Phiên giao dịch chiều 27/11: Áp lực cung ồ ạt, VN-Index chìm sâu

Phiên giao dịch chiều 27/11: Áp lực cung ồ ạt, VN-Index chìm sâu

(ĐTCK) Áp lực bán đã được đẩy mạnh trong phiên chiều khiến hầu hết các nhóm cổ phiếu dẫn dắt chỉm trong sắc đỏ, dù VNM vẫn gắng giữ lại được sắc xanh, nhưng VN-Index chìm sâu về gần mốc 580 điểm.

Những tưởng đợt hồi phục cuối phiên sáng sẽ giúp thị trường tích cực hơn trong phiên chiều. Tuy nhiên, cũng giống như phiên trước, diễn biến tiêu cực lại xảy ra. Ngay sau thời gian nghỉ, áp lực bán đã được gia tăng và xuất hiện trên diện rộng. Các nhóm cổ phiếu lớn nhỏ đều bị bán ra khiến độ rộng thị trường thu hẹp nhanh chóng, sắc đỏ phủ dầy trên bảng điện tử.

Ngay từ phiên sáng, bên mua đã có sự dè chừng và càng trở nên thận trọng trước áp lực bán giá thấp dồn dập đổ về. Dòng tiền đã đứng ngoài, còn bên cầm cổ thì vẫn liên tục tìm cách “thoát hàng”, nên VN-Index giống như con tàu bị thủng, càng về cuối càng chìm sâu.

Đóng cửa, với số lượng mã giảm chiếm thế áp đảo, 159 mã giảm so với 70 mã tăng, VN-Index giảm 7,54 điểm (-1,28%) xuống 582,86 điểm. Chỉ số VN30-Index giảm 7,45 điểm (-1,25%) về 590,59 điểm với 27 mã giảm so với 2 mã tăng.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 142,23 triệu cổ phiếu, giá trị 2.181,85 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,83 triệu đơn vị, giá trị 232,93 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận của 2,7 triệu cổ phiếu KDC, giá trị 70,3 tỷ đồng; 2,2 triệu cổ phiếu SAM, giá trị gần 22 tỷ đồng; 0,63 triệu cổ phiếu VNM, giá trị 81,66 tỷ đồng…

Dưới áp lực bán mạnh, hầu hết các nhóm cổ phiếu dẫn dắt như bluechips, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm… đều giảm điểm, trong đó các mã trụ đều giảm mạnh.

BVH giảm 2.500 đồng xuống 55.000 đồng/CP. VIC giảm. MSN giảm 1.000 đồng xuống 69.000 đồng/CP. VCB giảm 1.100 đồng xuống 44.300 đồng/CP. VIC giảm 600 đồng xuống 42.600 đồng/CP. GAS cũng giảm 600 đồng xuống 42.900 đồng/CP…

HAG và HPG lần lượt giảm 500 và 400 đồng và khớp tương ứng 53, triệu và 3,3 triệu đơn vị. SSI giảm 300 đồng xuống 23.000 đồng/CP và khớp 1,94 triệu đơn vị.

Các nhóm cổ phiếu khác như bất động sản, khoáng sản, mía đường…. cũng không nằm ngoài xu thế. Thanh khoản vẫn chỉ tập trung ở một số mã như FLC, OGC, VHG, TSC, SBT, ITA, HAI…

Trong đó, FLC tiếp tục vượt trội với lượng khớp 23,59 triệu đơn vị, mạnh nhất thị trường, kết phiên giảm 300 đồng xuống 8.300 đồng/CP. Các mã VHG, SBT, ITA, HAI… cũng giảm từ 1-3 bước giá và khớp từ hơn 3-5 triệu đơn vị.

OGC chỉ khớp trong phiên chiều nhưng cũng đạt tới 12,8 triệu đơn vị được khớp. TSC khớp được hơn 3,3 triệu đơn vị. Đây là  2 mã hiếm hôi trong số các mã thị trường có được sắc xanh. Riêng TSC có thời điểm đã tăng trần.

Đối với sàn HNX, áp lực bán trên sàn này không quá mạnh nên đà giảm nhẹ hơn hẳn so với sàn HOSE.

Đóng cửa, HNX-Index giảm 0,42 điểm (-0,51%) xuống 81,49 điểm với 111 mã giảm và 79 mã tăng. Chỉ số HNX30-Index giảm 1,26 điểm (-0,84%) xuống 148,04 điểm với 16 mã giảm và 3 mã tăng.

Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 65,18 triệu đơn vị, giá trị 557,25 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,36 triệu đơn vị, giá trị gần 43 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận của 2,5 triệu cổ phiếu PVR, giá trị 7,5 tỷ đồng; hơn 1,17 triệu cổ phiếu AAA, giá trị hơn 14,6 tỷ đồng…

Nhóm HNX30 chỉ còn 3 mã tăng điểm, trong đó có NTP và PLC. Nhờ thông tin trả cổ tức cao, PLC tăng 700 đồng lên 38.900 đồng/CP và là mã dầu khí lớn duy nhất còn tăng điểm. NTP cũng tăng 700 đồng lên 59.800 đồng/CP.

Còn lại đa phần đều giảm điểm như ACB giảm 200 đồng về 19.400 đồng/CP. VCG giảm 500 đồng về 11.700 đồng/CP và khớp 1,76 triệu đơn vị. SCR đứng mốc tham chiếu 5.800 đồng và khớp 4,8 triệu đơn vị.

Dẫn đầu thanh khoản vẫn là KLF với sự vượt trội, đạt hơn 13,15 triệu đơn vị, kết phiên đứng giá tham chiếu 5.000 đồng/CP.

Ngoài ra, một số mã có thanh khoản tốt từ hơn 1-3 triệu đơn vị như DPS, KVC, PVX, TIG, VIX, ACM, BAM, trong đó BAM giảm sàn về còn 1.600 đồng/CP.

Tin bài liên quan