Phiên chiều 12/11: VNM “ngáng chân”, thị trường vẫn tăng điểm

Phiên chiều 12/11: VNM “ngáng chân”, thị trường vẫn tăng điểm

(ĐTCK) Mặc dù đà tăng thu hẹp đáng kể, thậm chí có thời điểm bị đẩy lùi về dưới mốc tham chiếu do áp lực bán gia tăng mạnh, nhưng lực cầu khá tốt đã giúp thị trường kết phiên trong sắc xanh.

Sau khi loay hoay thử thách mốc 1.025 điểm nhưng bất thành, thị trường đã quay đầu điều chỉnh trước sức ép đến từ các cổ phiếu lớn. Chỉ số VN-Index liên tục điều chỉnh và qua 3 phiên giảm đà lùi về sát mốc 1.015 điểm khi kết phiên hôm qua (11/11).

Trong phiên giao dịch sáng nay, dù có chút thận trọng trong nửa đầu phiên khiến thị trường tiếp diễn trạng thái rung lắc, nhưng trong nửa sau, sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu bluechip đã tiếp sức kéo VN-Index lên mức cao nhất, dành lại ngưỡng 1.020 điểm.

Bước sang phiên giao dịch chiều, sau những phút đầu phiên nhích bước, áp lực bán chốt lời gia tăng đã khiến VN-Index cắm đầu đi xuống, thậm chí lùi về dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên, các cổ phiếu bluechip vẫn là điểm tựa tốt giúp thị trường may mắn lấy lại sắc xanh.

Đóng cửa, sàn HOSE có 185 mã tăng và 150 mã giảm, VN-Index tăng 1,58 điểm (+0,16%), lên 1.018,33 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 223,16 triệu đơn vị, giá trị 4.569,94 tỷ đồng, tăng hơn 6% về khối lượng nhưng giảm nhẹ 1,54% về giá trị so với phiên đầu tuần (11/11). Giao dịch thỏa thuận đóng góp 42,18 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.085 tỷ đồng.

Nhóm Vn30 có 14 mã tăng và 12 mã giảm. Trong đó, các mã hỗ trợ chính giúp thị trường đảo chiều hồi phục sắc xanh như BID tăng 1,9% lên 42.100 đồng/CP, GAS tăng 0,7% lên 104.300 đồng/CP, MSN tăng 0,7% lên 74.500 đồng/CP, VCB tăng 0,4% lên 91.700 đồng/CP, VIC tăng 0,4% lên 119.400 đồng/CP…

Bên cạnh đó, các bluechip khác như FPT, MWG, VJC, BVH, PLX… cũng tăng nhẹ trên dưới 1%.

Trái lại, trụ cột VNM chịu tác động lớn từ cung nội và cung ngoại, trong đó khối ngoại bán ròng mạnh nhất tới gần 175 tỷ đồng đã đảo chiều giảm 1,4% và kết phiên tại mức giá 127.500 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường là hàng loạt mã vừa và nhỏ được kéo lên trần và bảo toàn sắc tím đến hết phiên như HAI, HSG, TSC, HVG, HCD, CLG… Trong đó, HSG có thanh khoản vượt trội lên tới gần 10,45 triệu đơn vị, chỉ đứng sau vua thanh khoản ROS khớp 27,49 triệu đơn vị.

Trong khi đó, HQC, SCR, ITA, DXG… đóng cửa trong sắc đỏ.

Trên sàn HNX, giao dịch khá giằng co vẫn tiếp diễn trong hơn nửa phiên chiều nhưng chỉ số HNX-Index cũng lấy lại sắc xanh ở cuối phiên.

Đóng cửa, sàn HNX có 42 mã tăng và 38 mã giảm, HNX-Index tăng 0,2 điểm (-0,19%), lên 106,96 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 20 triệu đơn vị, giá trị hơn 211 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,81 triệu đơn vị, giá trị 69,71 tỷ đồng.

Một số mã bluechip giao dịch khởi sắc như VCG tăng 0,7% lên 27.300 đồng/CP, VCS tăng 0,7% lên 87.800 đồng/CP, PVI, SHS, CEO…

Trong đó, HUT dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 5,13 triệu đơn vị được khớp lệnh và đóng cửa tại mức giá 2.700 đồng/CP, tăng 3,85%.

Tiếp theo đó, các mã PVS, ACB và SHB có khối lượng khớp 1-1,5 triệu đơn vị và đều đóng cửa tại mốc tham chiếu.

Trên UPCoM, giao dịch cũng diễn ra khá giằng co.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,08 điểm (+0,15%), lên 56,8 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 9,6 triệu đơn vị, giá trị 127,33 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,96 triệu đơn vị, giá trị 237,5 tỷ đồng.

Cặp đôi LPB và BSR là điểm sáng của thị trường. Kết phiên, LPB tăng 5,2% lên 8.100 đồng/CP và khớp lệnh hơn 2,33 triệu đơn vị, còn BSR tăng 2% lên 10.100 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công gần 2,17 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng, trong đó VN30F1911 vẫn được giao dịch mạnh tay nhất với gần 53.720 hợp đồng được sang tay, và tăng 3,94% lên 942,9 điểm.

Trên thị trường chứng quyền, sự phân hóa mạnh diễn ra với 17 mã tăng, 22 mã giảm và 2 mã đứng giá. Trong đó, CVRE1901 vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với 220.916 đơn vị, và kết phiên tại mức giá sàn 10 đồng/CQ; tiếp đó là CVIC1901 với 84.470 đơn vị khớp lệnh.

Tin bài liên quan