Phiên chiều 21/2: Lực bán gia tăng, thị trường đỏ lửa

Phiên chiều 21/2: Lực bán gia tăng, thị trường đỏ lửa

(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng mạnh trong phiên chiều khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò là lực cản chính với cặp đôi BID - CTG để mất 3,5-4% thị giá.

Mặc dù thị trường tăng vọt gần 10 điểm nhưng sự thiếu đồng thuận của các nhóm ngành và các cổ phiếu khiến tâm lý nhà đầu tư không mấy tự tin, điều này đã thể hiện ngay khi bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần 21/2.

Bên cạnh sự phân hóa của thị trường, dòng tiền tham gia khá hạn chế khiến VN-Index dao động thiếu tích cực. Chỉ số VN-Index nhanh chóng bị đẩy lùi mỗi khi được kéo lên trên mốc tham chiếu và đã chốt phiên sáng với mức giảm nhẹ.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn giao dịch khá ảm đạm, chỉ số VN-Index biến động lình xình dưới mốc tham chiếu trong bối cảnh không có thêm thông tin tích cực nào.

Tuy nhiên, sau khoảng 30 phút giao dịch đi ngang, áp lực bán gia tăng mạnh khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Trên bảng điện tử, hàng trăm mã giảm điểm, trong đó nhóm cổ phiếu bluechip gia tăng sức ép hơn, đã khiến VN-Index nới rộng biên độ giảm.

Đóng cửa, sàn HOSE có 130 mã tăng và 222 mã giảm, VN-Index giảm 5,04 điểm (-0,54%), xuống 933,09 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 206,75 triệu đơn vị, giá trị 3.996,6 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,79% về khối lượng và 22,48% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 27,25 triệu đơn vị, giá trị 842,25 tỷ đồng.

Cặp đôi VNM và MSN vẫn đi ngược thị trường, với VNM +2% lên 108.500 đồng/CP, MSN +3,7% lên 53.000 đồng/CP.

Trái lại, nhân tố chính khiến thị trường lùi sâu hơn là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Ngoại trừ VPB nhích nhẹ, còn lại đều mất giá, đáng kể BID -3,5% xuống 49.500 đồng/CP, CTG -3,9% xuống 25.850 đồng/CP, MBB -2,1% xuống 21.200 đồng/CP, TCB -1,7% xuống 23.100 đồng/CP, VCB -0,6% xuống 89.000 đồng/CP.

Thêm vào đó, các mã bluechip khác như VHM, VIC, VRE, PLX, HPG vẫn điều chỉnh nhẹ. Cổ phiếu ROS sau 2 phiên tăng trần đã quay đầu giảm sâu trước áp lực bán chốt lời, kết phiên -6,6% xuống sát mức giá sàn 8.500 đồng/CP.

Bên cạnh ROS, nhiều mã vừa và nhỏ khác cũng chịu áp lực bán mạnh như HAI, AMD, LMH kết phiên giảm sàn.

Về thanh khoản, CTG dẫn đầu với gần 12,05 triệu đơn vị được khớp lệnh; tiêp theo là MBB khớp gần 8,8 triệu đơn vị, STB khớp 7,65 triệu đơn vị, DLG khớp 7,38 triệu đơn vị, FLC khớp 6,1 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, áp lực bán cũng gia tăng trong phiên chiều khiến thị trường giảm sâu.

Đóng cửa, sàn HNX có 22 mã tăng và 44 mã giảm, HNX-Index giảm 1,49 điểm (-1,36%), xuống 108,09 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 33,05 triệu đơn vị, giá trị 384,91 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,22 triệu đơn vị, giá trị 29,76 tỷ đồng.

Bên cạnh VCG, NVB, PVS, SHB, SHS, MBS dừng chân tại mốc tham chiếu, nhiều mã bluechip như CEO, VCS, PVB, DGC, TNG… mất điểm, đáng kể là ACB -2,6% xuống 25.700 đồng/CP.

Trong nhóm HNX30 chỉ còn PVI, DHT cùng nhích nhẹ chưa tới 0,5%, NDN +3,2% lên 16.100 đồng/CP.

Trong đó, bộ 3 cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu thanh khoản với ACB khớp 6,33 triệu đơn vị, SHB khớp 4,42 triệu đơn vị, NVB khớp 3,02 triệu đơn vị.

Không chỉ thị trường niêm yết chịu áp lực bán mạnh, trên UPCoM, sắc xanh cũng nhanh chóng biến mất sau hơn 30 phút giao dịch của phiên chiều.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,05 điểm (-0,09%), xuống 56,3 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 15,37 triệu đơn vị, giá trị 189,47 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,94 triệu đơn vị, giá trị 61,87 tỷ đồng.

Cổ phiếu ngân hàng VIB dù có thu hẹp biên độ nhưng vẫn là điểm sáng khi kết phiên +3,3% lên 18.800 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 4,77 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.

Trong khi đó, nhiều mã lớn như BSR, GVR, VGI, VGT, ACV… đều đảo chiều giảm điểm.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều mất điểm, trong đó hợp đồng VN30F2003 giảm 0,85% xuống 862,8 điểm, với khối lượng giao dịch 112.375 đơn vị, khối lượng mở hơn 10.400.

Trên thị trường chứng quyền, số mã giảm chiếm áp đảo với gần 39 mã, và chỉ 18 mã tăng, và số ít đứng tham chiếu. Trong đó, CROS2001 tiếp tục có thanh khoản lớn nhất với 94.966 đơn vị khớp lệnh, kết phiên giảm 23,53% tại 130 đồng.

Tin bài liên quan