Phiên chiều 17/1: VCB khởi sắc

Phiên chiều 17/1: VCB khởi sắc

(ĐTCK) Sau màn trượt nhẹ ngay khi bước vào phiên chiều, thị trường đã nhanh chóng lấy lại đà tăng điểm nhờ sự hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu bluechip, với tâm điểm là VCB.

Ngay sau khi chạm mốc 980 điểm, áp lực bán đã xuất hiện khiến thị trường phân hóa và dần hạ độ cao. Chỉ số VN-Index trở lại trạng thái lình xình giằng co trên ngưỡng 975 điểm trong hơn nửa thời gian còn lại của phiên sáng.

Bước sang phiên giao dịch chiều, lực bán giá thấp tiếp tục dâng cao đã nhanh chóng đẩy VN-Index lùi về dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên, ngay khi chuyển sắc đỏ, lực cầu hấp thụ gia tăng đã giúp thị trường lấy lại đà tăng điểm.

Nếu trong phiên hôm qua, cặp đôi BID-CTG trở thành đôi cánh giúp thị trường bay cao thì sang phiên cuối tuần 17/1, bên cạnh việc hạ độ cao của 2 mã này, một thành viên khác của dòng bank là VCB đã tăng vọt và trở thành điểm tựa chính cho sự hồi phục của thị trường.

Đóng cửa, sàn HOSE có 148 mã tăng và 162 mã giảm, VN-Index tăng 4,65 điểm (+0,48%), lên 978,96 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 164,14 triệu đơn vị, giá trị 3.302,68 tỷ đồng, giảm 18,42% về khối lượng và 30,38% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 46,92 triệu đơn vị, giá trị 983,95 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, VCB trở thành điểm sáng của ngành. Trong khi hầu hết các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng giao dịch lình xình biên độ hẹp, thì VCB đã xác lập đỉnh lịch sử mới. Kết phiên, VCB +5,6% lên 94.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 2,22 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, đây vẫn là nhóm cổ phiếu giao dịch sôi động nhất. Trong top 5 mã dẫn đầu thanh khoản sàn HOSE thì có tới 3 mã ngân hàng, cụ thể CTG dẫn đầu với 6,41 triệu đơn vị được khớp lệnh; STB khớp gần 6,1 triệu đơn vị, MBB khớp 4,78 triệu đơn vị.

Mặc dù không tác động lớn tới diễn biến chỉ số nhưng CTD cũng đã có phiên khởi sắc sau chuỗi ngày dài mất điểm. Với +6,9%, CTD kết phiên tại mức giá trần 52.700 đồng/CP và khớp hơn 0,25 triệu đơn vị.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, các mã lớn như VHM, VIC, VRE, GAS, BVH, BID đều giảm nhẹ trên dưới 0,5%, ngoại trừ MSN -2,1% xuống 55.000 đồng/CP.

Cổ phiếu ROS vẫn chưa thoát khỏi đà giảm sâu nhưng đã may mắn lấy lại mức mệnh giá. Kết phiên, ROS -5% xuống 10.000 đồng/CP và khớp lệnh 3,46 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, DLG đã thoát sắc xanh mắt mèo nhưng vẫn -3,2% xuống 1.790 đồng/CP và khớp lệnh 5,88 triệu đơn vị, trong khi đó FLC hồi nhẹ +0,2% lên 4.120 đồng/CP và khớp 4,41 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, nỗ lực lấy lại thăng bằng ngay khi bước sang phiên chiều bất thành khiến HNX-Index giao dịch dưới mốc tham chiếu trong suốt cả phiên.

Đóng cửa, sàn HNX có 35 mã tăng và 35 mã giảm, HNX-Index giảm 0,43 điểm (-0,42%), xuống 103,88 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 20,98 triệu đơn vị, giá trị 232,91 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,13 triệu đơn vị, giá trị 45,14 tỷ đồng.

Ở nhóm HNX30, chỉ có một số mã tăng nhẹ như DGC +0,82% lên 24.700 đồng/CP, NRC +4,21% lên 9.900 đồng/CP, SLS +2,4% lên 42.500 đồng/CP, VCG +0,78% lên 25.800 đồng/CP, VCS +0,15% lên 67.500 đồng/CP, còn lại đều đứng giá hoặc giảm.

Trái lại, nhiều mã lớn mất điểm như SHB -2,67% xuống 7.300 đồng/CP, PVS -0,56% xuống 17.900 đồng/CP, PVI -1,26% xuống 31.700 đồng/CP, ACB -0,42% xuống 23.800 đồng/CP…

Trong đó, SHB dẫn đầu thanh khoản với hơn 5,6 triệu đơn vị được khớp lệnh, tiếp theo là 2 mã ngân hàng khác gồm ACB khớp 2,7 triệu đơn vị và NVB khớp 1,74 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, đà giảm nhẹ duy trì suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,04 điểm (-0,07%), xuống 55,41 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 7,73 triệu đơn vị, giá trị 84,13 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,13 triệu đơn vị, giá trị 45,14 tỷ đồng.

Cặp đôi KSH và BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản trên UPCoM, với khối lượng giao dịch đạt trên dưới 1,2 triệu đơn vị. Kết phiên, KSH vẫn đứng tại mốc tham chiếu 300 đồng/CP và BSR tiếp tục giữ mức giá 7.300 đồng/CP, giảm 1,35%.

Tiếp theo đó, MPC đã chuyển nhượng thành công hơn 0,91 triệu đơn vị nhưng kết phiên -4,6% xuống 22.600 đồng/CP.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 mã hợp đồng tương lai đều khởi sắc, trong đó, VN30F2001 tăng 0,24% lên 893,5 điểm, với khối lượng hợp đồng trao tay hơn 70.600, khối lượng mở 5.290 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, có 21 mã giảm, 14 mã tăng và 6 mã đứng giá, trong đó, CPNJ1902 có khối lượng khớp lệnh cao nhất với 25.383 đơn vị, tăng 1,82% lên 2.240 đồng/CQ.

Tin bài liên quan