Phiên giao dịch chiều 26/10: Bị chốt lời mạnh, VN-Index quay đầu

Phiên giao dịch chiều 26/10: Bị chốt lời mạnh, VN-Index quay đầu

(ĐTCK) Tưởng chừng lực cầu trong nửa cuối phiên sáng sẽ giúp thị trường có phiên tích cực để thẳng tiến đến mốc 610 điểm trong phiên sáng nay. Tuy nhiên, lực bán mạnh cuối phiên, đặc biệt là đợt ATC đã khiến VN-Index quay đầu và thậm chí mất luôn cả mốc 600 điểm vừa đạt được cuối tuần trước.

Với sự tích cực trong tuần giao dịch vừa qua, thị trường bước vào phiên giao dịch sáng 26/10 với tâm lý khá hào hứng. VN-Index nhanh chóng tiến lên ngưỡng cản mạnh tiếp theo là 610 điểm. Áp lực chốt lời giá cao đã diễn ra, song cầu bắt đáy cũng xuất hiện khá tích cực. Vì vậy, VN-Index dù giằng co mạnh nhưng vẫn giữ được sắc xanh, thanh khoản cũng được cải thiện khá tốt so với phiên sáng cuối tuần trước.

Tuy nhiên, sự tích cực này đã không còn diễn ra trong phiên giao dịch chiều. Áp lực bán chốt lời đã mở rộng ngay từ bước vào phiên chiều, trong khi cầu mua bỗng trở nên thận trọng, khiến VN-Index lùi dần về mốc 600 điểm. Thêm một đợt bán mạnh ở đợt khớp lệnh giá đóng cửa, VN-Index chính thức tuột khá xa mốc 600 điểm. Sự thận trọng cũng khiến giao dịch thị trường không còn giữ được nhịp như phiên sáng.

Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần mới, độ rộng thị trường đã bị thu hẹp đáng kể khi số mã giảm 135 mã chiếm khá áp đảo so với số mã tăng 89 mã, VN-Index đã giảm 3,13 điểm (-0,52%) xuống 598,61 điểm. Chỉ số VN30-Index cũng giảm 3,86 điểm (-0,63%) về 612,21 điểm với 20 mã giảm và 8 mã tăng.

Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 102,7 triệu đơn vị, giá trị 1.983,77 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 8 triệu đơn vị, giá trị 111,85 tỷ đồng. Ngoài 0,184 triệu trái phiếu VIC11501 giá trị 20,183 tỷ đồng, đáng chú ý còn có thỏa thuận của hơn 2 triệu cổ phiếu EIB trị giá 23,54 tỷ đồng và 2,71 triệu cổ phiếu HAR trị giá 16,63 tỷ đồng.

Tương tự, với 118 mã giảm và 75 mã tăng, HNX-Index giảm 0,07 điểm (-0,09%) xuống 81,47 điểm. Chỉ số HNX30-Index tăng 0,14 điểm (+0,09%) lên 151,5 điểm với 10 mã giảm và 12 mã tăng.

Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 44 triệu đơn vị, giá trị 504,5 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,94 triệu đơn vị, giá trị 17,39 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận hơn 1,1 triệu cổ phiếu VIG trị giá gần 3,4 tỷ đồng và hơn 0,9 triệu cổ phiếu SHB trị giá 5,6 tỷ đồng.

Áp lực chốt lời đã tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu lớn đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm hay các bluechips khiến hầu hết đều giảm điểm

VNM giảm 2.000 đồng, GAS giảm 300 đồng, MSN giảm 500 đồng, GMD giảm 900 đồng, BIC giảm 400 đồng, BMI giảm 300 đồng....

SSI giảm 300 đồng về 23.700 đồng/CP và khớp hơn 2 triệu đơn vị. HAG về mốc tham chiếu và khớp 2,8 triệu đơn vị.

Nhóm ngân hàng đều giảm từ 1-3 bước giá, trong đó chỉ CTG và MBB là khớp được hơn 1 triệu đơn vị.

Áp lực bán cũng gây ảnh hưởng lên VIC, FPT và BVH – 03 mã nổi bật nhất VN-Index trong vài phiên qua. Dù vậy, đây vẫn là các trụ chính của VN-Index. Bên cạnh đó, đà tăng từ HSG và HPG cũng tạo lực đỡ tốt. Nếu không có các mã này, VN-Index sẽ còn giảm sâu nữa.

VIC chỉ còn tăng 100 đồng lên 44.500 đồng và khớp 2,44 triệu đơn vị. FPT tăng 500 đồng lên 47.600 đồng và khớp 2,6 triệu đơn vị. HSG tăng 400 đồng và HPG tăng 100 đồng và đều khớp trên 1,1 triệu đơn vị. BVH tăng 500 đồng lên 60.000 đồng/CP.

Tương tự, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng bị bán khá mạnh nên đa phần cũng giữ sắc đỏ hoặc tham chiếu như FLC, DLG, DXG, HHS, SBT, TCM, TTF, VHG, ITA, HQC, TCM, HAI, thanh khoản đều từ hơn 1-2 triệu đơn vị.

Các mã BGM, DAG và BHS thậm chí còn giảm sàn, thanh khoản cao, cũng đều từ hơn 1-2 triệu đơn vị được khớp.

Một số mã như CII, GTN, JVC, NT2 đi ngược thị trường với mức tăng nhẹ, thanh khoản cũng trên 1 triệu đơn vị. CII khớp mạnh nhất HOSE với 3,36 triệu đơn vị được khớp và tăng 200 đồng lên 24.100 đồng/CP. OGC tăng trần lên 2.500 đồng/CP và khớp 2,6 triệu đơn vị.

Đối với HNX, đà giảm của sàn này nhẹ hơn hẳn do được nhóm HNX30 hỗ trợ, trong đó các mã như lớn ACB, SHB, PLC, VND, DBC... đều giữ được sắc xanh.

SHB tăng 100 đồng lên 6.900 đồng/CP và giao dịch khá mạnh khi khớp tới 4,5 triệu đơn vị. Tuy nhiên, dẫn đầu thị trường về thanh khoản lại là TIG với lượng khớp xấp xỉ 4,6 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 300 đồng về 11.500 đồng/CP.

SCR giảm 100 đồng xuống 7.900 đồng/CP và khớp 1,29 triệu đơn vị. KLF khớp 2,3 triệu đơn vị và đứng giá tham chiếu 4.400 đồng/CP.

Ngoài các mã trên, đạt thanh khoản trên 1 triệu đơn vị còn có ACM, PVI, HKB. Trong đó, ACM và PVI tăng điểm nhẹ.

Tin bài liên quan