Phiên chiều 13/12: Bị bluechip ép, VN-Index ngậm ngùi quay đầu

Phiên chiều 13/12: Bị bluechip ép, VN-Index ngậm ngùi quay đầu

(ĐTCK) Sức ép đến từ cổ phiếu Vingroup, cùng VNM đã khiến thị trường đảo chiều giảm trong phiên cuối tuần 13/12.

Diễn biến thị trường trong phiên sáng không có nhiều biến động. Bên cạnh sự hấp dẫn của nhiều mã nhỏ, phần lớn các cổ phiếu bluechip tiếp tục khởi sắc đã dẫn dắt đà tăng thị trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh dòng tiền vẫn còn khá thận trọng và vắng bóng trụ cột dẫn lối khiến VN-Index biến động lình xình và từng bước nhích nhẹ trên mốc 970 điểm.

Bước sang phiên giao dịch chiều, mức điểm trên chỉ được cầm cự trong thời gian ngắn và chỉ sau chưa đầy 20 phút đã bị chọc thủng trước áp lực bán nhen nhóm xuất hiện.

Đà bán ra tiếp tục gia tăng và lan rộng hơn khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Mặc dù sau đó, VN-Index có nỗ lực hồi phục nhưng trước lực cung giá thấp cùng gánh nặng từ một số cổ phiếu lớn đã nhanh chóng bị giật lùi trở lại.

Đóng cửa, sàn HOSE có 146 mã tăng và 174 mã giảm, VN-Index giảm 1,99 điểm (-0,21%), xuống 966,18 điểm. Tổng khối lượng giao dịch nhich nhẹ so với phiên hôm qua, đạt 219,16 triệu đơn vị, giá trị 4.239,64 tỷ đồng, tăng nhẹ hơn 1,9% so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 46,62 triệu đơn vị, giá trị 1.208,65 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, một số mã lớn đã đảo chiều giảm hoặc nới rộng biên độ, đặc biệt là họ nhà Vingroup với VHM -2,3% xuống mức thấp nhất ngày 89.100 đồng/CP, tương tự VRE -3,5% xuống 33.550 đồng/CP; thêm vào đó là gánh nặng đến từ VNM -1% xuống mức giá thấp nhất 118.000 đồng/CP, HPG –1,7% xuống 23.800 đồng/CP…

Hay như MSN sau phiên thăng hoa hôm qua đã nhanh chóng đảo chiều mất điểm trước áp lực bán trong nước và khối ngoại. Kết phiên, MSN -0,9% xuống 58.000 đồng/CP và khớp 1,74 triệu đơn vị.

Trong khi đó, bộ 3 cổ phiếu ngân hàng đi ngược xu hướng chung, tiếp tục hỗ trợ giúp thị trường bớt tiêu cực hơn, cụ thể BID +2,2% lên 41.900 đồng/CP, CTG +2,2% lên 20.600 đồng/CP, VCB +1% lên 88.400 đồng/CP. Còn lại các mã khác trong ngành đều mất điểm hoặc đứng giá như HDB, STB giảm nhẹ, MBB, TCB, VPB đứng giá tham chiếu.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, HAI và AMD tăng gần sát trần, với khối lượng khớp lệnh sôi động, lần lượt đạt 11,14 triệu đơn vị và gần 9,6 triệu đơn vị; trong khi đó,  HAR, CIG, TS4, RIC, CLG, PTL cùng khoe sắc tím.

Đáng chú ý, cổ phiếu YEG có phiên thăng hoa sau chuỗi ngày dài rớt giá. Cụ thể, sau khi để mất tới gần 40% thị giá sau khoảng gần 3 tháng lao dốc, YEG đã có phiên tăng khoe sắc tím trong ngày 13/12. Kết phiên, YEG +6,9% lên mức giá trần 40.200 đồng/CP và khớp 18.240 đơn vị, dư mua trần 11.720 đơn vị.

Trên sàn HNX, giao dịch cũng diễn ra giằng có và có thời điểm HNX-Index cũng “trượt chân” xuống dưới mốc tham chiếu do lực bán gia tăng, tuy nhiên chỉ số này đã nhanh chóng hồi phục.

Đóng cửa, sàn HNX có 32 mã tăng và 29 mã giảm, HNX-Index tăng 0,23 điểm (+0,22%), lên 102,94 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 29,6 triệu đơn vị, giá trị 251,74 điểm. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 9 triệu đơn vị, giá trị 118,72 tỷ đồng.

Các mã trong nhóm HNX30 hỗ trợ giúp thị trường lấy lại sắc xanh như ACB +0,9% lên 23.200 đồng/CP, CEO +5,7% lên 9.300 đồng/CP, PVB +1,6% lên 18.500 đồng/CP, TNG +1,3% lên 15.100 đồng/CP, NTP +0,6% lên 32.700 đồng/CP…

Trong khi đó, VCG tiếp tục để mất điểm khi -0,7% xuống 26.900 đồng/CP, VCS -1% xuống 83.000 đồng/CP, DGC -1,1% xuống 27.700 đồng/CP…

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, các mã ART, KLF, PVX, KVC vẫn giữ sắc tím với giao dịch khá sôi động. Trong đó, ART đứng tại mức giá 2.600 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu, đạt 4,38 triệu đơn vị; KLF khớp gần 2,5 triệu đơn vị, PVX khớp 1,97 triệu đơn vị…

Trên UPCoM, giao dịch khá bình lặng.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,21 điểm (+0,39%), lên 55,73 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 9,27 triệu đơn vị, giá trị 115,29 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,5 triệu đơn vị, giá trị gần 75 tỷ đồng.

Các cổ phiếu lớn vẫn tăng khá tốt như BSR +1,1% lên 8.800 đồng/CP, VEA+3,1% lên 49.600 đồng/CP, ACV +0,4% lên 75.100 đồng/CP, GVR +1,6% lên 12.500 đồng/CP, LPB, OIL, VGT… Trong đó, BSR vẫn đứng thứ 2 về thanh khoản sau cổ phiếu nhỏ KSH (khớp 1,75 triệu đơn vị), với khối lượng giao dịch đạt hơn 1 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh cũng chìm trong sắc đỏ khi cả 4 hợp đồng đều giảm, với VN30F1912 giảm 0,4% xuống 881,5 điểm, với khối lượng giao dịch vẫn cao nhất với hơn 68.484 hợp đồng được sang tay, khối lượng mở hơn 17.857 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế với tổng cộng 32 mã giảm, chỉ còn 5 mã tăng và duy nhất 1 mã đứng giá, trong đó, CHPG1905 giảm 12% xuống 1.320 đồng/CQ và thanh khoản tốt nhất với gần 0,39 triệu đơn vị khớp lệnh.

Tin bài liên quan