Phiên giao dịch chiều 1/12: Gió đổi chiều

Phiên giao dịch chiều 1/12: Gió đổi chiều

(ĐTCK) Dù một số mã bluechip tăng tốt hỗ trợ cho thị trường, nhưng khi thị trường vừa có dấu hiệu hồi, lực bán tại GAS, PVD và các mã có tính đầu cơ lại tăng cao những phút cuối phiên, hãm đà tăng của thị trường.

Bước vào phiên, diễn biến giao dịch vẫn duy trì như phiên sáng, giúp nhiều nhà đầu tư “dễ thở” hơn. Tưởng chừng sóng gió đã qua, nhất là nhìn vào lực mua mạnh ở một số bluechip như DPM, BVH, VCB, MSN, EIB… Tuy nhiên, vẫn luôn có lượng cung chờ bán khá lớn, nhất là tại các mã có tính đầu cơ cao, khiến thị trường không thể bứt lên. Đến đợt ATC, GAS, PVD, cùng 1 số mã có tính đầu cơ chịu áp lực bán mạnh, khiến thị trường đảo chiều. Đà tăng của VN-Index bị hãm bớt, trong khi HNX-Index may mắn mới giữ được sắc xanh nhạt.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tháng 12, VN-Index tăng 1,43 điểm (+0,25%), lên 568,01 điểm với 110 mã tăng, trong khi cũng có tới 119 mã giảm. VN30-Index do không chịu tác động của GAS nên có mức tăng tốt hơn với 3,29 điểm (+0,54%), lên 614,44 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 123,86 triệu đơn vị, giá trị 2.187,64 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 15,82 triệu đơn vị, giá trị 306 tỷ đồng và chủ yếu diễn ra trong phiên chiều với sự đóng góp chủ yếu của BT 6 (6,23 triệu đơn vị, giá trị 55,49 tỷ đồng), PET (2,35 triệu đơn vị, giá trị 54,76 tỷ đồng), SAM (3,77 triệu đơn vị, giá trị 48,69 tỷ đồng)…

HNX-Index chỉ còn tăng 0,02 điểm (+0,02%), lên 87,44 điểm với số mã tăng, giảm khá cân bằng (92 mã tăng, 90 mã giảm). HNX30-Index thậm chí còn đảo chiều giảm 0,74 điểm (-0,42%), xuống 174,46 điểm với 6 mã tăng và 10 mã giảm.

Như đề cập ở trên, trong phiên hôm nay, lực cầu tại các mã bluechip như DPM, MSN, VCB, EIB, BVH khá tốt, trong đó, DPM tăng 1.500 đồng (+5,14%), lên 30.700 đồng với hơn 2 triệu đơn vị được khớp; BVH tăng 1.300 đồng (+3,55%), lên 37.900 đồng; MSN tăng 1.500 đồng (+1,86%), lên 82.000 đồng; VCB tăng 500 đồng (+1,81%), lên 28.200 đồng; EIB tăng 500 đồng (+4,46%), lên 11.700 đồng.

Trong khi đó, các mã có tính đầu tư như FLC, ITA, KBC, HQC lại chịu áp lực bán mạnh với mức giảm 1 - 2 bước giá, trong đó, FLC giảm 200 đồng (-1,71%), xuống 11.500 đồng với 27 triệu đơn vị được khớp, HQC, ITA, KCB có thanh khoản kiêm tốn hơn. Trong khi VHG lại giữ được mức tăng nhẹ 100 đồng với hơn 4 triệu đơn vị được khớp.

Trong khi VPH mất sắc tím vào những phút chót, thì DRH bất ngờ lại được kéo lên mức giá trần 7.100 đồng với hơn 1 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần.

Các mã khác như APC, LGC, SBC, PJT, PNC, VOS, VNA, VTO, VST duy trì được mức tăng trần cho đến khi đóng cửa phiên giao dịch.

Trên HNX, trong khi PVC chỉ còn duy trì được mức tăng tối thiểu, thì PVS đã trở lại với giá tham chiếu, trong khi FIT có mức giảm 2.000 đồng (-7,41%), xuống 25.000 đồng. 

ITQ với kết quả kinh doanh ấn tượng, vẫn giữ vững sắc tím, chốt phiên ở mức giá 40.200 đồng với 1,78 triệu đơn vị được khớp.

Ba mã dẫn đầu thanh khoản trên HNX là KLF, PVX và PVS đều đứng ở mức tham chiếu, trong đó, KLF được khớp gần 8,1 triệu đơn vị, PVX là 5,47 triệu đơn vị và PVS là 3,8 triệu đơn vị.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh trên HNX với khối lượng bán ròng hơn 1,7 triệu đơn vị, giá trị hơn 50 tỷ đồng. Các mã bị bán mạnh là PVS, PVX, AAA. Trên HOSE, khối này bán ròng 1,2 triệu đơn vị, giá trị 107 tỷ đồng. Các mã bị bán ra mạnh vẫn là những mã quen thuộc như GAS, DPM, KDC, PVD…

Tin bài liên quan