Phiên giao dịch chiều 11/5: Bị hớ nặng?

Phiên giao dịch chiều 11/5: Bị hớ nặng?

(ĐTCK) Lực cầu mạnh ở một vài mã thị trường không đủ sức lan tỏa ra khắp thị trường, khi tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa tự tin và vững vàng. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư bắt đáy OGC trong phiên hôm nay dường như có vẻ hơi vội vàng.

Bước sang phiên giao dịch chiều, trong khi bên mua vẫn giữ thái độ thận trọng, thì bên bán lại tỏ ra suốt ruột. Lực bán giá thấp được tung ra khiến thị trường đảo chiều, cả 2 chỉ số chủ yếu dao động trong sắc đỏ trong phiên giao dịch chiều này.

Kết thúc phiên đầu tuần, VN-Index giảm 2,84 điểm (-0,51%), xuống 551,67 điểm. Độ rộng của thị trường chuyển hướng, nghiêng về phía tiêu cực trong phiên chiều này khi có 79 mã tăng, trong khi có tới 126 mã giảm. Thanh khoản phiên hôm nay cũng không được cải thiện khi tổng khối lượng khớp chưa tới 88,5 triệu đơn vị, giá trị 1.081,9 tỷ đồng.

Trong khi đó, phiên giao dịch thỏa thuận lại chứng kiến sự sôi động khi có tới 19,87 triệu đơn vị, giá trị 521,6 tỷ đồng được sang tay. Cái tên gây chú ý trong phiên thỏa thuận chiều nay không ai khác vẫn là HSG.

Sau khi được chuyển nhượng 2,6 triệu đơn vị trong phiên sáng, HSG có thêm hơn 6,2 triệu đơn vị được sang tên trong phiên chiều, nâng tổng khối lượng giao dịch thỏa thuận của HSG lên 8,81 triệu đơn vị, giá trị 303,96 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn phải kể đến đóng góp của 4,03 triệu cổ phiếu IDI, giá trị 32,66 tỷ đồng và 3 triệu cổ phiếu VPH, giá trị 32,4 tỷ đồng.

Tương tự, HNX-Index cũng giảm 0,53 điểm (-0,66%), xuống 79,76 điểm với 76 mã tăng và 104 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh hơn 38,5 triệu đơn vị, giá trị 411,54 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận trên HNX đạt gần 3,1 triệu đơn vị, giá trị 17,47 tỷ đồng.

Trong khi VHG không thể duy trì phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp khi đóng cửa ở mức 9.100 đồng, tăng 3,41% với 4,93 triệu đơn vị được khớp, thì HHS lại yên vị ở mức trần 22.800 đồng với 2,58 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần hơn 610.000 đơn vị.

Các mã thị trường khác bị bán mạnh trong phiên chiều này và đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ, có mã về gần sát mức giá sàn. Cụ thể, FLC giảm 1%, xuống 9.900 đồng với 13,4 triệu đơn vị được khớp; HQC giảm 3,57%, xuống 5.400 đồng với 1,6 triệu đơn vị được khớp, DLG giảm 2,47%, HAI giảm 3,22%...

Tuy nhiên, gây chú ý nhất vẫn là OGC. Tưởng chừng dòng tiền bắt đáy chảy ồ ạt sẽ giúp chặn đà giảm sàn liên tiếp của OGC ở con số 6, nhưng dường như các nhà đầu tư bắt đáy OGC đã tính sai thời điểm?

Với những tin xấu được công bố trước đó, cũng như khả năng bị hủy niêm yết do vi phạm công bố thông tin, những nhà đầu tư nắm giữ OGC đã tìm mọi cách để tháo chạy khỏi khoản đầu tư này với tâm lý vớt vát được tý nào hay tý đó, trước khi lượng cổ phiếu này trở thành “giấy lộn”.

Trong khi đó, với 6 phiên giảm sàn liên tiếp, giá OGC đã giảm khoảng 28,5% so với mức giá 4.200 đồng ngày 24/4. Do đó, khi OGC tiếp tục bị bán tháo và xuống 2.800 đồng đầu phiên sáng nay, một số nhà đầu tư đã nhận thấy cơ hội đã đến nên ồ ạt bắt đáy, giúp OGC có thanh khoản đột biến với lượng khớp 18,7 triệu đơn vị và không còn giảm sàn khi chốt phiên sáng nay.

Tuy nhiên, với những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu OGC và miệt mài tháo chạy nhưng bất thành 6 phiên trước, việc tự nhiên có lượng cầu bắt đáy khủng hôm nay là cơ hội để họ thoát ra, ít nhất là “cắt bỏ cục nợ” để chuyển hướng sang các cơ hội đầu tư khác. Vì vậy, lượng dư mua còn lại của phiên sáng nhanh chóng bị hấp thụ hết trong phiên chiều nay và OGC lại chuyển sang trạng thái dư bán giá sàn khi chốt phiên hôm nay. Đây là phiên giảm sàn thứ 7 liên tiếp của OGC, nhưng tích cực hơn 6 phiên trước, tổng khối lượng khớp của OGC hôm nay lên tới 23,4 triệu đơn vị, tổng giá trị hơn 66,7 tỷ đồng.

Nhìn lược dư bán còn rất lớn tại OGC, dường như bên bắt đáy đã tính sai thời điểm và có thể bị hớ nặng khi vào hàng hôm nay. Dù sao, diễn biến của thị trường luôn có những bất ngờ và mọi việc chưa thể khẳng định được gì. Bởi đồ bỏ đi của người này, lại là hàng hiệu của người khác.

Với các mã bluechip, sắc xanh trong phiên chiều đã giảm hẳn so với phiên sáng khi chỉ còn VCB, CII, HCM giữ được đà tăng, còn lại đều quay đầu giảm giá, một số ít đứng ở tham chiếu.

Tương tự, sắc xanh nhạt trong phiên sáng của KLF, PVX cũng nhanh chóng biến mất khi kết thúc phiên chiều nay. Trong đó, KLF giảm 3,95%, xuống 7.300 đồng với 7,85 triệu đơn vị được khớp, SHB giảm 2,47%, xuống 7.900 đồng với 5,93 triệu đơn vị được khớp, PVX giảm 2,44%, xuống 4.000 đồng với 1,97 triệu đơn vị được khớp. Trong khi FIT vẫn duy được đà tăng dù không mạnh như phiên sáng với mức tăng 1,5%, tổng khớp 5,7 triệu đơn vị. Còn SHN và PVL vẫn án ngữ ở mức giá trần khi đóng cửa phiên.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng trong phiên hôm nay, nhưng mức mua giảm hơn nhiều so với các phiên mua ròng tuần trước. Cụ thể, khối ngoại mua ròng 2,07 triệu đơn vị, giá trị mua ròng 57 tỷ đồng trên HOSE, mua ròng hơn 433.000 đơn vị, giá trị mua ròng 6,33 tỷ đồng trên HNX.

Tin bài liên quan