Phiên chiều 24/5: Nhà đầu tư mất kiên nhẫn, thị trường lao dốc

Phiên chiều 24/5: Nhà đầu tư mất kiên nhẫn, thị trường lao dốc

(ĐTCK) Nỗ lực níu giữ mốc 980 điểm bất thành trong phiên sáng khiến bên nắm giữ cổ phiếu mất kiên nhẫn ồ ạt ra hàng, đẩy VN-Index lao dốc mạnh trong phiên chiều, mất gần 13 điểm, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

Cũng chịu ảnh hưởng bởi phiên giao dịch tiêu cực của chứng khoán quốc tế, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục mở cửa trong sắc đỏ ngay khi bước vào phiên giao dịch cuối tuần 24/5. Lực cung giá thấp lan rộng thị trường cùng sức ép đến từ nhóm cổ phiếu bluechip khiến VN-Index có thời điểm đe dọa mốc 975 điểm.

Mặc dù sau đó, một số mã bluechip và vốn hóa lớn được kéo lên, tạo động lực giúp thị trường lấy lại thăng bằng và khởi sắc, nhưng dòng tiền chưa đủ mạnh khiến sắc xanh chỉ le lói trong thời gian khá ngắn rồi dần thoái lui. Sau 2 phiên liên tiếp giải cứu thành công mốc 980 điểm, thị trường đã chính thức chia tay ngưỡng kháng cự này khi chốt phiên giao dịch sáng.

Bước sang phiên giao dịch chiều, diễn biến thị trường vẫn diễn ra khá xấu khi lực cung giá thấp ồ ạt bị xả. Sắc đỏ đang lan rộng bảng điện tử khiến VN-Index nhanh chóng thủng mốc 975 điểm chỉ sau hơn 30 phút giao dịch.

Đà giảm chưa dừng khi các cổ phiếu lớn tiếp tục gia tăng gánh nặng lên thị trường. Hầu hết các mã trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HOSE như VHM, VIC, VNM, GAS, MSN, VCB đều giảm khá sâu. Chỉ số VN-Index lao thẳng về vùng 970 điểm và kết phiên tại mức thấp nhất ngày khi để mất tới gần 13 điểm.

Đóng cửa, trên sàn HOSE, số mã giảm vẫn chiếm áp đảo với 185 mã và có 110 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 12,68 điểm (-1,29%) xuống 970,03 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 168,34 triệu đơn vị, giá trị 4.018,72 tỷ đồng, tăng 5,15% về lượng nhưng giảm 7,11% về giá trị so với phiên hôm qua.

Giao dịch thỏa thuận đạt 40,29 triệu đơn vị, giá trị 840,77 tỷ đồng, trong đó EIB thỏa thuận 15,63 triệu đơn vị, giá trị hơn 285 tỷ đồng; TCB thỏa thuận 3,67 triệu đơn vị, giá trị 92,77 tỷ đồng…

Như đã nói ở trên, các mã tác động mạnh tới chỉ số chung của thị trường giảm khá sâu như VHM giảm 2,3% xuống mức thấp nhất ngày 84.500 đồng/CP, VIC giảm 1,7% xuống 115.000 đồng/CP, VNM giảm 1,2% xuống 130.500 đồng/CP, VCB giảm 1,6% xuống 66.500 đồng/CP, TCB giảm 1,9% xuống 23.200 đồng/CP, BID giảm 2,7% xuống mức giá thấp nhất 32.500 đồng/CP, GAS giảm 2,4% xuống mức giá thấp nhất 106.500 đồng/CP, MSN giảm 3,1% xuống mức thấp nhất ngày 87.200 đồng/CP.

Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HOSE chỉ còn duy nhất SAB nhích nhẹ 100 đồng/CP.

Bên cạnh đó, một số mã bluechip khác như BVH, HPG, VRE, PLX… vẫn duy trì sắc đỏ. Trong đó, PLX vừa ra thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2018 với tỷ lệ 26% bằng tiền mặt, tương ứng tổng số tiền chi trả hơn 3.042 tỷ đồng, nhưng diễn biến cổ phiếu này vẫn khá tiêu cực. Đóng cửa, PLX giảm 2,2% xuống 66.000 đồng/CP và khớp gần 1,47 triệu đơn vị.

Ngoài GAS và PLX nới rộng biên độ giảm trong phiên chiều, thành viên khác trong nhóm dầu khí là PVD tiếp tục lùi sâu khi giảm 4,61% xuống mức giá thấp nhất ngày 19.650 đồng/CP và khớp 6,72 triệu đơn vị.

Mặt khác, cổ phiếu ROS đã ngắt nhịp tăng thành công sau 4 phiên liên tiếp điều chỉnh khá mạnh. Kết phiên, ROS đứng giá tham chiếu 30.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh gần 7,4 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.

Một trong những cổ phiếu đáng chú ý là YEG. Sau thông tin Yeah1 thương thảo với Youtube bất thành, cổ phiếu YEG đã lập tức giảm sàn trong phiên 23/5. Sang phiên hôm nay, YEG vẫn chưa thoát khỏi sắc xanh mắt mèo khi lùi về mức giá 93.500 đồng/CP.

Tương tự, sau chuỗi tăng giá mạnh trong tháng 5/2019 sau khi có thông tin thoái vốn, cổ phiếu SRC đã quay đầu giảm sâu khi Vinachem chính thức chốt giá khởi điểm đấu giá thoái vốn tại SCR là 46.452 đồng/CP, gần gấp đôi thị giá tại thời điểm công bố (14/5). Cổ phiếu SRC đã đón nhận phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp khi kết phiên tại mức giá 26.950 đồng/CP, giảm 6,9% với lượng dư bán sàn 109.780 đơn vị.

Tương tự, sàn HNX cũng giảm sâu hơn do áp lực bán gia tăng.

Kết phiên, HNX-Index giảm 0,91 điểm (-0,86%) xuống 105,39 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 32,28 triệu đơn vị, giá trị 424,16 tỷ đồng, tăng nhẹ 5,56% về lượng nhưng giảm gần 2,5% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể chỉ hơn 2 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu dầu khí trên sàn HNX cũng diễn biến xấu hơn khi đồng loạt đều lùi sâu hơn như PVS giảm 3,3% xuống 23.800 đồng/CP, PVB giảm 3% xuống 19.400 đồng/CP, PVI đảo chiều giảm gần 1% xuống 37.600 đồng/CP…

Cặp đôi lớn nhà bank cũng gia tăng sức ép lên thị trường, cụ thể ACB giảm 1% xuống 29.200 đồng/CP, SHB giảm 2,7% xuống 7.100 đồng/CP.

Top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn HNX gồm PVS khớp 5,54 triệu đơn vị, HUT khớp 4,33 triệu đơn vị, TNG khớp 2,82 triệu đơn vị, SHB khớp 2,49 triệu đơn vị, ART khớp 1,62 triệu đơn vị, trong đó chỉ có duy nhất TNG giữ được sắc xanh khi tăng 1,74% và kết phiên tại mức giá 23.400 đồng/CP.

Trên UPCoM, sắc đỏ duy trì trong suốt cả phiên giao dịch chiều. Kết phiên, UPCoM-Index giảm 0,12 điểm (-0,22%) xuống 55,27 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 11,87 triệu đơn vị, giá trị 209,79 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 12,7 triệu đơn vị, giá trị 554,74 tỷ đồng.

BSR tiếp tục nới rộng biên độ giảm khi đóng cửa tại mức giá 13.600 đồng/CP, giảm 1,4% và vẫn là mã giao dịch sôi động nhất đạt 2,43 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.

Tiếp theo đó là VGI đạt khối lượng giao dịch 1,25 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 2,3% lên 26.900 đồng/CP.

Trong khi đó, cổ phiếu MPC sau phiên giao dịch khởi sắc hôm qua đã quay đầu giảm sâu 6,7% và đóng cửa tại mức giá 41.700 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 648.800 đơn vị. Tuy nhiên, cổ phiếu này đã giao dịch thỏa thuận khá khủng với khối lượng 10,2 triệu đơn vị, giá trị 516,43 tỷ đồng.

Tin bài liên quan