Phiên giao dịch chiều 21/3: ETFs náo loạn ATC, thị trường lập kỷ lục mới

Phiên giao dịch chiều 21/3: ETFs náo loạn ATC, thị trường lập kỷ lục mới

(ĐTCK) Dù đã chuẩn bị trước tâm lý, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn bị choáng ngợp với giao dịch của ETFs trong đợt ATC của phiên hôm nay. Một kỷ lục mới nữa đã được xác lập với sự ồn ào của ETFs.

Gần như trở thành một thói quen, đợt tái cơ cấu danh mục nào, các quỹ ETFs cũng để đến ngày cuối cùng và thực hiện trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC) khiến thị trường điên đảo.Phiên giao dịch hôm nay cũng không phải là ngoại lệ.

Hôm nay là ngày cuối cùng ETFs chốt toàn bộ danh mục cần mua và bán. Trong bản tin nhận định thị trường phiên hôm nay, CTCK IVS cho biết: “Ở phiên 21/3, nhà đầu tư cũng không nên ngạc nhiên với diễn biến tại phiên ATC bởi tại đây là ngày cuối cùng các quỹ ETF sẽ chốt toàn bộ số lượng cần mua và bán”.

Dù đã đoán trước được phiên hôm nay sẽ có biến trong đợt ATC, nhưng theo dõi diễn biến thị trường, nhiều nhà đầu tư vẫn thấy choáng ngợp.

Trước khi bước vào đợt ATC, diễn biến thị trường vẫn như thường ngày, thanh khoản vẫn duy trì ở mức trên 164 triệu đơn vị, giá trị hơn 4.500 tỷ đồng trên cả 2 sàn. Tuy nhiên, ngay khi bước vào đợt ATC, lệnh mua và bán với lượng khủng được tung vào, xuất phát từ các quỹ ETF chốt danh mục. Các mã có lệnh đột biến như mua PVT, MSN, VIC trên HOSE, bán STB, HPG, PVD, PPC, DPM, GMD...

Việc ETF xả mạnh và đồng loạt trong cùng một thời điểm đã tác động lớn tới thị trường, các chỉ số đều lao mạnh trong đợt ATC với việc VN-Index mất gần 2,8 điểm. Trong khi đó, trên HNX, giao dịch của ETFs cũng dồn ở cuối phiên, nhưng không tập trung ở đợt ATC, vì vậy, HNX-Index chỉ bị ảnh hưởng nhẹ.

Kết thúc phiên cuối tuần, VN-Index tăng 1,49 điểm (+0,35%) lên 601,75 điểm; VN30-Index tăng 3,9 điểm (+0,58%) lên mức 679,98 điểm. Còn HNX-Index tăng 0,66 điểm (+0,73%) lên 90,36 điểm;  HNX30-Index tăng 2,46 điểm (+1,34%) lên 186,64 điểm.

HOSE kết phiên với 299,955 triệu đơn vị được giao dịch, giá trị 5.017,683 tỷ đồng. Còn HNX giao dịch được 137,78 triệu đơn vị, giá trị 1.819.37 tỷ đồng. Thanh khoản toàn sàn giao dịch đạt tổng cộng 437,735 triệu đơn vị, giá trị trên 6.800 tỷ đồng, phá sâu so với phiên kỷ lục ngày 20/2.

Giao dịch thỏa thuận trong phiên khá sôi động. Trên HOSE, có 5,087 triệu đơn vị được thỏa thuận, giá trị 194,12 tỷ đồng. Ngoài HSG được thỏa thuận hơn 1 triệu đơn vị, giá trị gần 62 tỷ đồng, còn có TSC góp mặt với 1,625 triệu đơn vị, giá trị 25,187 tỷ đồng. Trên HNX khiêm tốn hơn nhiều khi giao dịch thỏa thuận góp 5,371 triệu đơn vị với giá trị 49,83 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là 3,095 triệu cổ phiếu S99, trị giá 25,386 tỷ đồng và 1,64 triệu cổ phiếu SHB, giá trị 18,96 tỷ đồng.

Việc PVT được thêm vào danh mục đã hỗ trợ rất tốt cho đà tăng của mã này. Ngay sau khi VNM ETF công bố danh mục, PVT đã có 2 phiên tăng trần liên tiếp, trước khi điều chỉnh nhẹ sau đó. Trong phiên hôm nay, ETFs tất tay gom vào PVT tại cùng thời điểm giúp mã này tăng vọt lên mức giá trần với gần 13,5 triệu đơn vị được khớp, trong đó VNM ETF đã mua vào tới 12,12 triệu đơn vị đúng ở đợt ATC với giá trần, trị giá 217 tỷ đồng.

Trong khi đó, dù cũng được VNM ETF tập trung mua vào, nhưng MSN không thể giữ được tham chiếu, thậm chí MSN còn đóng cửa ở mức thấp nhất phiên 103.000 đồng/cổ phiếu, do lực chốt lời của những nhà đầu tư “đi tắt đón đầu” rất lớn, giúp quỹ này mua được mức giá vừa phải. Kết thúc phiên, MSN được khớp 5,34 triệu đơn vị, trong đó hơn 5,24 triệu đơn vị được VNM ETF mua ở mức giá 103.000 đồng/cổ phiếu, giá trị hơn 540 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, các mã bị ETF bán ra mạnh đa số giảm giá như PVD, GMD, BVH, PPC, trong khi có một số lại giữ được giá như STB, DMP, HPG.

Trên HNX, VCG được ETFs gom mạnh hơn 10 triệu đơn vị, nhưng họ mua dải, hơn nữa, lực cung cũng khá lớn nên VCG chỉ tăng 400 đồng (+2,38%) lên 17.200 đồng/cổ phiếu với hơn 12,6 triệu đơn vị được khớp.

Trong khi đó, SHB tiếp tục bị khối ngoại chốt mạnh khi bán ra gần 13 triệu đơn vị, trong khi mua vào chỉ 3,15 triệu đơn vị, nên dù có đột biến về giao dịch và được đỡ giá, nhưng SHB cũng phải chấp nhận chấm dứt chuỗi ngày bay bổng khi đứng ở mức tham chiếu 11.600 đồng/cổ phiếu. Tương tự, PVS cũng bị khối ngoại đẩy ra hơn 10 triệu đơn vị, trong khi mua vào hơn 2,1 triệu đơn vị, nên kết thúc với mức giảm 200 đồng, xuống 29.800 đồng/cổ phiếu và có 15,25 triệu đơn vị được khớp.

Tin bài liên quan