Phiên chiều 28/11: Bất ngờ tăng vọt

Phiên chiều 28/11: Bất ngờ tăng vọt

(ĐTCK) Dù dòng tiền vẫn rất yếu, nhưng thị trường bất ngờ tăng vọt trong phiên giao dịch chiều và đóng cửa ở mức cao nhất ngày, chinh phục thành công mốc 930 điểm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu năm 2018 rất ấn tượng khi liên tiếp thiết lập các đỉnh cao mới trong nhiều năm và xác lập đỉnh cao lịch sử trong phiên 9/4/2018. Với đà hứng khởi này, cùng với nền tảng kinh tế vĩ mô tốt và kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp, nhiều nhà đầu tư đã kỳ vọng vào một năm khởi sắc của thị trường chứng khoán và việc thiết lập các đỉnh cao lịch sử mới với VN-Index là điều được nhiều chuyên gia dự báo.

Tuy nhiên, sau khi vượt qua đỉnh cũ, VN-Index không thể tiến tiếp mà quay đầu điều chỉnh. Trong quý II/2018, VN-Index giảm tới hơn 18%, mất mốc 1.000 điểm, trước khi hồi phục trở lại, lấy lại được mốc 1.000 điểm trong quý III nhờ kết quả kinh doanh quý II khả quan.

Nhiều ý kiến kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục đón sóng kết quả kinh doanh quý III để lên lại đỉnh cũ. Cụ thể, ông Lê Tiến Đông, chuyên gia chứng khoán dự đoán, kết quả kinh doanh các nhóm ngành bất động sản, sắt thép, dệt may, ngân hàng và các doanh nghiệp có ý định mua bán - sáp nhập sẽ khả quan. Với đà tăng hiện tại, ông Đông kỳ vọng, VN-Index trong quý IV có thể đạt 1.100 - 1.200 điểm, nhưng tháng 12 nhiều khả năng suy giảm.

Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam nhận được nhiều thông tin hỗ trợ từ đà tăng trưởng kinh tế mạnh, lạm phát được kiểm soát, kết quả kinh doanh các doanh nghiệp. Trong đó, theo số liệu thống kê từ Stoxplus, tính tới ngày 7/11/2018, có 845 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2018, trong đó 86% báo lãi. Tổng lợi nhuận ròng 9 tháng năm 2018 của các doanh nghiệp này (chiếm 86% vốn hóa trên 3 sàn) đạt hơn 169.000 tỷ đồng, tăng trưởng 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 74,1% kế hoạch năm 2018. Theo đó, EPS trượt 4 quý toàn thị trường là 2.090 đồng, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Tuy nhiên, những thông tin này không thể giúp thị trường khởi sắc, bởi tâm lý các nhà đầu tư bị ảnh hưởng mạnh từ yếu tố bên ngoài, nhất là cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ.

Trong tháng 10, VN-Index có những phiên lao dốc không phanh theo chứng khoán thế giới do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung (phiên 11/10 giảm 48,07 điểm, tương đương 4,84%). Sau đó, dù chứng khoán thế giới hồi phục, nhưng chứng khoán trong nước vẫn theo xu hướng giảm và dòng tiền rút dần. Việc nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng cũng ảnh hưởng tiêu cực tới diễn biến của thị trường.

Trong hơn 1 tháng qua, VN-Index chủ yếu dao động trong biện độ 900 - 920 điểm với thanh khoản thấp khi tâm lý nhà đầu tư vẫn đang bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài.

Trở lại với phiên giao dịch hôm nay, trong phiên giao dịch sáng, dòng tiền thận trọng khiến diễn biến thị trường diễn ra ảm đạm, VN-Index chỉ giằng co nhẹ quanh tham chiếu và đón cửa gần như không thay đổi, thanh khoản đứng ở mức thấp.

Tưởng chừng thị trường sẽ tiếp diễn không khí buồn tẻ trong phiên giao dịch chiều trong bối cảnh dòng tiền chủ yếu lựa chọn cách đứng ngoài quan sát, thì bất ngờ đã xảy ra.

Dù dòng tiền không cải thiện, thậm chí thanh khoản còn sụt giảm so với phiên hôm qua, nhưng VN-Index bất ngờ tăng vọt leo thẳng đứng lần lượt vượt qua ngưỡng 925 và 930 điểm khi chốt phiên.

Cụ thể, VN-Index đóng cửa tăng 7,08 điểm (+0,77%), lên 930,2 điểm với 132 mã tăng và 147 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 136,36 triệu đơn vị, giá trị 3.251 tỷ đồng, giảm 10% về khối lượng và 11,5% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 39,58 triệu đơn vị, giá trị 1.156,9 tỷ đồng.

Việc VN-Index tăng mạnh dù dòng tiền dè dặt là nhờ sự hỗ trợ của các mã lớn. Trong đó, VIC tăng 0,49% lên 102.000 đồng, VNM tăng 1,19% lên 128.000 đồng, VCB tăng 3,18% lên 55.100 đồng, GAS tăng gần 1% lên 91.500 đồng, SAB tăng 3,31% lên 250.000 đồng, CTG tăng 2,02% lên 22.750 đồng, VJC tăng 2,21% lên 129.500 đồng.

Về thanh khoản, HPG là mã có thanh khoản tốt nhất sàn với hơn 4 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 1,12% xuống 35.200 đồng và khối ngoại bán ròng hơn 1,7 triệu đơn vị. Trong các mã nhỏ, TGG gây ấn tượng khi đóng cửa ở mức trần 6.360 đồng với tổng khớp 2,27 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần dù có lúc giảm xuống mức sàn 5.540 đồng.

Tương tự, HNX-Index cũng theo gót VN-Index tăng vọt trong phiên chiều và đóng cửa ở mức cao nhất ngày, nhưng điểm tích cực là dòng tiền lại chảy mạnh trên sàn này, giúp thanh khoản tăng vọt.

Cụ thể, HNX-Index tăng 0,91 điểm (+0,88%), lên 104,1 điểm với 77 mã tăng và 70 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 47,3 triệu đơn vị, giá trị 694,41 tỷ đồng, tăng 50% về khối lượng và 62,6% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 20,6 triệu đơn vị, giá trị 308,5 tỷ đồng.

Cũng giống trên HOSE, các mã vốn hóa lớn chính là tác nhân chính nhấc HNX-Index bay cao trong phiên chiều. Trong đó, ACB tăng 2,08% lên 29.400 đồng mức cao gần nhất phiên; PVS tăng 2,13% lên 19.200 đồng, cũng là mức cao gần nhất phiên; SHB tăng 1,37% lên mức cao nhất ngày 7.400 đồng; PVI tăng 2,26% lên 31.700 đồng; DGC tăng 3,51% lên 50.100 đồng và PHP tăng 6,36% lên 11.700 đồng. Chỉ có 2 lực cản trong nhóm này là VCS giảm 0,41% xuống 72.700 đồng và NTP giảm 2,38% xuống 41.000 đồng, cùng VGC đứng giá tham chiếu.

Về thanh khoản ACB và SHB là 2 mã có thanh khoản tốt nhất sàn với hơn 3 triệu đơn vị được khớp mỗi mã.

Trong khi đó, dù cũng bứt lên trong nửa đầu phiên chiều, nhưng UPCoM-Index không duy trì được năng lượng nên quay đầu trở lại dưới tham chiếu trước khi kịp may mắn đóng cửa với sắc xanh nhạt.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,02 điểm (+0,04%), lên 52,16 điểm với 78 mã tăng và 63 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 9,74 triệu đơn vị, giá trị 225 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,1 triệu đơn vị, giá trị 69,59 tỷ đồng.

Trên sàn này, không có mã nào được khớp đến 1 triệu đơn vi, trong đó VEA là mã có thanh khoản tốt nhất được khớp 0,91 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 2,13% lên 38.300 đồng.

Tin bài liên quan