Phiên chiều 21/2: VHM đột biến, VN-Index tiến đến rất gần 1.000 điểm

Phiên chiều 21/2: VHM đột biến, VN-Index tiến đến rất gần 1.000 điểm

(ĐTCK) Chịu sức ép trong phần lớn phiên giao dịch, nhưng VHM đã bất ngờ tăng trần trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa, giúp VN-Index tăng "bốc đầu" xấp xỉ 17 điểm.

Ngay khi mở phiên giao dịch hôm nay, VN-Index bật tăng khi nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn cùng tăng điểm, trong đó có các mã thuộc họ Vingroup. Dù vậy, sau 2 phiên tăng điểm mạnh trước đó, 2 mã trụ là VIC và VHM chịu nhiều sức ép, thậm chí nhiều thời điểm đã lùi về dưới tham chiếu.

Điều này khiến VN-Index không thể bứt phá, dù các mã lớn khác như VNM, MSN, SAB... hay nhiều cổ phiếu thuộc nhóm dẫn dắt như ngân hàng, dầu khí, chứng khoán... cùng tăng điểm.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán luôn ẩn chứa sự bất ngờ và điều này đã xuất hiện trong đợt khớp lệnh ATC. Dòng tiền ồ ạt chảy, tập trung vào các cổ phiếu lớn VHM, VIC, VRE, VNM, MSN, SAB..., thậm chí VHM đã tăng kịch trần. Điều này giúp VN-Index tăng "bốc đầu" xấp xỉ 17 điểm đi kèm thanh khoản tăng mạnh.

Việc thu gom mạnh các bluechips được nhìn nhận là động thái "kéo trụ" của các "tay to" trên thị trường này, khi hôm nay (21/2) là ngày chốt hợp đồng phái sinh F1902. Theo đó, kết thúc phiên, hợp đồng này tăng 16,1 điểm lên 925 điểm, thấp hơn VN30-Index chỉ 1,09 điểm, trong khi 3 hợp đồng tương lai khác là F1903, F1906 và F1909 thấp hơn VN30-Index từ 15-21 điểm.

Đóng cửa, với 123 mã tăng và 170 mã giảm, VN-Index tăng 16,99 điểm (+1,75%) lên 987,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 178,53 triệu đơn vị, giá trị 4.463 tỷ đồng, tăng 5% về khối lượng và 11,5% về giá trị so với phiên 20/2. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 15,66 triệu đơn vị, giá trị 495,3 tỷ đồng.

Như đã phân tích ở trên, việc nhiều mã lớn được đồng loạt kéo tăng là nguyên nhân chính giúp VN-Index bay cao, và số mã tăng giá khá áp đảo so với số mã giảm.

Trong Top 10 mã vốn hóa lớn, ngoại trừ CTG và TCB giảm điểm, các mã còn lại đều tăng mạnh như VHM tăng trần lên 96.700 đồng (+7%), VNM +3,9% lên 148.500 đồng, MSN +4,3% lên 89.700 đồng, VIC +1,6% lên 118.400 đồng, VRE +5,2% lên 34.000 đồng, các mã GAS, SAB và VCB cùng tăng gần 2%.

Về thanh khoản, MBB khớp lệnh 7,99 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. Tiếp sau là CTG với 7,1 triệu đơn vị. Các cổ phiếu họ Vingroup cũng có thanh khoản mạnh, VRE khớp 3,8 triệu đơn vị, VIC và VHM cùng khớp khoảng 1,2 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, diễn biến khá phân hóa khi FLC, AMD, ITA, ASM, SCR, IDI... giảm điểm, trong khi ROS, HAG, QCG, DXG, DLG, LDG, OGC... tăng điểm. Trong đó, FLC và AMD khớp trên 7 triệu đơn vị, giảm tương ứng 0,7% về 5.310 đồng và 5,8% về 2.750 đồng.

Việc kéo mã trụ một cách mạnh mẽ để đẩy VN-Index tăng điểm và tạo hiệu ứng cho các mã khác là cách làm không mới, nhưng hiệu quả vẫn không đổi. Các đợt kéo trụ, dòng tiền thường luân chuyển qua lại giữa các nhóm cổ phiếu có tỷ trọng vốn hóa lớn một cách khó đoán định, sau sẽ lan tỏa đến các cổ phiếu nhóm nhỏ hơn. Chiến lược thị trường trong giai đoạn này là thường là phân bổ tỷ trọng lớn hơn cho các mã lớn, tỷ trọng nhỏ hơn cho các mã vốn hóa nhỏ nhưng hiệu quả kinh doanh tốt và có thanh khoản ở mức khá..

Trên sàn HNX, diễn biến có phần trái ngược với HOSE khi áp lực bán càng mạnh về cuối phiên khiến chỉ số sàn này quay đầu giảm điểm, song thanh khoản vẫn tăng nhờ sức cầu tốt.

Đóng cửa, với 63 mã tăng và 73 mã giảm, HNX-Index giảm 0,19 điểm (-0,18%) về 106,11 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 32,22 triệu đơn vị, giá trị 489 tỷ đồng, tăng 10% về khối lượng và 32% về giá trị so với phiên 20/2. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,8 triệu đơn vị, giá trị 34,3 tỷ đồng.

Việc một số mã vốn hóa lớn như ACB (-1% về 30.100 đồng), NTP (-3,9% về 37.100 đồng), DBC (-3% về 25.200 đồng)... giảm điểm, còn SHB, NVB, PVI, VNR, PHP... đứng giá khiến HNX thiếu trụ đỡ, cho dù nhiều mã lớn khác tăng điểm như VCG +3% lên 27.800 đồng, VCS +1,6% lên 64.200 đồng, VGC +3% lên 20.900 đồng...

VGC khớp lệnh 4,37 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. 4 mã ACB, PVS, SHB và VCG khớp từ 2,3-29 triệu đơn vị.

4 mã HUT, SHS, KLF và MBS cùng khớp trên 1 triệu đơn vị, song chỉ HUT và MBS tăng, còn SHS và KLF giảm điểm, trong đó KLF giảm sàn về 1.700 đồng.

Trên UPCoM, chỉ số sàn này may mắn thoát hiểm cuối phiên nhờ sức cầu tốt và một số mã vốn hóa lớn nhất còn tăng điểm.

Đóng cửa, với 57 mã tăng và 79 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,07 điểm (+0,12%) lên 55,54 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 18,24 triệu đơn vị, giá trị 342 tỷ đồng, tăng 90% về khối lượng và 65% về giá trị so với phiên 20/2. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,8 triệu đơn vị, giá trị 135,4 tỷ đồng chủ yếu đến từ thỏa thuận của 8,2 triệu cổ phiếu PMV, giá trị hơn 106 tỷ đồng.

Toàn sàn chỉ có 2 mã có thanh khoản cao là BSR và LPB với lượng khớp 1,35 triệu và 1,15 triệu đơn vị. BSR giảm 0,7% về 14.200 đồng, còn LPB tăng 2,2% lên 9.200 đồng.

Một số mã lớn còn tăng là VIB, VGI, HVN, NAS..., trong khi số mã giảm khá áp đảo với VGT, OIL, GVN, DVN...

Tin bài liên quan