Phiên chiều 25/11: Cổ phiếu đầu cơ "náo loạn" thị trường

Phiên chiều 25/11: Cổ phiếu đầu cơ "náo loạn" thị trường

(ĐTCK) Trước động thái không ngừng rút ròng của nhà đầu tư nước ngoài, dòng tiền vào thị trường đã được siết chặt hơn, nhưng nhóm cổ phiếu đầu cơ là một ngoại lệ.

Ngay từ trong phiên giao dịch sáng, nhóm cổ phiếu đầu cơ đã được dòng tiền chú ý, song mới chỉ tập trung vào một số mã “đinh” như FLC, ITA, FIT hay KLF.

Tuy nhiên, trong phiên gia dịch chiều, dòng tiền đã mở rộng ra với nhiều mã như HAG, VHG, HQC, DLG, SCR, HKB, FID, CEO…

Nói như vậy không hẳn là tích cực, bởi đa phần trong số các mã đầu cơ này là giảm điểm khi chịu áp lực bán mạnh. Chẳng hạn, cổ phiếu FLC khớp lệnh 19,38 triệu đơn vị, dẫn đầu thị trường, song kết phiên giảm mạnh 4,6% về 6.220 đồng/CP. FLC cũng là một trong những mã mà khối ngoại bán ra mạnh nhất trong phiên hôm nay, với 0,6 triệu đơn vị.

Tương tự, FIT khớp 7,14 triệu đơn vị, giảm 1,5%; HAG khớp 4,26 triệu đơn vị, giảm 1,9%; VHG và HQC cùng khớp hơn 2 triệu đơn vị, giảm 3,9% và 0,48%...

Ngược lại, KLF – một trong những điểm sáng hiếm hoi – khớp lệnh thứ 2 thị trường với 11,59 triệu đơn vị, trong khi vẫn còn dư mua trần và ATC hơn 1,66 triệu đơn vị, qua đó chính thức có phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp. Hay FIT khớp lệnh hơn 9,65 triệu đơn vị và tăng 0,7% lên 5.850 đồng/CP.

Song đáng chú ý nhất trong động thái giao dịch của khối ngoại phiên này, đó là việc bất ngờ mua vào tới 2 triệu cổ phiếu DLG. Mặc dù vậy, do lượng cung giá thấp khá cao, nên DLG chỉ dừng ở mức tham chiếu, kết phiên khớp tổng cộng 2,26 triệu đơn vị.

Thực tế giao dịch cho thấy, động thái bán ròng của khối ngoại trong những phiên vừa qua, đặc biệt là tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đã ảnh hưởng mạnh đến tâm lý thị trường.

Điển hình trong đó là VNM. Trong chuỗi bán ròng cả tuần này, tức 5 phiên liên tiếp, thì khối ngoại cũng đã bán ròng mạnh cổ phiếu VNM trong 3 phiên liên tục.

Phiên hôm nay, áp lực bán mạnh đã dồn lên VNM ngay khi mở cửa. Mặc dù đã có dấu hiệu tương đối tích cực cuối phiên sáng, nhưng thông tin lùi ngày chào bán cạnh tranh 9% vốn điều lệ của SCIC đến ngày 12/12 được đưa ra, cổ phiếu VNM ngay lập tức bị bán mạnh hơn, và có thời điểm đã giảm xuống mức 133.700 đ/CP, trước khi đóng cửa hồi trở lại mức 134.500 đ/CP (-1,6%) và khớp 2,75 triệu đơn vị. Trong đó, khối ngoại bán ra hơn 2 triệu đơn vị, nhiều nhất trong số mã bị bán ra.

VIC là mã bị khối ngoại bán mạnh thứ 2, với 1,12 triệu đơn vị. Tuy nhiên, nhờ sức cầu được cải thiện cuối phiên, nên VIC đã leo được về mốc tham chiếu 42.500 đồng/CP và khớp 1,65 triệu đơn vị.

HPG tuy đi ngược thị trường, song cũng liên tục trồi sụt trước áp lực bán mạnh của khối ngoại (hơn 0,64 triệu đơn vị, chỉ sau VNM và VIC). Kết phiên, HPG tăng nhẹ 0,1% lên 41.750 đồng/CP và khớp 3,23 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, ROS mới là mã tác động đáng kể nhất lên VN-Index. Trong phiên này, VN-Index liên tục trồi sụt theo đà tăng giảm của ROS. Nhưng kết quả nghiêng về sự tích nhiều hơn, khi mã vốn hóa lớn thứ 6 thị trường này đều hồi phục mạnh về cuối phiên, qua đó hạn chế đáng kể đà giảm của VN-Index, cho dù các mã vốn hóa lớn khác như GAS, VNM, VCB, MSN, BID, BVH… đều đồng loạt giảm điểm.

Kết phiên, ROS tăng mạnh 6,8% lên 126.000 đồng/CP, lấy lại toàn bộ những gì đã mất trong phiên 24/11 – phiên giảm mạnh nhất của ROS từ khi lên sàn, và khớp lệnh 4,14 triệu đơn vị.

Xét về giá trị giao dịch, chi riêng ROS và VNM đã chiếm hơn 30% tổng giá trị giao dịch trên HOSE (lần lượt là 521 tỷ đồng và 370 tỷ đồng).

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 25/11, với 95 mã tăng và 136 mã giảm, VN-Index giảm 2,31 điểm (-0,34%) xuống 675,87 điểm. Chỉ số VN30-Index giảm 4,09 điểm (-0,63%) xuống 643,38 điểm với 9 mã tăng và 20 mã giảm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 115,87 triệu đơn vị, giá trị 2.531,26 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 217 tỷ đồng, đáng chú ý có thỏa thuận của 2 triệu cổ phiếu DLG, giá trị 9,74 tỷ đồng.

Tương tự, với 59 mã tăng và 90 mã giảm, HNX-Index giảm 0,14 điểm (-0,18%) xuống 81,04 điểm. Chỉ số HNX30-Index giảm 0,59 điểm (-0,41%) xuống 145,4 điểm với 4 mã tăng và 15 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 38,44 triệu đơn vị, giá trị 258,24 tỷ đồng. 

Tin bài liên quan