Phiên chiều 16/12: Dòng tiền đầu cơ chảy mạnh

Phiên chiều 16/12: Dòng tiền đầu cơ chảy mạnh

(ĐTCK) Mặc dù không thoát khỏi phiên giảm điểm trước áp lực bán khá lớn nhưng chỉ số VN-Index đã giữ vững mốc 960 điểm trong phiên đầu tuần 16/12. Điểm nhấn thị trường là dòng tiền đầu cơ hoạt động tích cực đã tiếp sức cho các cổ phiếu vừa và nhỏ dậy sóng.

Áp lực bán xuất hiện ngay từ đầu phiên khiến thị trường tiếp tục trạng thái cắm đầu đi xuống. Tuy nhiên, ngưỡng 960 điểm đã được bảo toàn khá vững chắc trong phiên giao dịch sáng khi mỗi lần VN-Index bị đẩy về sát mức giá này, lực cầu hỗ trợ đã tiếp sức giúp thị trường bật nảy trở lại.

Bước sang phiên giao dịch chiều, một lần nữa thị trường đe dọa mốc 960 điểm nhưng cũng như phiên sáng, lực cầu hỗ trợ giúp chỉ số VN-Index bật ngược đi lên, thu hẹp đà giảm điểm.

Sau đó, sự hồi phục của một số cổ phiếu bluechip đã giúp VN-Index tiệm cận mốc 965 điểm nhưng áp lực bán thường trực đã nhanh chóng đẩy chỉ số thoái lui.

Đóng cửa, sàn HOSE có 141 mã tăng và 178 mã giảm, VN-Index giảm 4,71 điểm (-0,49%), xuống 961,47 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 278,44 triệu đơn vị, giá trị 5.671,57 tỷ đồng, tăng 27% về lượng và 33,77% về giá trị so với phiên cuối tuần trước (13/12).

Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 76 triệu đơn vị, giá trị 2.554,8 tỷ đồng, trong đó riêng MSN thỏa thuận hơn 16 triệu đơn vị, giá trị 931,75 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu VN30 diễn biến khá phân hóa. Trong đó, cặp đôi lớn VHM và VCB tiếp tục gia tăng gánh nặng với VHM -3,4% xuống 86.100 đồng/CP, VCB -2,7% xuống 86.000 đồng/CP.

Cũng có diễn biến không mấy tích cực dù có tác động ít hơn tới thị trường như MSN -2,2% xuống mức thấp nhất ngày 56.700 đồng/CP, CTG -1,5% xuống 20.300 đồng/CP, VIC, SAB, HPG điều chỉnh nhẹ.

Trái lại, ông lớn VNM từng bước nhích, cũng đã góp phần giúp thị trường bớt giảm sâu. Kết phiên VNM +0,6% lên 118.800 đồng/CP và khớp hơn 0,75 triệu đơn vị.

Đáng chú ý trong nhóm VN30 chính là cổ phiếu BVH. Sau thông tin cổ đông lớn Nhật Bản - Sumitomo Life đăng ký mua vào hơn 41 triệu cổ phiếu, BVH đã tăng vọt hết biên độ +6,9% và kết phiên tại mức giá trần 72.700 đồng/CP.

Tuy nhiên, điểm nhấn của thị trường trong phiên đầu tuần 16/12 chính là dòng tiền đầu cơ hoạt động sôi động đã tiếp sức cho nhiều mã thị trường vừa và nhỏ nổi sóng. Hàng loạt mã khoe sắc tím cùng khối lượng khớp lệnh vài triệu đến vài chục triêu đơn vị như FLC, DLG, AMD, HQC, FIT, HAI, HHS…

Trong đó, FLC đã khớp lệnh tới gần 21,18 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 2,7 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản chỉ sau ROS; tiếp theo đó DLG khớp 13,52 triệu đơn vị và dư mua trần 1,46 triệu đơn vị; AMD khớp 8,47 triệu đơn vị, HQC khớp 6,34 triệu đơn vị…

Trên sàn HNX, giao dịch khá giằng co và có thời điểm HNX-Index bị đẩy về sát mốc tham chiếu nhưng chỉ số này đã tiếp tục giữ được nhịp tăng nhẹ.

Đóng cửa, sàn HNX có 36 mã tăng và 32 mã giảm, HNX-Index tăng 0,28 điểm (+0,27%), lên 103,22 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 26,2 triệu đơn vị, giá trị 227,52 điểm. Giao dịch thỏa thuận có thêm 13,42 triệu đơn vị, giá trị 160,7 tỷ đồng, trong đó NVB thỏa thuận hơn 11 triệu đơn vị, giá trị 97,33 tỷ đồng.

Cổ phiếu SHB vẫn tăng khá tốt dù bị khối ngoại bán ròng hơn nửa triệu đơn vị. Kết phiên, SHB +6,7% lên 6.400 đồng/CP và khớp 8,21 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX.

Trong khi đó, NVB đứng giá tham chiếu, còn ACB -0,9% xuống 23.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 1,31 triệu đơn vị và 0,95 triệu đơn vị.

Ngoài SHB, một số mã trong nhóm HNX30 đã giúp sức cho thị trường giữ vững sắc xanh như DGC +1,1% lên 28.000 đồng/CP, PVS +1,1% lên 17.600 đồng/Cp, VCS +1% lên 83.800 đồng/CP, L14 +3,7% lên 67.800 đồng/CP…

Các mã nhỏ như ART, KLF, KVC vẫn giữ sắc tím với khối lượng khớp lệnh tích cực từ 1,1 đến 2,7 triệu đơn vị.

Trên thị trường UPCoM, đà giảm nhẹ duy trì trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,2 điểm (-0,36%), xuống 55,53 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 5,94 triệu đơn vị, giá trị 84,76 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2 triệu đơn vị, giá trị 97,37 tỷ đồng.

Cổ phiếu LPB vẫn đứng giá tham chiếu và tiếp tục dẫn đầu thanh khoản thị trường UPCoM với hơn 648.000 đơn vị được giao dịch thành công.

Đứng ở vị trí tiếp theo, BSR -1,14% xuống 8.700 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt hơn nửa triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh có 3 hợp đồng giảm và 1 hợp đồng tăng, trong đó VN30F1912 giảm 0,47% xuống 877,4 điểm, với khối lượng giao dịch vẫn cao nhất với hơn 64.690 hợp đồng được sang tay, khối lượng mở hơn 17.710 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế với tổng cộng 30 mã giảm, chỉ còn 6 mã tăng và 2 mã đứng giá, trong đó, CHPG1905 giảm 15,15% xuống 1.120 đồng/CQ và thanh khoản tốt nhất với 31.188 đơn vị khớp lệnh.

Tin bài liên quan