Phiên chiều 29/8: Bùng nổ!

Phiên chiều 29/8: Bùng nổ!

(ĐTCK) Thị trường thật sự bùng nổ trong phiên giao dịch chiều 29/8 khi nhà đầu tư nắm giữ tiền mặt dường như muốn "mua tất tay" trước khi nghỉ lễ.

Sau phiên sáng chịu áp lực điều chỉnh do lực chốt lời, nhiều nhà đầu tư lo ngại thị trường sẽ chịu áp lực bán mạnh trong phiên chiều trước kỳ nghỉ lễ. Đây là điều dễ hiểu, bởi kỳ nghỉ lễ kéo dài, trong khi thị trường đã có chuỗi ngày tăng mạnh và các chỉ số hiện đang ở các ngưỡng kháng cự mạnh.

Tuy nhiên, mọi mối lo đều đã được gạt qua một bên khi thị trường nhận được những liều "doping" kịp thời.

Cuối giờ sáng, giá xăng tiếp tục được điều chỉnh giảm gần 500 đồng và đây là lần thứ 4 liên tiếp giá xăng giảm. Thời gian gần đây, thông tin về CPI và giá xăng dầu dường như ít ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, với sự hưng phấn sẵn có, cùng với việc giá xăng liên tục giảm trong thời gian ngắn, nên lần này đã có tác động tới tâm lý nhà đầu tư.

Ngoài ra, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 8/2014, Ngân hàng Nhà nước cũng công bố những số liệu khả quan về thị trường tài chính, tiền tệ. Theo đó, tăng trưởng tín dụng đến 26/8 đạt 4,5% và khả năng sẽ đạt kế hoạch 12-14% cả năm. Lãi suất huy động và cho vay đều đang trong xu hướng giảm. 

Đây là thông tin tích cực không chỉ với các ngân hàng, mà cả các doanh nghiệp và cả nền kinh tế nói chung.

Nhận được liên tiếp các thông tin hỗ trợ, lực mua đã dồn dập đưa vào, kéo VN-Index vụt tăng mạnh, vượt qua ngưỡng cản 640 điểm với thanh khoản cũng được đẩy vọt.

Dường như nhà đầu tư cũng muốn tạo "cú nổ pháo hoa" trên thị trường chứng khoán để chào mừng ngày Quốc Khánh 2/9. Vì vậy, bảng tiện tử xuất hiện nhiều khắc màu, trong đó, sắc tím được lan rộng và đặc biệt là xuất hiện ở cả nhóm ngân hàng.

Tuy nhiên, lệnh chốt lời trong đợt ATC đã phần nào chặn đà hưng phấn của thị trường, khiến VN-Index đánh mất gần một nửa số điểm tăng.

Đóng cửa, VN-Index tăng 4,62 điểm (+0,73%) lên 636,65 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 189,88 triệu đơn vị, trị giá 3.771,59 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp tới 19,27 triệu đơn vị, trị giá 987,29 tỷ đồng (trong đó có thỏa thuận hơn 15 triệu cổ phiếu VIC, giá trị 847 tỷ đồng và do khối ngoại mua vào). Toàn sàn có 154 mã tăng, 66 mã giảm và 70 đứng giá. Chỉ số VN30-Index tăng 7,86 điểm (+1,17%) lên 676,82 điểm với 15 mã tăng, 9 mã giảm và 6 đứng giá.

HNX-Index cũng tăng 0,25 điểm (+0,29%) lên 87,04 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 82,8 triệu đơn vị, trị giá 1.084,63 tỷ đồng. giao dịch thỏa thuận phiên chiều nay trên HNX ít thay đổi so với phiên sáng với chỉ 2,34 triệu đơn vị, trị giá 56,82 tỷ đồng. Toàn sàn có 132 mã tăng, 81 mã giảm và 79 mã đứng giá. Chỉ số HNX30-Index tăng 0,65 điểm (+0,36%) lên 179,65 điểm với 9 mã tăng, 11 mã giảm và 10 đứng giá.

Ngay khi VN-Index xuống sát mốc 631 điểm, tiền ồ ạt bơm vào thị trường, nhất là tại các bluechips, kéo VN-Index tăng thẳng đứng, có thời điểm chạm sát ngưỡng 640 điểm.

Nhưng ngay khi lập đỉnh mới, việc bán chốt lợi cũng ngay lập tức được khởi động, qua đó hãm bớt đà tăng của chỉ số.

Diễn biến khá đúng với định của nhiều chuyên gia khi cho rằng tâm lý thị trường hiện tại đang rất tích cực nhưng không phải quá hưng phấn. Nên ngay khi tạo đỉnh, thị trường rất nhanh chóng điều chỉnh trở lại, đà tăng theo đó mà bớt nóng hơn.

Các mã bluechips phiên chiều nay được giao dịch mạnh và góp phần quan trọng vào nhịp tăng của VN-Index.

Cho dù VNM về tham chiếu, GAS giảm khá mạnh 2.000 đồng xuống 124.000 đồng/cổ phiếu, nhưng với đà tăng mạnh của VIC, MSN, KDC, FPT, CII, DPM, MBB, BID, CTG, … chỉ số vẫn trụ vững trên mốc 636 điểm.

VIC phiên chiều nay được giao dịch khủng với hơn 15 triệu đơn vị được thỏa thuận trị giá 847 tỷ đồng và trên 3 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng mạnh 2.500 đồng lên 58.500 đồng/cổ phiếu.

MSN cũng tăng 1.500 đồng lên 85.000 đồng/cổ phiếu. CII tăng 600 đồng lên 22.300 đồng/CP và khớp lệnh gần 6,5 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng như VCB, CTG, EIB, MBB, STB và BID tiếp tục tăng mạnh , BID thậm chí còn tăng trần lên 14.900 đồng/cổ phiếu với hơn 2 triệu đơn vị khớp lệnh. CTG cũng khớp tới 2,8 triệu đơn vị và tăng 200 đồng lên 14.800 đồng/cổ phiếu.

Ngược lại, một số mã lớn khác như HAG, GMD, HPG, PVD, HSG… vẫn giảm điểm nhẹ.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, KBC cũng được kéo tăng trần 14.300 đồng/cổ phiếu với hơn 3,4 triệu đơn vị khớp lệnh, ngoài ra còn thỏa thuận KBC còn thỏa thuận 2 triệu cổ phiếu, trị giá 26,8 tỷ đồng. ITA tăng 400 đồng lên 9.200 đồng/cổ phiếu và có trên 11,7 triệu đơn vị được khớp. FLC đã về tham chiếu với hơn 22 triệu đơn vị khớp lệnh, cao nhất HOSE.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu khoáng sản với KSS, KSA, KTB, KSH, BGM, LCM… tiếp tục duy trì mức tăng trần có được từ đầu phiên và giao dịch mạnh. Trong đó, KSA khớp trên 2,5 triệu đơn vị, còn BGM, LCM và KSS cùng khớp trên 1,5 triệu đơn vị

Ngoài ra, sắc tím còn trải rộng trên nhiều mã như IDI, FDC, FMC, MDG, MHD, VHG, QCG, PXT, SBC, SFI …

Nằm trong top thanh khoản cao trên HOSE còn có SAM với 8,39 triệu đơn vị khớp lệnh.

Đối với HNX, sắc xanh của sàn này được duy trì nhờ một số mã lớn như VND, SHB, SHS, SCR, ACB,… tăng vững. Trong đó, SHB tăng 300 đồng lên 9.500 đồng/cổ phiếu và khớp 9,7 triệu đơn vị. SHS tăng 300 đồng lên 10.300 đồng/CP và khớp 4,45 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm dầu khí trước áp lực chốt lời mạnh nên nhiều mã như PVS, PVG, PVC, PLC, PVE …vẫn đứng dưới tham chiếu. PVS giảm 800 đồng xuống 40.300 đồng/cổ phiếu và khớp hơn 4,7 triệu đơn vị. Trong khi PVX đứng giá tham chiếu và khớp hơ 10,4 triệu đơn vị, cao nhất sàn HNX.

Tin bài liên quan