Phiên chiều 17/2: Bluechip tạo sức ép, VN-Index chưa thể hồi phục

Phiên chiều 17/2: Bluechip tạo sức ép, VN-Index chưa thể hồi phục

(ĐTCK) Tâm lý nhà đầu tư vẫn thiếu tự tin xuống tiền khiến thị trường giao dịch khá ảm đạm trong phiên đầu tuần 17/2. Mặc dù nhóm cổ phiếu ngân hàng nỗ lực đi lên, đặc biệt là BID, nhưng không đủ lực để giúp VN-Index hồi phục trước sức ép khá lớn từ các bluechip khác.

Một trong những thông tin tích cực đáng chú ý là theo dữ liệu của Vietstock cập nhật đến 31/1/2020, tổng lợi nhuận sau thuế trong năm 2019 của 898 doanh nghiệp trên HOSE, HNX và UPCoM đạt 201.000 tỷ đồng dù chưa bao gồm nhóm ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm, tăng trưởng 13% so với năm 2018. Tuy nhiên, dường như gam màu xám vẫn đang bao phủ trên thị trường chứng khoán hiện nay trong bối cảnh nhà đầu tư giao dịch khá hạn chế bởi những tác động từ bên ngoài.

Sau tuần giao dịch lình xình giằng co và điều chỉnh nhẹ, thị trường tiếp tục trong trạng thái ảm đạm trong phiên sáng đầu tuần 17/2. Mặc dù có những nhịp hồi nhẹ trong phiên nhưng sắc xanh chỉ le loi và nhanh chóng bị dập tắt trước áp lực bán gia tăng. Đặc biệt, cổ phiếu lớn VIC gia tăng sức ép đã đẩy chỉ số VN-Index về dưới mốc 935 điểm khi chốt phiên sáng.

Bước sang giao dịch chiều, thị trường không có tín hiệu tích cực. Lực bán vẫn duy trì khá cao khiến VN-Index mỗi nhịp kéo lên ngưỡng 935 điểm lại nhanh chóng bị thoái lui. Thậm chí có thời điểm, chỉ số này bị đẩy xuống gần mốc 930 điểm.

Đóng cửa, với 133 mã tăng và 222 mã giảm, VN-Index giảm 2,68 điểm (-0,29%) xuống 934,77 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 183,25 triệu đơn vị, giá trị 3.396,92 tỷ đồng, giảm 10,33% về khối lượng và 8,11% về giá trị so với phiên 14/2. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 33,9 triệu đơn vị, giá trị 900,28 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng, phần lớn các mã như VCB, TCB, MBB, STB, HDB vẫn giữ sắc xanh nhạt, điểm nhấn vẫn là BID hồi phục mạnh +3% và kết phiên ở mức cao nhất ngày 51.500 đồng/CP.

Dòng bank vẫn là tâm điểm giao dịch của thị trường. Trong top 5 mã thanh khoản tốt nhất sàn HOSE thì có tới 4 mã thuộc ngành này, với MBB dẫn đầu khi khớp gần 9,7 triệu đơn vị, tiếp đó STB khớp 8,91 triệu đơn vị, TCB khớp 6,39 triệu đơn vị, CTG khớp 5,82 triệu đơn vị.

Trong khi đó, lực hãm chính của thị trường trong phiên sáng là VIC đã bớt tiêu cực hơn khi thu hẹp đà giảm đáng kể. Kết phiên, VIC -1,8% xuống 108.000 đồng/CP. Ngoài ra, nhiều mã lớn khác như VHM, MSN, SAB, GAS, PLX, VRE… vẫn mất điểm, khiến thị trường khó đi lên.

Cổ phiếu ROS tiếp tục chịu lực bán gia tăng và đóng cửa đứng tại mức giá sàn 8.560 đồng/CP, đây là phiên giảm sàn thứ 2 sau thông tin có thể bị loại khỏi rổ FTSE Vietnam Index. Kết phiên, ROS chuyển nhượng thành công 4,83 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 0,61 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường có phần tích cực hơn, nhiều mã như FLC, HHS, FIT, TTF, SCR… đã lấy lại sắc xanh. Đáng chú ý, DLG tăng kịch trần lên 1.950 đồng/CP với khối lượng khớp 8,78 triệu đơn vị và dư mua trần gần 0,6 triệu đơn vị. Ngoài ra, FLC, DRH, VRE, PXT cũng được kéo lên trần cùng GTN.

Trên sàn HNX, trái với biến giằng co và liên tục đổi sắc trong phiên sáng, chỉ số HNX-Index đi ngang dưới mốc tham chiếu trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, 35 mã tăng và 75 mã giảm, HNX-Index giảm 0,17 điểm (-0,16%) xuống 109,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 28,78 triệu đơn vị, giá trị 328,29 tỷ đồng, giảm 9,36% về khối lượng và 20,25% về giá trị so với phiên 14/2. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,27 triệu đơn vị, giá trị gần 37,4 tỷ đồng.

Trong nhóm HNX30, chỉ có 4 mã nhích nhẹ, 8 mã đứng giá và có tới 18 mã mất điểm. Đáng kể, VCS -1,4% xuống 75.000 đồng/CP, PVI -1,6% xuống 31.400 đồng/CP, PVB -1,8% xuống 16.200 đồng/CP, MBS -2,5% xuống 11.6000 đồng/CP…

Bộ 3 cổ phiếu ngân hàng vẫn dẫn đầu thanh khoản nhưng giao dịch tiếp diễn trạng thái lình xình. Trong khi SHB hồi nhẹ +1,37% lên 7.400 đồng/CP và khớp hơn 6,8 triệu đơn vị, thì ACB đứng giá tham chiếu 26.400 đồng/CP và khớp 3,76 triệu đơn vị và NVB -1,11% xuống 8.900 đồng/CP và khớp 2,26 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sau nhịp hồi nhẹ đầu phiên, thị trường đã đảo chiều và tiếp tục bị đẩy lùi sâu hơn về cuối phiên.

Đóng cửa, với 63 mã tăng và 61 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,22 điểm (-0,38%) xuống 56,26 điểm. Tổng khối giao dịch đạt 7,75 triệu đơn vị, giá trị 111,44 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 6,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 331 tỷ đồng, trong đó VCP thỏa thuận 5,88 triệu đơn vị, giá trị 320,59 tỷ đồng.

Nhiều mã lớn giao dịch không mấy tích cực như VGT -2,2% xuống 8.800 đồng/CP, VEA -1,1% xuống 43.000 đồng/CP, MSR -3,4% xuống 14.400 đồng/CP, BCM -1,5% xuống 26.000 đồng/CP…

Trong khi đó, cổ phiếu ngân hàng LPB vẫn giữ mức giá 7.400 đồng/CP, tăng 2,78% và là mã giao dịch sôi động nhất với 1,34 triệu đơn vị được giao dịch thành công. Tiếp theo là VIB khớp 0,97 triệu đơn vị và đóng cửa -1,08% xuống 18.300 đồng/CP.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều duy trì đà tăng. Trong đó, mã có thời hạn đáo hạn gần nhất (ngày 20/2) là VN30F2002 được giao dịch mạnh nhất với 86.306 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 15.672 hợp đồng, tăng 0,23% lên 863,8 điểm.

Trên thị trường chứng quyền, có 10 mã tăng, 33 mã giảm và 6 mã đứng giá. Trong đó, CROS2001 tiếp tục có thanh khoản cao nhất với 109.954 đơn vị được khớp, đóng cửa giảm 35% xuống 130 đồng/CQ.

Tin bài liên quan