Phiên chiều 5/12: Bluechips bị bán mạnh, VN-Index giảm trở lại

Phiên chiều 5/12: Bluechips bị bán mạnh, VN-Index giảm trở lại

(ĐTCK) Tâm lý tích cực từ phiên tăng mạnh trước đó chỉ giúp VN-Index trụ được trong phiên sáng, trước khi quay đầu giảm điểm trong phiên chiều, trong đó tác nhân chính đến từ việc nhóm cổ phiếu bluechips bị bán mạnh.

Dư âm từ phiên thăng hoa trước đó giúp VN-Index sớm bật tăng khi mở cửa phiên hôm nay 5/12. Tuy nhiên, sự tích cực này không duy trì được lâu khi sự thận trọng dâng cao, trong khi áp lực chốt lời ngày một lớn. Bởi vậy, VN-Index hạ dần độ cao về cuối phiên sáng.

Trong phiên chiều, động thái bán ra đã dứt khoát hơn, tập trung tại nhóm cổ phiếu bluechips nên VN-Index nhanh chóng đảo chiều giảm điểm. Bên cạnh đó, sức cầu cũng tỏ ra dè dặt nên ít hỗ trợ cho chỉ số, khiến sắc đỏ chiếm ưu thế cho đến khi kết phiên.

Như vậy, VN-Index đã ngay lập tức giảm trở lại sau phiên thăng hoa trước đó. Sau chuỗi giảm điểm mạnh thời gian qua, diễn biến này phần nào cho thấy, đà hồi phục của thị trường ở thời điểm hiện tại chưa bền vững.

Đóng cửa, với 142 mã tăng và 183 mã giảm, VN-Index giảm 2,63 điểm (-0,27%) về 966,62 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 194,53 triệu đơn vị, giá trị 4.189,2 tỷ đồng, giảm 7% về khối lượng và 11% về giá trị so với phiên 4/12. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 35 triệu đơn vị, giá trị gần 1.075 tỷ đồng.

Là nhóm có đóng góp tích cực nhất trong phiên hôm qua, các ngân hàng đã chịu áp lực lớn trong phiên hôm nay, khiến đa phần cổ phiếu trong nhóm này giảm điểm như CTG -1,7%, MBB -1,6%, TCB và BID cùng giảm gần 1%... Tuy nhiên, VCB và HDB vẫn giữ được sắc xanh, trong đó HDB tăng tốt nhất 2,2% lên 27.900 đồng với sự hỗ trợ của thông tin mua cổ phiếu quỹ. Hôm qua, HDB đã tăng kịch trần.

Ngoài cổ phiếu ngân hàng, nhiều cổ phiếu trụ các cũng ghi nhận mức giám khá mạnh như VNM -0,8%, MWG -2,2%, GAS -1,3%, BVH, FPT và BVH cùng giảm khoảng 1%... MSN phiên này đã giảm trở lại về 62.000 đồng (-0,8%).

Trong khi đó, cổ phiếu họ VIC đồng loạt tăng điểm để hỗ trợ chỉ số, dù không quá mạnh. VRE tăng tích cực nhất, đạt 1,2% lên 34.500 đồng.

VRE, VHM, HDB cũng là những mã có thanh khoản tốt nhất nhóm bluechips khi lần lượt đạt 6,08 triệu, 3,4 triệu và 1,7 triệu đơn vị. MSN khớp được 1,45 triệu đơn vị.

Tại nhóm cổ phiếu thị trường, sắc đỏ chiếm ưu thế, song nhóm cổ phiếu họ FLC vẫn giao dịch tích cực cả về điểm số lẫn thanh khoản. Cụ thể, ROS +1,2% lên 24.500 đồng, khớp lệnh 31,45 triệu đơn vị, FLC +1,3% lên 4.640 đồng, khớp lệnh 11,03 triệu đơn vị, AMD +4,1% lên 2.040 đồng, khớp lệnh 10,5 triệu đơn vị. Tuy nhiên, HAI giảm sàn về 2.690 đồng, khớp lệnh 5,6 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, diễn biến cũng tương tự như HOSE khi cũng giao dịch trong sắc đỏ ở phiên chiều. Điểm tích cực là thanh khoản trên HNX ghi nhận sự cải thiện, sức cầu khả quan phần nào hỗ trợ chỉ số không giảm sâu.

Đóng cửa, với 58 mã tăng và 58 mã giảm, HNX-Index giảm 0,11 điểm (-0,1%) về 102,37 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 25 triệu đơn vị, giá trị 317 tỷ đồng, tăng 5% về khối lượng và 15% về giá trị so với phiên 4/12. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 5 triệu đơn vị, giá trị gần 95 tỷ đồng.

Các mã trụ như ACB, NVB, VCS, NTP, CEO, SHS… cùng giảm điểm khá mạnh. Trong đó, NVB -1,1% về 9.300 đồng, khớp lệnh 1,5 triệu đơn vị; ACB -0,4% về 22.900 đồng, khớp lệnh 1,24 triệu đơn vị.

PVS khớp lệnh 2,47 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. SHB khớp 1,7 triệu đơn vị, Cả 2 mã cùng đứng giá tham chiếu.

Đáng chú ý, sau 2 phiên trần, MBG đã giảm sàn ở lại trong phiên này về 32.300 đồng, thanh khoản tăng đột biến, đạt 1,02 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, cùng với 2 sàn niêm yết, sắc đỏ cũng ngự trị trong suốt phiên giao dịch chiều, cho dù số mã tăng khá áp đảo. Sức cầu yếu và cổ phiếu trụ phân hóa là những nguyên nhân khiến sàn này không thể tăng.

Đóng cửa, với 97 mã tăng và 53 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,05 điểm (-0,09%) về 55,86 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 9,5 triệu đơn vị, giá trị 153 tỷ đồng, giảm 47% về khối lượng và 51% về giá trị so với phiên 4/12. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,2 triệu đơn vị, giá trị hơn 38 tỷ đồng.

Việc nhóm cổ phiếu lớn phân hóa mạnh khiến sàn này thiếu lực đỡ. Trong khi HTM, GVR, LPB, VGI, MPC, VGT… tăng điểm, thì BSR, OIL, CTR, MCH, VEA… giảm điểm.

Trong đó, BSR khớp lệnh 1,87 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn, giảm 1,1% về 9.100 đồng; HTM khớp lệnh 1,32 triệu đơn vị, tăng mạnh 7,4% lên 17.400 đồng. Đây cũng là 2 mã có thanh khoản cao nhất sàn.

Trên thị trường phái sinh, chỉ 1 hợp đồng tăng điểm là VN30F2006, 3 mã còn lại đều giảm, trong đó có mã có thời gian đáo hạn gần nhất là VN30F1912 với mức giảm 0,32% về 885 điểm, với 70.075.092 hợp đồng được giao dịch, khối lượng mở 18.222 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế với 29 mã giảm, trong khi chỉ có 8 mã tăng. Trong đó, mã có thanh khoản tốt nhất là CHPG1902 với lượng khớp đột biến 1.152.680 đơn vị, đóng cửa giảm 33,33% xuống 20 đồng.

Tin bài liên quan