Phiên chiều 31/10: Bluechip yếu đà, VN-Index tuột mất mốc 1.000 điểm

Phiên chiều 31/10: Bluechip yếu đà, VN-Index tuột mất mốc 1.000 điểm

(ĐTCK) Áp lực bán lan rộng, mặc dù không lớn đến nhóm bluechip đã khiến VN-Index khép lại tháng 10 mà không thể giữ lại được mốc cản tâm lý mạnh 1.000 điểm.

Sau phiên sáng và những phút đầu phiên chiều cố gắng trụ lại mốc 1.000 điểm, thị trường đã nhanh chóng đảo chiều xuống dưới tham chiếu bởi áp lực bán trên diện rộng, trong đó có cả nhóm bluechip, trong khi những trợ lực cũng yếu dần, qua đó, khiến chỉ số đánh mất số điểm 1.000 điểm khi đóng cửa.

Chốt phiên, sàn HOSE có 110 mã tăng và 221 mã giảm, VN-Index giảm 2,07 điểm (-0,21%), xuống 998,82 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 219 triệu đơn vị, giá trị 4.271,7 tỷ đồng, tăng gần 21% về khối lượng và 16% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 29,87 triệu đơn vị, giá trị 866,77 tỷ đồng.

Tính chung trong tháng 10/2019, chỉ số VN-Index chỉ nhích nhẹ từ 996,56 điểm lên 998,82 điểm, tương đương +0,23%.

Áp lực bán đã khiến nhiều cổ phiếu quay đầu giảm hoặc nới thêm mức giảm giá như VNM -1,5% xuống 130.000 đồng; VIC -0,5% xuống 119.000 đồng; CTG -0,7% xuống 22.000 đồng; HPG -0,9% xuống 21.800 đồng; VPB -1,4% xuống 21.500 đồng; riêng ROS thu hẹp đà giảm, mất 0,8% xuống 25.100 đồng…. cùng hàng loạt sắc đỏ khác tại VCB, SAB, TCB, MBB, VRE, HVN…

Cổ phiếu dẫn dắt phiên sáng là MSN chỉ còn nhích nhẹ 0,3% lên 74.200 đồng. Trong khi đó, BID có phần khởi sắc +1% lên 40.600 đồng; BVH +1,8% lên 72.100 đồng; HDB +1,9% lên 29.450 đồng; STB +0,9% lên 10.800 đồng. Các bluechip khác có sắc xanh nhạt còn có VHM, GAS, VJC, NVL, FPT…

Khớp lệnh ROS vẫn vượt xa phần còn lại với hơn 24,6 triệu đơn vị và cũng là lớn nhất HOSE. HPG theo sau với 5,7 triệu đơn vị; HDB có 4 triệu đơn vị; VRE có 3,5 triệu đơn vị; STB có 3,1 triệu đơn vị. Nhóm MBB, CTG, VNM có từ 1,8 triệu đến 2,55 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sự chú ý tiếp tục dồn vào các cổ phiếu họ FLC. Trong đó, FLC chính thức nằm sàn -6,9% xuống 4.750 đồng, khớp hơn 21,9 triệu đơn vị.

Mới đây, FLC đã bất ngờ có thông báo, hủy ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền mua gần 300 triệu cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1.000:422 vào 24/10/2019, trước đó, FLC cũng đã từng hủy ngày 20/8/2019 để thực hiện quyền mua cổ phiếu trên.

Tương tự, AMD cũng giảm sàn xuống 1.620 đồng, khớp hơn 4,4 triệu đơn vị. HAI may mắn hơn đôi chút khi thoát mức giá sàn, nhưng vẫn mất 4,2% xuống 1.810 đồng, khớp hơn 3,62 triệu đơn vị.

DLG trở lại sắc tím +6,4% lên 1.670 đồng, khớp hơn 16,1 triệu đơn vị và trắng bên bán. Cổ phiếu nhỏ khác như HVG cũng có được mức giá kịch trần tại 5.100 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị.

HSG và SCR cũng có được thanh khoản tốt với 6,2 triệu và 4,97 triệu đơn vị, nhưng cả 2 chỉ nhích nhẹ.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index tiếp tục yếu đi  và đóng cửa ở mức thấp nhất ngày do các trụ cột tiếp tụ đi xuống.

Theo đó, ACB -0,8% xuống 24.100 đồng; PVS -1,6% xuống 18.500 đồng; DGC -1,2% xuống 25.700 đồng; CEO -1,1% xuống 9.300 đồng; MBG -7,6% xuống 40.200 đồng; TNG -1,9% xuống 15.300 đồng.

Tăng điểm lác đác còn VCG +1,5% lên 27.000 đồng; VCS +0,6% lên 85.900 đồng; MBS +0,7% lên 14.200 đồng; SHS +1,2% lên 8.200 đồng; NDN +0,6% lên 16.600 đồng; VC3 +0,4% lên 24.300 đồng… Trong khi các cổ phiếu SHB, NVB, PVI đứng tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu nhỏ có thanh khoản tốt cũng kém tích cực với KLF, KVC giảm sàn…

Khớp lệnh cao nhất sàn là SHB với hơn 4,4 triệu đơn vị; HUT có 2,2 triệu đơn vị và đứng giá tại 2.400 đồng; ART có 2 triệu đơn vị, giảm 4,3% xuống 2.200 đồng; KLF có 1,8 triệu đơn vị; ACB có 1,29 triệu đơn vị…

Đóng cửa, sàn HNX có 30 mã tăng và 55 mã giảm, HNX-Index giảm 0,7 điểm (0,66%), xuống 105,19 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 25,24 triệu đơn vị, giá trị 246,88 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,15 triệu đơn vị, giá trị 66,7 tỷ đồng.

Trên UpCoM, diễn biến tương tự trên sàn HNX, khi chỉ số tiếp tục suy giảm tại vùng giá thấp và đóng cửa ở gần thấp nhất ngày.

Nhóm 20 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất tích cực hơn với sắc xanh chiếm ưu thế với BSR, VGP, LPB, CTR, MSR, ACV, KDF, C4G…trong khi mất điểm chỉ còn VIB, GVR, OIL…

Trong đó, BSR là cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất với gần 2,9 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng 1% lên 9.700 đồng/cổ phiếu.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,03 điểm (-0,05%), xuống 56,23 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 8,86 triệu đơn vị, giá trị 171,74 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,2 triệu đơn vị, giá trị 46 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng đều đảo chiều giảm khi đóng cửa. Trong đó, VN30F1911 vẫn được giao dịch nhiếu nhất với hơn 60.000 hợp đồng, khối lượng mở gần 19.900 hợp đồng. VN30F1911 giảm 0,2% xuống 926,5 điểm.

Trên thị trường chứng quyền, đa số các mã chứng quyền mất điểm. Sắc xanh chỉ còn lác đác tại CFPT1904, CFPT1903, CMBB1906, CVHM1901, CVHM1902, CVIC1902…

Tin bài liên quan