Phiên chiều 27/9: VCB lập đỉnh mới, VN-Index vẫn lỗi hẹn với mốc 1.000

Phiên chiều 27/9: VCB lập đỉnh mới, VN-Index vẫn lỗi hẹn với mốc 1.000

(ĐTCK) Lực cầu tăng mạnh và tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip giúp thị trường tiếp tục nới rộng biên độ tăng trong phiên chiều, đáng kể VCB đã lập đỉnh lịch sử mới, tuy nhiên, sự thiếu đồng thuận khiến VN-Index vẫn lỗi hẹn với mốc 1.000 điểm.

Sau phiên khởi sắc hôm qua (26/9), dòng tiền tiếp tục tham gia tích cực trong phiên giao dịch sáng cuối tuần giúp thị trường duy trì đà tăng khá tốt. Tuy nhiên, về cuối phiên, nhiều mã bluechip hạ độ cao đã tác động tới thị trường khiến VN-Index hụt hơi và để lỡ mốc 995 điểm.

Bước sang phiên giao dịch chiều, lực cầu tiếp tục gia tăng, với tâm điểm nhắm tới là các cổ phiếu vốn hóa lớn và bluechip, đã nhanh chóng kéo VN-Index vượt qua ngưỡng 995 điểm chỉ sau khoảng 10 phút giao dịch.

Đà tăng tiếp tục được nới rộng và VN-Index được kéo lên sát ngưỡng kháng cự mạnh 1.000 điểm. Tuy nhiên, sự thiếu đồng lòng của thị trường đã khiến chỉ số này vẫn chưa thể vượt qua cửa ải khó khăn.

Đóng cửa, sàn HOSE khá phân hóa với 152 mã tăng và 150 mã giảm, VN-Index tăng 7,09 điểm (+0,72%), lên 997,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 180,74 triệu đơn vị, giá trị 4.247,69 tỷ đồng, tăng 18,47% về khối lượng và 20,8% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 28,65 triệu đơn vị, giá trị 818,93 tỷ đồng.

Trong khi hầu hết các thành viên nhà bank vẫn lình xình trong biên độ hẹp thì cổ phiếu đầu ngành VCB lại có màn bứt phá tăng vọt. Với mức tăng 2,3%, cổ phiếu VCB đã tạo lập đỉnh lịch sử mới tại mức giá 82.900 đồng/CP, đóng góp khá lớn vào mức tăng của chỉ số chung thị trường.

Bên cạnh VNM đã đảo chiều với sắc xanh nhạt, các mã vốn hóa khác cũng lần lượt nới rộng biên độ so với thời điểm kết phiên sáng như MSN tăng 1,1% lên 79.400 đồng/CP, GAS tăng gần 1% lên 105.000 đồng/CP, TCB tăng 0,4% lên 23.200 đồng/CP, SAB tăng 1,1% lên 266.500 đồng/CP…

Nhà Vin cũng khởi sắc hơn với VIC tăng 0,7% lên 119.800 đồng/Cp, VHM tăng 0,7% lên 89.300 đồng/CP, đặc biệt VRE dù chịu áp lực bán từ nhà đầu tư ngoại nhưng đã lội ngược dòng thành công nhờ lực cầu trong nước sôi động. Kết phiên, VRE tăng 1,5% lên 33.250 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt gần 5,9 triệu đơn vị, đứng thứ 2 thanh khoản trên sàn HOSE.

Trái lại, dù lực cầu gia tăng khá mạnh nhưng ROS vẫn chưa thoát khỏi sắc đỏ với mức giảm nhẹ 0,8% và kết phiên đứng tại 26.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh tiếp tục dẫn đầu đạt 18,23 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu đáng chú ý, FTM đã bảo toàn sắc tím thành công sau 30 phiên liên tiếp giảm sàn và không có thêm giao dịch so với phiên sáng bởi vắng bóng lực cung. Kết phiên, cổ phiếu FTM đứng tại mức 2.980 đồng/CP với khối lượng khớp giữ nguyên ở mức 4,8 triệu đơn vị và dư mua trần 2,63 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, diễn biến giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu vẫn tiếp diễn trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, sàn HNX có 40 mã tăng và 31 mã giảm, HNX-Index đứng nguyên tại mốc tham chiếu 104,77 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 22,62 triệu đơn vị, giá trị 299,31 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,45 triệu đơn vị, giá trị 43,56 tỷ đồng.

Một số mã bluechip đã đảo chiều giảm nhẹ như ACB, PVI, SHB, hay quay về mốc tham chiếu như VCG.

Trong khi đó, VCS vẫn giữ được đà tăng dù biên độ có thu hẹp, với mức tăng 1,5% lên 105.600 đồng/CP.

Cặp đôi ngân hàng dù quay đầu đảo chiều giảm nhẹ nhưng vẫn là 2 mã dẫn đầu thanh khoản với ACB khớp 2,16 triệu đơn vị, SHB khớp 1,98 triệu đơn vị. Tiếp theo đó, SHS khớp 1,82 triệu đơn vị, PVS khớp 1,63 triệu đơn vị, HUT và TNG cùng khớp hơn 1,2 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sắc đỏ duy trì trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,28 điểm (-0,48%), xuống 56,94 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 8,82 triệu đơn vị, giá trị 130,55 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,85 triệu đơn vị, giá trị 26,29 tỷ đồng.

Cặp đôi VIB và BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản tren UPCoM nhưng có sự trái đổi với VIB khớp hơn 1,5 triệu đơn vị, còn BSR khớp 1,34 triệu đơn vị. Kết phiên, cả 2 mã này đều đứng tại mốc tham chiếu.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đồng loạt tăng, trong đó hợp đồng đáo hạn vào 17/10 - VN30F1910 tiếp tục giao dịch nhiều nhất với hơn 87.144 hợp đồng được chuyển nhượng thành công, và tăng 0,75% lên lên 923 điểm. 

Trên thị trường chứng quyền, có 12 mã tăng và 6 mã giảm.

Thanh khoản tốt nhất thuộc về CVNM1901 với hơn 116.120 giao dịch, giảm 6,82% xuống mức 820 đồng/CQ và CHPG1902 có 59.141 giao dịch, giảm 20,69% xuống 230 đồng/CQ.

Tin bài liên quan