Phiên chiều 20/1: Thị trường phân hóa, VN-Index điều chỉnh nhẹ

Phiên chiều 20/1: Thị trường phân hóa, VN-Index điều chỉnh nhẹ

(ĐTCK) Kịch bản khá giống phiên sáng, một lần nữa VN-Index bật nẩy lên khi bị đẩy về sát mốc 975 điểm nhưng chưa sức để lấy lại thăng bằng do thiếu dòng tiền mạnh cùng nhóm trụ cột dẫn dắt.

Sau 4 phiên tăng liên tiếp, áp lực bán có dấu hiệu gia tăng khiến thị trường trở nên rung lắc và đảo chiều giảm điểm trong phiên sáng đầu tuần 20/1, thậm chí có thời điểm VN-Index bị đẩy lùi về mốc 975 điểm. Trong đó, tâm điểm thị trường trong tuần vừa qua là nhóm cổ phiếu thép và dòng bank cũng chịu sức ép bán ra, lần lượt hạ nhiệt và nhiều mã quay đầu giảm sâu.

Với sự phân hóa mạnh từ thị trường và nhóm cổ phiếu bluechip thiếu trụ đỡ, giao dịch vẫn tiếp diễn trạng thái khá ảm đạm khi bước vào phiên chiều.

Sau khi bị đẩy xuống gần mức giá thấp nhất của phiên sáng, thị trường lại một lần nữa bật nẩy trở lên. Tuy nhiên, cũng như phiên sáng, dòng tiền khá yếu khiến VN-Index chưa thể hồi phục và dừng chân ngay dưới mốc tham chiếu.

Đóng cửa, sàn HOSE có 143 mã tăng và 163 mã giảm, VN-Index giảm nhẹ 0,33 điểm (-0,03%), xuống 978,63 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 148,8 triệu đơn vị, giá trị 3.990,42 tỷ đồng, giảm 9,35% về khối lượng nhưng tăng 20,82% về giá trị so với phiên cuối tuần trước.

Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 46,4 triệu đơn vị, giá trị 1.865,67 tỷ đồng, trong đó riêng MWG thỏa thuận hơn 6 triệu đơn vị, giá trị 743,57 tỷ đồng.

Nhóm bluechip phân hóa với 13 mã tăng và 10 mã giảm, trong đó chủ yếu các mã biến động tăng giảm với biên độ hẹp trên dưới 1%.

Như đã nói ở trên, dòng bank hạ nhiệt với nhiều mã lớn như BID, VCB, TCB, hay HDB đều đảo chiều giảm điểm, còn MBB, EIB cũng lùi về mốc tham chiếu. Tuy nhiên, đây vẫn là nhóm cổ phiếu giao dịch sôi động với CTG, MBB, STB có lượng khớp trên 4 triệu đơn vị, TCB, VPB có lượng khớp hơn 2 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngành thép vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường. Đáng kể, HPG đã đảo chiều thành công và lấy lại sắc xanh khi +2% lên 25.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất, đạt 5,71 triệu đơn vị; HSG -1,7% xuống 8.300 đồng/CP và khớp hơn 5 triệu đơn vị.

Giao dịch phân hóa cũng diễn ra đối với các mã còn lại trong ngành như TLH hồi nhẹ khi +0,5% lên 4.000 đồng/CP, VGS +1,4% lên 7.000 đồng/CP, trong khi DTL -6% xuống 18.700 đồng/CP, NKG và POM cùng giảm sàn về mức 9.200 đồng/CP và 5.500 đồng/CP…

Trên sàn HNX, nhờ sự hỗ trợ của một số mã bluechip, giao dịch khởi sắc duy trì trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, sàn HNX có 28 mã tăng và 38 mã giảm, HNX-Index tăng 0,75 điểm (+0,73%), lên 104,64 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 22,97 triệu đơn vị, giá trị 261,14 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 5 triệu đơn vị, giá trị 69,32 tỷ đồng.

Cổ phiếu ACB vẫn là trụ đỡ chính khi kết phiên +2,1% lên 24.300 đồng/CP và khớp lệnh hơn 4,44 triệu đơn vị. Trong khi đó, người anh em SHB đảo chiều -1,4% xuống 7.200 đồng/CP và khớp 5,69 triệu đơn vị, còn NVB vẫn giữ mốc tham chiếu 9.200 đồng/CP và khớp 1,96 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, một số bluechip khác cũng giữ được sắc xanh như DGC +0,4% lên 24.800 đồng/CP, CEO +1,1% lên 8.900 đồng/CP, CAP +1,7% lên 30.000 đồng/CP…

Trái lại, VCS sau 3 phiên khởi sắc đã đảo chiều giảm 2,4% xuống 65.900 đồng/CP. Ngoài ra, các mã họ P như PVS, PVC, PVI, PVB cũng đứng giá hoặc mất điểm.

Trên UPCoM, dù có chút rung lắc giữ phiên những chỉ số UPCoM-Index đã hồi nhẹ trở lại.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,07 điểm (+0,13%), lên 55,49 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 6 triệu đơn vị, giá trị 91,88 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,79 triệu đơn vị, giá trị 85,38 tỷ đồng.

Một số mã lớn giúp sức cho thị trường hồi phục như BSR +27% lên 7.500 đồng/CP, GVR +0,9% lên 11.500 đồng/CP, ACV +1,3% lên 70.900 đồng/CP…

Cặp đôi VIB và BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường, với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 1,25 triệu đơn vị và 1,13 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 mã hợp đồng tương lai đều khởi sắc, trong đó, VN30F2001 tăng 0,38% lên 896,9 điểm, với khối lượng hợp đồng trao tay hơn 60.250, khối lượng mở 11.859 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, có 23 mã giảm, 15 mã tăng và 3 mã đứng giá, trong đó, CMBB1904 có khối lượng khớp lệnh cao nhất với 57.235 đơn vị, giảm 60% xuống 40 đồng/CQ.

Tin bài liên quan