Phiên chiều 23/5: VN-Index chật vật giữ mốc 980 điểm

Phiên chiều 23/5: VN-Index chật vật giữ mốc 980 điểm

(ĐTCK) VN-Index ghi nhận phiên giảm thứ 3 liên tiếp trong bối cảnh cung giá thấp được duy trì trên diện rộng và cầu bắt đáy có phần dè dặt. Tuy vậy, mốc 980 điểm vẫn được giữ vững.

Ngay khi mở cửa, áp lực bán đã xuất hiện trên diện rộng khiến VN-Index nhanh chóng giảm điểm. Tuy nhiên, ngay sau khi rơi qua mốc 980 điểm, cầu bắt đáy được khởi động, kéo chỉ số vượt trở lại qua tham chiếu. Dẫu vậy, sắc xanh không duy trì được lâu khi sức cầu tỏ ra yếu thế trước lực cung mạnh và VN-Index giảm trở lại mốc 980 điểm khi kết phiên sáng.

Trong phiên chiều, diễn biến trên một lần nữa lặp lại và phải khá chật vật VN-Index mới giữ được mốc 980 điểm. Điểm nhấn của phiên này là giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể vào thanh khoản chung của thị trường.

Đóng cửa, với 129 mã tăng và 153 mã giảm, VN-Index giảm 1,07 điểm (-0,11%) xuống 982,71 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 160,09 triệu đơn vị, giá trị 4.326,17 tỷ đồng, giảm 9% về khối lượng, nhưng tăng 10% về giá trị so với phiên 22/5.

Thanh khoản tăng chủ yếu nhờ đóng góp của giao dịch thỏa thuận với 52,12 triệu đơn vị, giá trị 1.841 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của hơn 32,6 triệu cổ phiếu VRE, giá trị gần 1.111 tỷ đồng và 6,38 triệu cổ phiếu EIB, giá trị hơn 116 tỷ đồng.

Có thể thấy, nếu ngoại trừ giao dịch thỏa thuận, giá trị khớp lệnh chưa đầy 2.600 tỷ đồng cho thấy sự dè dặt của nhà đầu tư ở thời điểm này.

Với VRE, thỏa thuận của khối ngoại không tác động tích cực đến thị giá khi vẫn giảm 1,5% về 35.250 đồng. Các mã VIC và VHM cũng không tăng. VRE khớp lệnh 1,68 triệu đơn vị, cùng với TCB khớp lệnh 1,37 triệu đơn vị là 2 mã thanh khoản cao nhất trong TOP 10 mã vốn hóa lớn nhất HOSE. TCB giảm 0,2% về 23.650 đồng.

Nhóm dầu khí bị bán mạnh nên đa phần giảm điểm. Trong đó, GAS -1,3% về 109.100 đồng, PVD giảm 1% về 20.600 đồng. Đáng chú ý, PVD phiên này khớp lệnh 10,7 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HOSE và là mức kỷ lục kể từ khi niêm yết vào tháng 12/2006.

Ngược lại, một số mã lớn tăng tích cực để hỗ trợ chỉ số như PLX +1,8% lên 67.500 đồng, PNJ +2% lên 109.500 đồng, MWG +0,7% lên 87.600 đồng, VCB +0,6% lên 67.600 đồng, NVL +9% lên 58.200 đồng...

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế với ROS, FLC, STB, DLG, QCG, LDG, SCR... trong đó, ROS giảm mạnh 5,1% về 30.000 đồng, khớp lệnh 6,6 triệu đơn vị, đứng thứ 2 HOSE.

Một số mã tăng điểm như AAA, HSG, HBC, ASM, PDR, NLG..., trong đó AAA +2,3% lên 22.700 đồng và khớp 3,88 triệu đơn vị.

Các mã HAR và ANV cùng tăng trần và đều khớp lệnh trên 1,2 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, những nỗ lực cuối phiên giúp chỉ số sàn này vượt qua tham chiếu, dù giằng co mạnh trong phiên. Tuy nhiên, thanh khoản giảm mạnh.

Đóng cửa, với 71 mã tăng và 61 mã giảm, HNX-Index tăng 0,17 điểm (+0,16%) lên 106,3 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 30,58 triệu đơn vị, giá trị 435 tỷ đồng, giảm 43% về khối lượng và 33% về giá trị so với phiên 22/5. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn hơn 1 triệu đơn vị, giá trị trên 13 tỷ đồng.

Khác với HOSE, nhiều mã cổ phiếu dầu khí trên HNX tăng điể, tạo bệ đỡ cho Index. Trong đó, PVS +8,2% lên 24.600 đồng, PVB +2% lên 20.000 đồng... PVS khớp 7,79 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. Ngoài ra, các mã VCG, SHB, TNG, TV2, VGS... cũng tăng để hỗ trợ chỉ số.

Ngược lại, các mã ACB, VCS, PVI, HUT, NDN, SHS... giảm điểm, trong đó HUT, NDN, SHS khớp lần lượt 2,86 triệu, 1,91 triệu và 1,35 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, chỉ số sàn này cũng kịp lội ngược dòng vào những phút cuối cùng, thanh khoản tăng đột biến.

Đóng cửa, với 104 mã tăng và 78 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,01 điểm (+0,02%) lên 55,4 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 36,12 triệu đơn vị, giá trị 715 tỷ đồng, tăng 2017% về khối lượng và 339% về giá trị so với phiên 22/5. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp lớn tới gần 24 triệu đơn vị, giá trị 476,3 tỷ đồng, chủ yếu đến từ 22,9 triệu cổ phiếu BHA, giá trị 440,45 tỷ đồng.

BSR đã nỗ lực về đến tham chiếu 14.000 đồng, cũng là mức cao nhất phiên, khớp lệnh 2,2 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. Mã thứ 2 có thanh khoản sau BSR là MPC với 1,77 triệu đơn vị, tăng 2,4% lên 43.000 đồng.

Nhiều mã lớn khác cũng tăng để hỗ trợ chỉ số như VGI, VEA, VGT, VGG, MSR... Ở chiều giảm có LPB, GVR, OIL, VIB, QNS...

Tin bài liên quan