Phiên chiều 21/7: HSG giảm sàn, VN-Index chính thức chia tay mốc 660 điểm

Phiên chiều 21/7: HSG giảm sàn, VN-Index chính thức chia tay mốc 660 điểm

(ĐTCK) Cũng như phiên sáng, thị trường đã tăng điểm trong nửa đầu phiên chiều và đảo chiều trong những phút cuối phiên do áp lực bán gia tăng ở các nhóm cổ phiêu chứng khoán, bất động sản, xây dựng...

Trong phiên sáng, dù mở cửa trong sắc xanh, nhưng thị trường nhanh chóng đảo chiều do áp lực bán vẫn còn mạnh. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của một số mã lớn, VN-Index không giảm mạnh, mà chỉ lình xình dưới sát mốc tham chiếu.

Bước sang phiên giao dịch chiều, sau 20 phút giao dịch không có nhiều biến động, lực cầu bắt đáy bắt đầu nhập cuộc, trong khi cung giá thấp được hãm lại giúp thị trường nhanh chóng hồi phục. Sắc xanh lan rộng bảng điện tử giúp VN-Index bật tăng mạnh, lao mạnh qua mốc 665 điểm.

Tuy nhiên, tâm lý lo ngại vẫn thường trực, dòng tiền tham gia khá thận trọng cùng áp lực bán nhanh chóng quay trở lại sau 14h khiến đà tăng dần hãm mạnh và một lần nữa VN-Index chào thua trước ngưỡng 660 điểm.

Bản tin tài chính trưa 21/7

Sắc đỏ vẫn là chủ đạo của thị trường khi trên sàn HOSE có tới 145 mã giảm và chỉ 76 mã tăng; trên HNX cũng có 121 mã giảm và 92 mã tăng.

Bên cạnh nguyên nhân sắc đỏ phủ rộng, thị trường còn chịu gánh nặng đến từ các cổ phiếu lớn như VNM, BVH, HSG…

Trong đó, sau phiên ghi dấu ấn mạnh mẽ ở phiên hôm qua nhờ thông tin nới room ngoại lên tối đa 100%, VNM đã giằng co và quay đầu giảm điểm ở phiên 21/7. Với mức giảm nhẹ 0,63%, VNM đứng ở mức 157.000 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh 1,76 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị hơn 304 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nhà đầu tư ngoại đã bán ra mạnh cổ phiếu VNM, với khối lượng bán ròng 878.090 đơn vị, tương ứng tổng giá trị lên tới 138,5 tỷ đồng.

Ở nhóm cổ phiếu thép phân hóa khá mạnh, trong khi NKG, HPG, DTL vẫn giữ được đà tăng khá tích cực thì ông lớn HSG và TLH lại chịu áp lực chốt lời mạnh và rơi xuống mức giá sàn.

HSG vừa mới công bố báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm niên độ tài chính 2015-2016 của công ty mẹ với doanh thu giảm 12% so với cùng kỳ, đạt 20.852 tỷ đồng nhưng nhờ chi phí giá vốn giảm mạnh giúp lợi nhuận sau thuế tăng 119% lên 821 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng tăng khá mạnh, chiếm 5,2% doanh thu. Điều này cho thấy, HSG cũng phải chịu nhiều áp lực để giữ được doanh thu như cũ.

Dù với công bố lãi lớn nhưng HSG lại giảm mạnh trong phiên hôm nay. Với mức giảm 2.900 đồng (-7%) xuống mức giá sàn 38.600 đồng/CP với khối lượng khớp 2,95 triệu đơn vị, đã ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng diễn biến thiếu tích cực, điển hình SSI giảm 2,95%, HCM giảm 2,51%; các mã cùng ngành trên HNX cũng đua nhau giảm như BVS giảm 1,49%, VND giảm 2,17%. Đáng chú ý, SSI có khối lượng khớp lệnh gần 4 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản trên sàn HOSE.

Ngoài ra, các cổ phiếu có tính đầu cơ như xây dựng, bất động sản… cũng chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh. Cụ thể, FLC giảm 1,6% xuống 6.000 đồng/CP và khóp 6,15 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường; ITA và KBC lần lượt giảm 1,92% và 1,22% với khối lượng khớp tương ứng hơn 3 triệu đơn vị và 2,25 triệu đơn vị… Trên sàn HNX, SCR có khối lượng khớp lệnh lớn nhất đạt 4,36 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 0,98%.

Bộ ba DRH, TTF, KSB vẫn chưa thoát khỏi mức giá sàn và tình trạng dư bán sàn khá lớn.

Đóng cửa, VN-Index giảm nhẹ 0,69 điểm (-0,1%) xuống 659,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 112,38 triệu đơn vị, trị giá 2.344,1 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 7,6 triệu đơn vị, trị giá 181,97 tỷ đồng. VN30-Index giảm 1,99 điểm xuống 643,16 điểm với 11 mã tăng, 16 mã giảm và 3 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 0,85 điểm (-1%) xuống 84,63 điểm. Thanh khoản vẫn khá thấp với tổng khối lượng giao dịch đạt 39,28 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 530,83 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 1,89 điểm xuống 153,3 điểm với 6 mã tăng và 17 mã giảm.

Tin bài liên quan