Phiên chiều 13/3: Chứng khoán lại có thêm 5' lịch sử

Phiên chiều 13/3: Chứng khoán lại có thêm 5' lịch sử

(ĐTCK) Nếu như phiên 11/3, mở cửa phiên chiều thị trường mất gần 5% trong 5 phút, thì hôm nay cũng là 5 phút theo chiều ngược lại. Lực cầu tiếp tục chảy mạnh và lan tỏa trong phiên chiều giúp thị trường có những tín hiệu vui. Các chỉ số lần lượt trở lại trạng thái cân bằng hơn, trong đó HNX-Index có thời điểm hồi phục sắc xanh cùng thanh khoản tăng vọt.

Hàng loạt những tin hỗ trợ như UBCK sẽ đề xuất giảm phí giao dịch chứng khoán hay Ngân hàng Nhà nước chính thức ban hành Thông tư hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 và chuẩn bị hạ lãi suất điều hành… dường như đã phần nào giúp thị trường có những tín hiệu tích cực.

Sau màn lao dốc mạnh trong nửa đầu phiên sáng, lực cầu bắt đáy nhập cuộc đã giúp thị trường bật ngược đi lên, chỉ số VN-Index hồi hơn 10 điểm, đã giúp giới đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ sớm lội ngược dòng.

Đúng như dự đoán, ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều, dòng tiền tiếp tục chảy mạnh và lan tỏa giúp VN-Index tăng vọt.

Trái ngược với phiên chiều 11/3, 5 phút đầu phiên chiều đã ấn tượng với màn hồi phục của các chỉ số. Trong khi VN-Index đi lên theo đường thẳng đứng khi hồi thêm 25 điểm và tiến gần hơn với mốc 965 điểm, thì HNX-Index đang tiếp cận mốc tham chiếu.

Đóng cửa, sàn HOSE có 147 mã tăng và 236 mã giảm, chỉ số VN-Index giảm 7,47 điểm (-0,97%), xuống 761,78 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 354,7 triệu đơn vị, giá trị 6.172,16 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,57% về khối lượng và 18,25% về giá trị so với phiên hôm qua.

Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 65,69 triệu đơn vị, giá trị 1.857,55 tỷ đồng. Trong đó đáng kể MSN thỏa thuận gần 14,4 triệu đơn vị, giá trị 712,92 tỷ đồng.

Trong nhóm VN30, nhiều mã đã tìm lại sắc xanh như VIC, TCB, STB, REE, POW, NVL, MBB, HDB, FPT, CTG; cùng VRE, VHM và VJC lấy lại mốc tham chiếu.

Còn lại các mã cũng thu hẹp đà giảm đáng kể như VNM -1,8% xuống 99.100 đồng/CP, VCB -1% xuống 71.000 đồng/CP, PLX và GAS cũng thoát sắc xanh mắt mèo với mức giảm tương ứng 5% và 4%; còn VPB, SAB, MSN, HPG đứng khá gần mốc tham chiếu.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, nhiều mã quen thuộc cũng đảo ngược tình thế khi tìm lại sắc xanh như FLC, DLG, ITA, hay TSC, ATG được kéo lên kịch trần.

Cổ phiếu AMD có phiên tăng trần thứ 10 liên tiếp và đứng tại mức giá 4.260 đồng/CP nhưng khối lượng giao dịch giảm đáng kể, với 2,92 triệu đơn vị được khớp lệnh và dư mua trần 7,13 triệu đơn vị.

Về thanh khoản, dòng bank vẫn thu hút sự quan tâm của thị trường. Trong đó STB dẫn đầu với 16,34 triệu đơn vị được khớp lệnh và kết phiên +% lên 10.400 đồng/CP; MBB và CTG cũng kết phiên tăng nhẹ trên dưới 0,5% với lượng khớp 11,67 triệu đơn vị và 10,54 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX cũng thu hẹp đà giảm đáng kể, thậm chí có thời điểm hồi phục sắc xanh.

Đóng cửa, sàn HNX có 31 mã tăng và 49 mã giảm, HNX-Index giảm 0,53 điểm (-0,52%), xuống 101,38 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 84,56 triệu đơn vị, giá trị 831,27 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8 triệu đơn vị, giá trị 63,68 tỷ đồng.

Bên cạnh L14 và KLF khoe sắc tím, nhiều mã trong nhóm HNX30 đã hồi xanh, giúp thị trường giao dịch cân bằng hơn như DGC +0,9% lên 22.600 đồng/CP, MBS +4,4% lên 9.400 đồng/CP, PVS +1,9% lên 11.000 đồng/CP, VCG +0,4% lên 25.100 đồng/CP, SLS +3,3% lên 43.900 đồng/CP, TNG +3% lên 13.600 đồng/CP…

Trái lại, trong nhóm này không còn mã nào giảm sàn. Đáng kể các mã thuộc vốn hóa lớn như ACB, VCS, PVI chỉ giảm chưa tới 0,5%.

Cổ phiếu SHB cũng hãm mạnh đà rơi khi chỉ còn -1,8% xuống 11.000 đồng/CP và là mã giao dịch sôi động nhất thị trường, đạt hơn 28,88 triệu đơn vị.

Đứng thứ 2 về thanh khoản, ACB khớp hơn 9 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, giao dịch cũng bớt tiêu cực hơn.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,43 điểm (-0,85%), xuống 50,49 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 21,78 triệu đơn vị, giá trị 233,41 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,95 triệu đơn vị, giá trị 43,92 tỷ đồng.

Các mã dẫn đầu thanh khoản có diễn biến tích cực hơn với LPB và BSR lấy lại mốc tham chiếu, khối lượng khớp lệnh tương ứng 4,1 triệu đơn vị và 2 triệu đơn vị; VIB thu hẹp đà giảm chỉ còn 1,9% xuống 15.400 đồng/CP và khớp 2,74 triệu đơn vị, còn BVN +% lên 18.700 đồng/CP và khớp 1,29 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đảo chiều hồi phục, trong đó VN30F2003 dẫn đầu thanh khoản với 228.204 hợp đồng được sang tay, khối lượng mở 20.366 đơn vị và kết phiên +2,64% lên 712,3 điểm.

Trên thị trường chứng quyền, có 21 mã giảm, 3 mã đứng giá và 40 sắc xanh, trong đó CVPB2002 và CVRE2002 tăng kịch trần lên 2.030 đồng và 510 đồng, khớp lệnh tương ứng 1.865 đơn vị và 25.677 đơn vị.

Trong khi đó, CGMD2001 được giao dịch nhiều nhất với hơn 212.200 đơn vị khớp lệnh, tăng 50% lên 100 đồng/cq.

Tin bài liên quan