Phiên giao dịch chiều 12/8: Khối ngoại ép thị trường

Phiên giao dịch chiều 12/8: Khối ngoại ép thị trường

(ĐTCK) Một lần nữa, mốc hỗ trợ 600 điểm lại phát huy tác dụng, giúp VN-Index bật trở lại và dao động trên mốc tham chiếu trong phần lớn thời gian của phiên chiều. Tuy nhiên, nỗ lực giữ VN-Index có phiên tăng điểm đã bất thành do lực bán của khối ngoại ở các mã lớn.

Bước vào phiên giao dịch chiều, một 600 điểm một lần nữa được thử thách, tuy nhiên, cũng giống như phiên sáng, mốc hỗ trợ 600 điểm một lần nữa đứng vững và giúp VN-Index nảy trở lại, leo thẳng đứng qua mốc tham chiếu.

VIC, VCB, PVD, HAG, DPM và SSI chính là những mã được sử dụng để giữ VN-Index tăng điểm, đặc biệt là VIC và PVD. Trong khi VIC lấy lại được phong độ như đầu phiên sáng và đóng cửa ở mức cao nhất ngày 78.500 đồng, tăng 2.500 đồng (+3,29%) với hơn 1,73 triệu đơn vị được khớp, thì PVD bất ngờ lại tăng vọt lên sát mức giá trần 105.000 đồng, trước khi đóng cửa ở mức 102.000 đồng, tăng 3.000 đồng (+3,03%).

Với sự giúp sức của các mã trên, VN-Index dao động trên mốc tham chiếu trong phần lớn thời gian giao dịch của phiên chiều. Nhiều người đã nghĩ rằng, VN-Index sẽ được cứu để tránh khỏi phiên giảm thứ 3 liên tiếp. Tuy nhiên, những nỗ lực trên là chưa đủ khi áp lực bán đè giá ở các mã lớn như MSN, VNM, GAS được tung ra trong đợt ATC.

Kết thúc phiên 12/8, VN-Index giảm 0,35 điểm (-0,06%), xuống 601,78 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 83 triệu đơn vị, giá trị 1.458 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận gần 4,48 triệu đơn vị, giá trị hơn 99 tỷ đồng. VN30-Index  bất ngờ lại có mức tăng 1,74 điểm (+0,27%), lên 639,96 điểm do không chịu tác động của GAS và BID.

HNX-Index dù rất nỗ lực, nhưng không một lần leo lên trên mốc tham chiếu trong phiên giao dịch chiều do mức giảm từ phiên sáng là khá sâu. Đóng cửa, HNX-Index giảm 0,13 điểm (-0,16%), xuống 80,47 điểm. Tổng khối lượng giao dịch 66,7 triệu đơn vị, giá trị 1.125 tỷ đồng và phần lớn trong số này vẫn đến từ phiên thỏa thuận từ phiên sáng với sự góp mặt của 29,38 triệu cổ phiếu VCS, giá trị 678,7 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu này tương đương 55,438% tổng số cổ phiếu VCS đang lưu hành. Đây nhiều khả năng là giao dịch mua của CTCP Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa) từ các nhóm cổ đông sở hữu trên 51% VCS, nhằm biến VCS thành công ty con Phenikaa. HNX30-Index cũng giảm 0,1 điểm (-0,06%), xuống 161,48 điểm.

Nhóm cổ phiếu khiến HNX-Index giảm điểm trong phiên hôm nay vẫn là nhóm large cap, trong khi nhóm midcap và smallcap vẫn có được mức tăng nhẹ.

Trở lại với diễn biến phiên giao dịch chiều nay. FLC gần như không có nhiều chú ý trong phiên chiều, phần lớn thời gian giao dịch chiều mã này chỉ được giao dịch nhỏ giọt, đến hết đợt khớp lệnh liên tục, chỉ có thêm chưa tới 2 triệu đơn vị được khớp. Tuy nhiên, trong đợt ATC, “cuộc chiến” thực sự đã nổ ra giữa những nhà đầu tư nắm giữ FLC và những người muốn thu gom mã này trong danh mục. Các lệnh mua và bán đều được giấu rất kỹ, tuy nhiên, khi chốt đợt ATC có tới gần 5 triệu cổ phiếu FLC được khớp lệnh ở mức tham chiếu, bằng gần 50% tổng khối lượng khớp của toàn sàn HOSE trong đợt ATC.

Ngoài FLC, VIC và PVD, các mã khác trên HOSE không có nhiều điểm đáng chú ý, đà số chỉ dao động trong biên độ hẹp với giao dịch nhỏ giọt.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng mạnh trong phiên hôm nay và vẫn loại ra chủ yếu là các mã bluechip có vốn hóa lớn như MSN, GAS, KDC, HAG, PVD, VIC…

Trên HNX, KLF vẫn trở thành điểm hút tiền đầu cơ mới khi mức giá tăng thêm được nới rộng lên thành 500 đồng (+4%), lên 13.000 đồng với 6,6 triệu đơn vị được khớp, gấp  2 lần mã đứng thứ 2 về thanh khoản là SCR.

PVS, VCG, FIT… cũng có mức tăng nhẹ, hỗ trợ cho HNX-Index, tuy nhiên, các mã lớn khác như PVC, SHB, LAS, AAA giảm giá khiến HNX-Index không thể đảo chiều thành công. Bên cạnh đó, cũng giống như sàn HNX, việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cũng tạo áp lực lên HNX-Index.

Tin bài liên quan