ở mức giá trần dù cũng bắt đầu chịu áp lực chốt lời ngắn hạn.

Trên HNX, 2 cổ phiếu dẫn dắt là PVS và PVC quay đầu giảm giá mạnh và đều đóng cửa ở mức thấp nhất ngày. Trong đó, PVS giảm 800 đồng (-1,99%), xuống 39.500 đồng với 3,15 triệu đơn vị được khớp, còn PVC giảm 1.300 đồng (-3,82%), xuống 32.700 đồng với 2,1 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, PVX đứng ở mức tham chiếu 5.700 đồng với 10,5 triệu đơn vị được khớp.

Mặc dù vậy, HNX-Index vẫn duy trì được đà tăng nhờ sự hỗ trợ của nhóm tài chính, chứng khoán và bất động sản. Trong đó, SHB tăng 200 đồng, lên 9.700 đồng với 9,45 triệu đơn vị được khớp, VCG tăng 500 đồng (+3,42%), lên 15.100 đồng với 1,77 triệu đơn vị được khớp. Nhóm chứng khoán dù đã hạ nhiệt bớt so với phiên sáng nhưng vẫn duy trì được sắc xanh đồng đều, không giống như những người anh em trên HOSE. Trong khi đó, nhóm khoáng sản vẫn duy trì được sắc tím.

Khối ngoại hôm nay mua ròng khá mạnh, với 6,56 triệu đơn vị trên HOSE và gần 0,9 triệu đơn vị trên HNX. Trong đó gây bất ngờ là FLC khi khối này mua ròng gần 2,5 triệu cổ phiếu, giá trị mua ròng hơn 32 tỷ đồng. Trong khi đó, VIC bị bán ròng mạnh nhất với hơn 3,39 triệu cổ phiếu VIC, trị giá 194,14 tỷ đồng. Tuy nhiên, khối này bán thỏa thuận hơn 3,75 triệu cổ phiếu VIC, trị giá hơn 215 tỷ đồng. Còn xét về khớp lệnh, khối này mua ròng gần 300.000 cổ phiếu VIC, giá trị mua ròng 12 tỷ đồng.

Trên HNX, các mã được mua ròng mạnh là VND, PGS, PVS.

Tin bài liên quan