Phiên chiều 5/2: Chưa vượt qua nỗi sợ

Phiên chiều 5/2: Chưa vượt qua nỗi sợ

(ĐTCK) Dường như nhà đầu tư trong nước vẫn còn tâm lý sợ hãi, không đủ tự tin để nắm giữ cổ phiếu quá lâu và đây là lý do khiến VN-Index đi ngược với xu hướng tăng của chứng khoán khu vực trong phiên hôm nay (5/2).

Trong phiên giao dịch sáng, với quán tính trong phiên giao dịch chiều qua và sự khởi sắc của chứng khoán toàn cầu, chứng khoán Việt Nam mở cửa với mức tăng khá tốt, VN-Index vượt qua ngưỡng 935 điểm.

Tuy nhiên, trong khi nhà đầu tư thế giới hân hoan với việc Trung Quốc bơm hơn 240 tỷ USD vào thị trường và các dữ liệu kinh tế khả quan của Mỹ, thì nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam lại đừng ngoài luồng tâm lý này.

Nhà đầu tư trong nước vẫn có nỗi lo nào đó đè năng tâm lý, nên không ai đủ tự tin giữ cổ phiếu quá thời gian T+, mà nhanh chóng bán ra để hiện thực hóa lợi nhuận, dù mức lãi khiêm tốn. Điều này khiến đà nâng của VN-Index không duy trì được lâu, mà thị trường nhanh chóng quay đầu điều chỉnh sau đó.

Bước vào phiên chiều, lực bán ra còn mạnh hơn, khiến CTG quay đầu giảm giá sau phiên khởi sắc hôm qua, nhiều mã lớn khác như VIC, VCB, SAB, VJC, BID, NVL nới rộng đà giảm, số khác giữ được sắc xanh, nhưng đà tăng bị thu hẹp.

Trong khi đó, các mã thị trường, có thị giá nhỏ lại giao dịch khá tích cực, nhiều mã có mức tăng khá tốt, giúp sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng điện tử. Tuy nhiên, do áp lực đến từ các mã lớn, nên VN-Index không thể có được phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp, mà đóng cửa trong sắc đỏ, dù vẫn giữ được mốc 925 điểm.

Chốt phiên, VN-Index giảm 3,18 điểm (-0,34%), xuống 925,91 điểm với 180 mã tăng và 151 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 197,4 triệu đơn vị, giá trị 4.319,5 tỷ đồng, giảm nhẹ về khối lượng, nhưng tăng gần 10% về giá trị so với phiên trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 33,7 triệu đơn vị, giá trị 1.321 tỷ đồng.

Trong các mã lớn, chỉ còn VHM, VNM duy trì được sắc xanh, TCB đứng tham chiếu, còn lại đều giảm. Cụ thể, VIC giảm 0,26% xuống 114.500 đồng, VCB giảm 1% xuống 88.900 đồng, VHM tăng 0,35% lên 86.000 đồng, BID giảm 1,65% xuống 53.500 đồng, VNM tăng 1,52% lên 106.600 đồng, GAS giảm 0,49% xuống 81.600 đồng, SAB giảm tới 4,43% xuống 194.000 đồng, CTG đảo chiều giảm 1,3% xuống 26.550 đồng, mức giá thấp nhất ngày.

Trong khi đó, với các mã bluechip khác, HDB lại đảo chiều tăng giá ngoạn mục khi đóng cửa tăng 3,09%, lên 28.400 đồng nhờ lực cầu ngoại chảy mạnh. Chốt phiên, HDB khớp 1,33 triệu đơn vị, khối ngoại mua ròng gần 1,3 triệu đơn vị, chủ yếu trong phiên thỏa thuận. VPB cũng dù hãm đà tăng nhưng cũng đóng cửa tăng 2,99% lên 24.150 đồng, PLX tăng 1,58% lên 51.500 đồng, BHN tăng 4,99% lên 61.000 đồng, BVH tăng 1,97% lên 56.800 đồng… Trong khi đó, VJC, VRE, NVL, EIB, PNJ giảm từ hơn 1% đến gần 2%.

Trong nhóm này, CTG là mã có thanh khoản tốt nhất với 11,78 triệu đơn vị được khớp và cũng là mã có thanh khoản tốt nhất sàn. Tiếp đó là MBB khớp 7,18 triệu đơn vị, HPG khớp 6,94 triệu đơn vị, VPB khớp 6,4 triệu đơn vị, STB khớp 3,97 triệu đơn vị. TCB, VHM, POW, VRE khớp trên 2 triệu đơn vị.

Với các mã thị trường, DLG đã không còn giữ được sắc tím như phiên sáng khi đóng cửa ở mức 1.790 đồng, tăng 4,68% với 10,2 triệu đơn vị được khớp.  FLC, LDG, HQC, SCR, ITA, HAG, IDI đóng cửa với sắc xanh, thậm chí SJF cũng đảo chiều tăng giá thành công dù có lúc về sát giá sàn.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, LMH, ROS lại đóng cửa ở mức sàn. Trong đó, LMH khớp 7,88 triệu đơn vị, còn dư bán giá sàn (2.050 đồng) gần 100.000 đơn vị, còn ROS khớp 3,24 triệu đơn vị, còn dư bán giá sàn (7.520 đồng) hơn 1 triệu đơn vị.

Trên HNX, lực bán cũng diễn ra mạnh khi bước vào phiên chiều khiến HNX-Index lùi xuống dưới tham chiếu, nhất là ACB đảo chiều giảm, nhưng nhờ sự vững chắc của các mã khác như VCS, SHB, PVS, PVI, NVB, nên HNX-Index kịp trở lại sắc xanh khi chốt phiên chiều.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,61 điểm (+0,6%), lên 103,19 điểm với 54 mã tăng và 64 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 36,9 triệu đơn vị, giá trị 401,8 tỷ đồng, tăng 19% về khối lượng và 27,7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2 triệu đơn vị, giá trị 46,6 tỷ đồng.

Như đã nói, ACB quay đầu giảm 0,86% xuống 23.000 đồng, VCG thu hẹp đà giảm khi chỉ còn mất 0,79% xuống 25.100 đồng, VIF cũng thoát mức sàn khi đóng cửa chỉ còn giảm 5,41% xuống 17.500 đồng, IDC giảm 1,14% xuống 17.400 đồng. Trong khi đó, VCS tăng 2,53% lên 64.800 đồng, SHB tăng mạnh lên mức trần 7.400 đồng, PVS tăng 2,55% lên 16.100 đồng, PVI tăng 1,62% lên 31.400 đồng, NVB tăng 1,11% lên 9.100 đồng.

Trong nhóm này, SHB có thanh khoản vượt trội với 13,15 triệu đơn vị, tiếp đến là PVS với 3,13 triệu đơn vị, ACB khớp 2,79 triệu đơn vị, NVB khớp 2,5 triệu đơn vị. Trong các mã nhỏ, chỉ có thêm ACM khớp trên 1 triệu đơn vị (1,47 triệu đơn vị) và đóng cửa ở mức trần 600 đồng, còn dư mua trần gần 2 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sau ít phút rung lắc đầu phiên, chỉ số chính của sàn này trở lại đà tăng và thiết lập đỉnh của ngày trước khi hạ nhiệt trong ít phút cuối phiên, đóng cửa thấp hơn phiên sáng.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,46 điểm (+0,85%), lên 55,21 điểm với 96 mã tăng, 54 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 11,2 triệu đơn vị, giá trị 282 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2 triệu đơn vị, giá trị 124,2 tỷ đồng.

LPB vẫn là mã duy nhất khớp trên 1 triệu đơn vị trên thị trường này khi đóng cửa tăng 4,48%, lên 7.000 đồng, khớp 2,2 triệu đơn vị. BSR cũng tăng nhẹ 1 bước giá, khớp gần 1 triệu đơn vị.

Có sắc xanh còn phải kể đến VIB, GVR, ACV, VGT, CTR, VGI, VEA, MCH, VTP, MSR, trong khi OIL, VBB đứng giá tham chiếu, LTG, VGG và KLB giảm giá.

Trên thị trường phái sinh, giống như VN30 (giảm 0,02%, xuống 845,31 điểm), đa số hợp đồng phái sinh chỉ số này đều giảm nhẹ, chỉ có VN30F2009 đáo hạn ngày 17/9 tăng tốt 0,25% lên 848,1 điểm. Hợp đồng có ngày đáo hạn gần nhất là VN30F2002 đáo hạn ngày 20/2 giảm 0,05% xuống 841,8 điểm với 139.923 hợp đồng được chuyển nhượng, tăng mạnh so với mức bình quân những phiên gần đây, khối lượng mở 16.500 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, số mã tăng giảm khá cân bằng 24/23, trong đó có 3 mã giảm sàn là CNVL1901 xuống 10 đồng với chỉ 10 đơn vị được khớp; CSBT1901 cũng xuống 10 đồng với chỉ 20 đơn vị được khớp; và CVHM1901 xuống 10 đồng với 138.740 đơn vị được khớp.

Về thanh khoản, CHPG1909 có thanh khoản tốt nhất với 503.380 đơn vị, đóng cửa giảm 5,26% xuống 1.260 đồng. Tiếp đến là CVPB1901 khớp 386.710 đơn vị, đóng cửa tăng 13,17% lên 6.100 đồng.

Tin bài liên quan