Phiên giao dịch chiều 2/10: Nhóm chứng khoán giúp VN-Index đứng vững trong đợt xả ATC

(ĐTCK) Một lần nữa nỗi ám ảnh ATC lại trở lại trong phiên hôm nay. Tuy nhiên, nhờ lực mua mạnh và nhóm chứng khoán nổi sóng, nên lực xả hàng trong đợt ATC chỉ khiến VN-Index hãm bớt đà tăng, chứ không thể đẩy được chỉ số này giảm điểm.
Phiên giao dịch chiều 2/10: Nhóm chứng khoán giúp VN-Index đứng vững trong đợt xả ATC

Bước vào phiên giao dịch chiều, với sự dẫn dắt của nhóm chứng khoán, thị trường đã có phiên giao dịch rất sôi động. VN-Index có thời điểm tiến sát ngưỡng 615 điểm. Tuy nhiên, áp lực bán tăng khá mạnh trong đợt khớp ATC đã hãm đà tăng điểm của chỉ số này.

Đóng cửa, VN-Index tăng 3,39 điểm (+0,56%) lên 612,66 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 176,63 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 3.256,2 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt hơn 14,24 triệu đơn vị, trị giá 337,91 tỷ đồng. Riêng KBC thỏa thuận 8,55 triệu đơn vị, trị giá hơn 129,73 tỷ đồng.

HNX-Index tăng 0,53 điểm (+0,59%) lên 90,26 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 103,2 triệu đơn vị và tổng giá trị 1.367,98 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch chỉ đóng góp 60,87 tỷ đồng.

Nhóm VN30 và HNX30 cũng có được mức tăng khá với sắc xanh là chủ đạo. Chốt phiên, VN30-Index tăng 4,58 điểm (+0,7%) lên 659,64 điểm với 17 mã tăng, chỉ 4 mã giảm và 9 mã đứng giá. Trong khi HNX30-Index tăng 1,49 điểm (+0,81%) lên 185,36 điểm với 14 mã tăng, 8 mã giảm và 7 mã đứng giá.

Trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trong khi VNM vẫn duy trì mức tăng 1.000 đồng/Cp, thì các trụ cột khác là VIC, MSN và GAS lần lượt nới rộng đà giảm điểm. Trong đó, VIC vẫn còn chịu áp lực chốt lãi mạnh, nên tiếp tục giảm 500 đồng (-1,01%), xuống 49.000 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh đạt 2,46 triệu đơn vị, còn MSN và GAS cùng có mức giảm 1.000 đồng/CP.

Tuy nhiên, một số cổ phiếu bluechip khác đang tăng khá tốt đã hạn chế đáng kể sự ảnh hưởng của các cổ phiếu MSN, GAS, VIC như VCB tăng 1.000 đồng (+3,79%), OGC tăng 700 đồng (+5,65%), HPG tăng 1.000 đồng (+1,72%), HAG tăng 900 đồng (+3,53%), GMD tăng 900 đồng (+2,47%)…

Bên cạnh đó, cùng với những kỳ vọng vào báo cáo tài chính quý III, thông tin vừa công bố về thị phần môi giới của các công ty chứng khoán trong quý III đã thổi thêm một luồng gió mới cho nhóm cổ phiếu này.

Đà tăng của các cổ phiếu trong nhóm chứng khoán được nới rộng hơn trong phiên chiều, cụ thể, HCM tăng 1.100 đồng (+2,78%) và khớp 1,45 triệu đơn vị; SSI tăng 500 đồng (+1,61%) và khớp 6,55 triệu đơn vị; BSI duy trì sắc tím với mức tăng 700 đồng (+7%) còn AGR cũng nhích nhẹ trên mốc tham chiếu một bước giá.

Cổ phiếu FLC chịu áp lực chốt lời khá lớn khiến giá cổ phiếu giằng co quanh mốc tham chiếu. Đóng cửa, FLC vẫn giữ được mốc tham chiếu 12.200 đồng/CP và thanh khoản dẫn đầu toàn sàn với 14,23 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.

Cặp đôi cổ phiếu bất động sản khác là ITA và KBC cũng đã hấp thụ dòng tiền khá mạnh với khối lượng khớp lệnh hơn 7,5 triệu đơn vị. Trong đó, với thông tin ký MOU với LGE đã tác động đáng kể đến kỳ vọng của nhà đầu tư vào KBC khiến cổ phiếu này tiếp tục được nhà đầu tư nước ngoài săn đón khi được mua vào mạnh nhất với hơn 6,16 triệu đơn vị. Đóng cửa, ITA quay về mốc tham chiếu trong khi KBC duy trì đà tăng 600 đồng (+3,75%).

Trong khi đó, thông tin cổ phiếu AVF sẽ bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ ngày 7/10 và cổ phiếu này chỉ còn được giao dịch vào các phiên chiều theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận khiến cổ phiếu này rớt sàn ngay từ đầu phiên sáng với lượng dư bán sàn khá lớn. Đóng cửa, AVF giảm 200 đồng (-4,76%) xuống 4.000 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 2,68 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, trong khi nhóm cổ phiếu dầu khí đang chịu áp lực bán ra khá mạnh và quay đầu giảm điểm, thì nhóm chứng khoán vẫn duy trì sắc xanh khá vững chắc. Trong đó, các trụ cột như VND, BVS, KLS và SHS cùng tăng 300 đồng, APS tăng 500 đồng, VIG và CTS cùng tăng 100 đồng…

PVS vẫn duy trì sắc xanh nhưng không còn tăng mạnh như phiên sáng. Hiện PVS tăng 500 đồng (+1,2%) trong khi PGS và PVC lần lượt giảm điểm tương ứng 500 đồng (-1,36%) và 600 đồng (-1,71%)….

PVX tiếp tục hứng chịu áp lực đảy bán mạnh và không còn giữ được mốc tham chiếu. Đóng cửa, PVX giảm 200 đồng (-2,9%) xuống 6.700 đồng/Cp và khớp hơn 18 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản toàn sàn.

Trong khi đó, KLF trở lại mốc tham chiếu và cũng đã khớp hơn 10,34 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan