Phiên giao dịch chiều 14/1: Bất động sản ngược dòng thị trường

Phiên giao dịch chiều 14/1: Bất động sản ngược dòng thị trường

(ĐTCK) Đúng như đánh giá của một số công ty chứng khoán, cổ phiếu bất động sản đã tăng giá khá tốt trong phiên hôm nay, dù đà tăng của nhóm này không giúp thị trường tránh khỏi phiên giảm điểm.

Từ cuối phiên sáng, lực cầu bắt đáy đã chặn bớt đà giảm của thị trường. Các chỉ số được kéo dần lên những vẫn không tạo được sự chuyển biến tích cực.

Sang phiên giao dịch chiều, thị trường đón nhận tiếp một đợt kéo - xả, nhưng mức độ giao động nhỏ hơn so với phiên sáng. Đợt khớp lệnh đóng cửa cũng trái ngược hoàn toàn với những lo ngại của nhà đầu tư. Bởi diễn biến thị trường trong quá khứ cho thấy, trong những phiên chịu ảnh hưởng bởi thông tin không tích cực, thị trường thường bị đánh úp trong đợt khớp lệnh đóng cửa này. Tuy nhiên, trong phiên hôm nay, các chỉ số gần như không thay đổi với thanh khoản tăng không đáng kể. Có lẽ, các nhà đầu tư đã bình tâm hơn và chờ đợi những thông tin mới tiếp theo, thay vì cùng lao vào bán tháo.

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 3,59 điểm (-0,62%) xuống 577,01 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 109 triệu đơn vị, tương đương giá trị 1.980 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 3,35 triệu đơn vị, trị giá 169 tỷ đồng (VCB thỏa thuận 1,2 triệu, trị giá gần 45 tỷ đồng).

Với 10 mã tăng, 14 mã giảm và 6 mã đứng giá, chỉ số VN30 giảm 2,55 điểm (-0,41%) xuống 616,84 điểm.

Trên HNX, chỉ số sàn này chốt phiên giảm 0,32 điểm (-0,38%) xuống 84,86 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 52,14 triệu đơn vị, tương đương giá trị 621,59 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 16 tỷ đồng.

HNX30-Index giảm 0,75 điểm (-0,45%) xuống 165,01 điểm với 8 mã tăng, 13 mã giảm và 9 mã đứng giá.

So với phiên sáng, độ rộng của thị trường trong phiên chiều đã khá cân bằng. Trong đó, nhóm bluechips và những mã ngân hàng không bị giảm sâu hơn.

Cụ thể, GAS giảm 3.000 đồng; MSN giảm 500 đồng; BVH giảm 600 đồng; PVD giảm 1.000 đồng…

Trong khi, ở nhóm ngân hàng, ngoại trừ VCB tăng trở lại với mức tăng 400 đồng nhờ lực mua mạnh từ khối ngoại (khối này mua vào hơn 1,5 triệu cổ phiếu VCB, chiếm hơn 65% tổng khối lượng giao dịch của mã này), còn hầu hết các mã ngân hàng khác đều giảm, như EIB, STB giảm 300 đồng; MBB giảm 200 đồng; CTG, BID giảm 100 đồng; Trên sàn HNX, SHB giảm 200 đồng; ACB giảm 300 đồng.

Ở chiều tăng, nhóm cổ phiếu bất động sản gây được chú ý nhất khi đi ngược dòng thì trường. Bất chấp nhiều mã dẫn dắt đi xuống, nhóm cổ phiếu này lại nhẹ nhàng tăng dần. Theo đó, FLC, KBC, HAG, DXG, DLG, HAR… (HOSE), hay SCR, VCG (HNX) đồng loạt tăng, trong khi phiên sáng vẫn lình xình ở tham chiếu.

Ngoài ra, một vài cổ phiếu đáng chú khi tăng trần như VHG. Sau nhiều phiên tăng trần vào những phiên cuối năm 2014 và đầu năm 2015, VHG khá lình xình, gần như đều giao dịch dưới tham chiếu với khối lượng khớp trung bình 3-4 triệu đơn vị, Trong phiên hôm nay, VHG tăng trần với 6 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua trần hơn 1,5 triệu cổ phiếu.

Về thanh khoản, cặp bài trùng FLC và KLF vẫn là những mã dẫn dắt trên 2 sàn, trong đó, FLC khớp gần 8 triệu, còn KLF khớp gần 12 triệu cổ phiếu.

Có thể thấy, dù chịu ảnh hưởng bởi thông tin không tích cực nhưng thị trường đã hồi lại đáng kể so với mức giảm sâu nhất trong phiên. Hy vọng, trong những phiên giao dịch tiếp, khi nhà đầu tư đã bình tĩnh hơn thì những ảnh hưởng tâm lý nhất thời sẽ qua, thị trường sẽ sớm hồi phục khi báo cáo kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2014 của các doanh nghiệp đang dần hé mở với những tín hiệu khả quan.

Tin bài liên quan