Phiên chiều 18/11: ROS đảo chiều ngoạn mục, VNM thành “kỳ đà cản mũi”

Phiên chiều 18/11: ROS đảo chiều ngoạn mục, VNM thành “kỳ đà cản mũi”

(ĐTCK) Mặc dù ROS có cú đảo chiều ngoạn mục từ mức giá sàn, tăng vọt lên mức giá cao nhất trong ngày, nhưng lực hãm lớn đến từ trụ cột VNM khiến VN-Index chưa thể thoát khỏi phiên giảm điểm trong ngày giao dịch cuối tuần 18/11.

Thị trường giao dịch thiếu tích cực trong phiên sáng cuối tuần bởi sức ép cung ngoại tác động khá mạnh lên các cổ phiếu lớn. Bên cạnh trụ cột VNM quay đầu giảm điểm, cổ phiếu ROS cũng đảo chiều giảm điểm sau phiên tăng trần trước đó, đã đẩy VN-Index lùi về mức giá thấp nhất khi chốt phiên.

Sang phiên chiều, “ông lớn” VNM tiếp tục nới rộng đà giảm bởi lực cung ngoại gia tăng trong khi ROS cùng song hành lao dốc mạnh và rơi xuống mức giá sàn khiến mốc 670 điểm bị xuyên thủng.

Tuy nhiên, đây là ngưỡng hỗ trợ mạnh của thị trường, ngay khi rơi xuống dưới mốc 670 điểm, lực cầu bắt đáy đã nhập cuộc, trong đó, đáng chú ý là cú đảo chiều ngoạn mục của cổ phiếu ROS giúp VN-Index thu hẹp đà giảm điểm. Nhưng “kỳ đà cản mũi” VNM đã ngăn chặn đà hồi phục của thị trường bởi áp lực bán trong nước và nước ngoài khiến cổ phiếu này rơi xuống mức giá thấp nhất ngày.

Với mức giảm 1.800 đồng (-1,3%), VNM đóng cửa tại mức giá 137.200 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh đạt 1,27 triệu đơn vị. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 586.910 cổ phiếu VNM, gần gấp đôi khối lượng bán ròng khi chốt phiên sáng nay.

Trái lại, ROS lại có cú bật ngược khá ấn tượng. Chỉ trong hơn 1 giờ giao dịch cuối phiên chiều, từ mức giảm sàn, ROS đã quay đầu, vượt qua mốc tham chiếu và léo lên mức giá cao nhất ngày. Đóng cửa, ROS đã tăng 3.100 đồng (+2,6%) lên mức 124.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 3,25 triệu đơn vị.

Đóng cửa, sàn HOSE có 95 mã tăng và 144 mã giảm, chỉ số VN-Index giảm 1,32 điểm (-0,2%) xuống mức 673,25 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 104,89 triệu đơn vị, giá trị 2.210,36 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 8,7 triệu đơn vị, giá trị 275,76 tỷ đồng. VN30-Index giảm 1,67 điểm xuống 634,35 điểm với 8 mã tăng, 16 mã giảm và 6 mã đứng giá.

Trong khi đó, sau diễn biến giằng có và thất bại ở cuối phiên sáng, sàn HNX đã tiếp tục đà giảm điểm trong phiên chiều trước áp lực bán dâng cao.

Với 53 mã tăng và 92 mã giảm, chỉ số HNX-Index giảm 0,23 điểm (-0,29%) xuống 80,71 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 31,92 triệu đơn vị, giá trị 293,76 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 3,77 triệu đơn vị, giá trị 56,87 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 0,07 điểm xuống 145,55 điểm khi có tới 14 mã giảm, 4 mã tăng và 11 mã đứng giá.

Một số điểm đáng lưu ý trong phiên cuối tuần, cụ thể, ở nhóm cổ phiếu khoáng sản, trong khi LCM vẫn giảm sàn thì KSA đã đảo chiều và tiếp tục tăng cùng các mã khác trong nhóm như KSB, KSH.

Ở nhóm cổ phiếu ngành thép tiếp tục có sự phân hóa. Trong khi HSG tăng 2,4%, TLH tăng 3,5%, NKG tăng 0,8% thì HPG vẫn giao dịch trong sắc đỏ với mức giảm 1,2%, POM giảm 1,1%, VIS giảm 0,5%.

Ở nhóm bất động sản, trong khi cổ phiếu đầu ngành VIC vẫn giao dịch thiếu tích cực thì thị trường lại nổi lên nhiều điểm sáng. Tiêu biểu là VCG trên sàn HNX tiếp tục mở rộng biên độ tăng với mức tăng 4,55% và đóng cửa tại mức 16.100 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn, đạt hơn 4,1 triệu đơn vị.

Sau phiên bất ngờ tăng trần ngày 16/11, cặp đôi HAG-HNG tiếp tục rơi vào “dĩ vãng”. Áp lực bán khiến cả 2 mã trên đều quay đầu giảm điểm, cụ thể, HAG giảm 1,7% xuống mức 5.700 đồng/CP và khớp 4,74 triệu đơn vị; HNG giảm 2,6% xuống mức 6.720 đồng/CP và khớp 0,97 triệu đơn vị.

Trong khi đó, ITA và FLC vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường, tuy nhiên trật tự đã được thay đổi. Cụ thể, ITA có khối lượng khớp lệnh lớn nhất đạt 10,75 triệu đơn vị và đóng cửa vẫn giảm 0,77%, đứng ở mức giá 5.160 đồng/CP; còn lực cầu hấp thụ tích cực đã giúp FLC khới sắc với mức tăng nhẹ 0,44% và khối lượng khớp 8,15 triệu đơn vị.

Phiên hôm nay, thành viên tuy đã cũ nhưng đã có màn chào sàn HOSE khá tích cực. Đà tăng được duy trì khá tốt đến hết phiên, với mức tăng 1,3%, SCR đóng cửa tại mức giá 9.250 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh đạt 3,74 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan