Phiên giao dịch chiều 16/7: “Hút chết”

Phiên giao dịch chiều 16/7: “Hút chết”

(ĐTCK) Áp lực xả mạnh trong phiên chiều, đặc biệt là trong đợt ATC khiến VN-Index “hút chết”, trong khi HNX-Index không có được may mắn, nên đóng cửa trong sắc đỏ.
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2 phiên gần đây có tín hiệu tích cực khi dòng tiền đang trở lại mạnh mẽ với các thông tin tích cực liên tiếp được công bố. Tuy nhiên, với nhiều nhà đầu tư khác, đã gom được hàng trong giai đoạn thị trường sụt giảm, thì với việc tin tốt được tung ra, cũng là lúc họ ra hàng.

Chính vì vậy, dù lực mua rất mạnh trong 3 phiên đầu tuần này, nhưng các chỉ số không thể bứt phá mạnh để chinh phục các mốc kháng cự mạnh 595 điểm với VN-Index và 81 điểm với HNX-Index, thậm chí, ngay cả mốc 590 điểm, VN-Index cũng không thể chinh phục nổi.

Trong phiên sáng nay, diễn biến thị trường khá giống với 2 phiên đầu tuần, dù lực cầu rất mạnh, nhưng bên cung cũng không kém, nên các chỉ số chỉ nhích nhẹ và đi ngang với thanh khoản tốt. Bước vào phiên giao dịch chiều, nhịp độ thị trường vẫn được duy trì như phiên sáng, VN-Index giằng co quanh mức 593 điểm trong khi HNX-Index yếu dần và lùi về sát mốc tham chiếu khi kết thúc đợt giao dịch khớp lệnh liên tục.

Bước vào đợt giao dịch ATC, lực bán bắt đầu gia tăng, lệnh bán ATC càng về cuối phiên càng mạnh, kéo nhiều mã đảo chiều và VN-Index chỉ có may mắn mới giữ được sắc xanh nhạt. Trong khi đó, HNX-Index lại không thể cầm cự nổi, nên chấp nhận đóng cửa trong sắc đỏ, chấm dứt chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp.

Kết thúc phiên chiều, VN-Index tăng nhẹ 0,37 điểm (+0,06%), lên 589,68 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 138 triệu đơn vị, giá trị 2.234,7 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận 3,84 triệu đơn vị, giá trị 167,5 tỷ đồng. VN30-Index tăng khá hơn với 1,04 điểm (+0,16%), lên 637,13 điểm.

Trong khi đó, HNX-Index lại giảm 0,07 điểm (-0,09%), xuống 80,16 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 72,52 triệu đơn vị, giá trị 803,9 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận 1,82 triệu đơn vị, giá trị 15,95 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 0,66 điểm (-0,41%), xuống 163,34 điểm.

Từ việc số mã tăng giá nhiều gấp hơn 2 lần số mã giảm giá của phiên sáng, đóng cửa phiên chiều, số mã tăng giá và giảm giá trên 2 sàn không còn chênh lệch nhau bao nhiêu. Sắc đỏ cũng xuất hiện ở nhóm largecap và nhiều hơn trong nhóm bluechip.

Trong nhóm cổ phiếu lớn, chỉ còn MSN, VCB duy trì sắc xanh nhạt, trong khi GAS đóng cửa giảm 1.000 đồng, còn VIC và VNM vẫn ở mức tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu có tính chất đầu cơ cũng đã có sự phân hóa, trong khi FLC vẫn duy trì được mức tăng, dù nhẹ hơn phiên sáng, thì ITA, HQC, VNG… quay đầu giảm giá. Trong đó, FLC được khớp 14,91 triệu đơn vị, HQC được khớp 6,49 triệu đơn vị, ITA 5,18 triệu đơn vị, VHG 3,53 triệu đơn vị.

MWG vẫn duy trì sắc tím và leo lên mức giá 93.000 đồng/cổ phiếu, vượt qua mức giá dự kiến chào sàn trước đây là 85.000 đồng/cổ phiếu hơn 9,4%.

KSA vẫn duy trì được sắc tím với gần 2,4 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua trần. HT1 cũng tăng lên mức trần 15.100 đồng với 3,59 triệu đơn vị được khớp. HLA tiếp tục còn dư mua giá trần và hiện đã leo lên 2.800 đồng/cổ phiếu. Sắc tím cũng xuất hiện ở một số mã khác như HAS, NAV, NNC, STT, VLF, VSC.

HPG là một trong số ít bluechip còn duy trì được sắc xanh nhờ sự hỗ trợ của lực cầu ngoại khi khối này mua vào tới gần 1,38 triệu đơn vị, gần bằng 50% tổng lượng khớp của HPG.

Trên HNX, PVX cũng không thua kém mấy so với FLC trên HOSE khi được khớp trên 11,76 triệu đơn vị, nhưng mã này không còn duy trì được sắc xanh của phiên sáng khi đóng cửa ở mức tham chiếu. Ngoài PVX, nhóm dầu khi cũng đã đồng loạt quay đầu, trong đó, PVS giảm tới 600 đồng (-1,83%), xuống mức thấp nhất ngày 32.100 đồng, bất chấp mã này vẫn được khối ngoại mua ròng 336.900 đơn vị.

Trong phiên chiều, khối ngoại mua vào rất mạnh, gấp đôi so với phiên sáng, nâng tổng khối lượng mua vào của khối này trên HOSE lên hơn 6 triệu đơn vị. Trong khi trên HNX, khối này cũng nâng lượng mua ròng lên 723.894 đơn vị, giá trị mua ròng 24,13 tỷ đồng.

Tin bài liên quan