Phiên chiều 11/1: Giữ nhịp tăng

Phiên chiều 11/1: Giữ nhịp tăng

(ĐTCK) Dù nhóm ngân hàng đuối sức, nhưng với sự trợ giúp của cặp đôi VNM và VHM, VN-Index duy trì đà tăng phiên thứ 3 liên tiếp khi chốt phiên cuối tuần.

Diễn biến thị trường trong những phiên gần đây khá giống nhau. Bất chấp dòng tiền khá ít, một số mã lớn vẫn làm trụ chính dẫn dắt đà tăng điểm. Dù VN-Index không bật cao trong mỗi phiên nhưng đã từng bước vượt qua các ngưỡng cản tâm lý.

Trong phiên sáng cuối tuần ngày 11/1, chỉ số VN-Index tiếp tục được kéo lên mốc 900 điểm. Dù có chút rung lắc trong phiên sáng nhưng sự hỗ trợ khá tích cực của VNM, cùng một số mã bluechip khác như VHM, GAS, MSN… đã giúp ngưỡng tâm lý này được bảo toàn vững chắc.

Bước sang phiên giao dịch chiều, dù tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng và giao dịch dè dặt nhưng cầu giá thấp được tiết chế cùng áp lực bán không quá lớn khiến thị trường duy trì đà tăng khá tốt, chỉ số VN-Index tiến sát mốc 905 điểm.

Tuy nhiên, sự đuối sức của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã khiến VN-Index chưa thể chinh phục được ngưỡng kháng cự này, thậm chí có lúc bị đẩy về mốc 900 điểm.

Đóng cửa, sàn HOSE có 156 mã tăng và 117 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 4,41 điểm (+0,49%) lên 902,71 điểm. Tổng khối lượng giao dịch xấp xỉ phiên trước, đạt 131,41 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 2.841,73 tỷ đồng, tăng 6,88% so với phiên trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 23,63 triệu đơn vị, giá trị 661,24 tỷ đồng.

Tâm điểm dẫn dắt thị trường vẫn là cặp đôi lớn VNM và VHM. Trong đó, VNM tăng 1,7% và đóng cửa tại mức giá cao nhất ngày 134.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh khá sôi động gần 1 triệu đơn vị; tương tự VHM cũng được kéo lên mức giá cao nhất ngày với mức tăng 2,7% và đóng cửa tại mức giá 76.600 đồng/CP.

Như đã nói ở trên, nhóm cổ phiếu ngân hàng có phần kém khởi sắc hơn so với những phiên trước. Trong đó VCB chỉ còn tăng nhẹ 0,36% lên 55.200 đồng/Cp, trong khi đó CTG, MBB, VPB quay đầu giảm, BID giảm 1,8% xuống 31.900 đồng/CP.

Trong khi đó, HDB dù có chút rung lắc nhưng kết phiên vẫn duy trì sắc xanh với mức tăng 0,7%, đóng cửa tại mức giá 29.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 2,23 triệu đơn vị. Tính trong hơn 1 tuần qua, HDB đã tăng hơn 3,7% từ mức giá 28.150 đồng/CP (giá đóng cửa phiên 3/1) lên mức 29.200 đồng/CP.

Theo nhận định của BSC, cổ phiếu HDB xác lập ngưỡng đáy tại vùng giá 28 sau giai đoạn điều chỉnh dài hạn từ đầu năm. Thanh khoản cổ phiếu hiện tại đang ở mức cao so với trung bình 20 phiên, dấu hiệu khởi đầu của tín hiệu hồi phục.

Bên cạnh đó, chỉ báo RSI báo hiệu tín hiệu đi ngang trong khi chỉ báo MACD ủng hộ xu hướng hồi phục. Vận đông của 3 đường MA cho thấy cổ phiếu có dấu hiệu ban đầu của xu hướng hồi phục ngắn hạn.

Qua đó, BSC cho rằng, cổ phiếu HDB sẽ vận động trở lại ngưỡng kháng cự 35 trong các phiên giao dịch tới. Nếu thanh khoản duy tri ở mức trên trung bình, cổ phiếu sẽ hồi phục trở lại ngưỡng 39.5.

Trái lại, GAS diễn biến rung lắc và đã quay đầu điều chỉnh sau 4 phiên tăng khá tốt liên tiếp, với mức giảm 0,3% xuống 91.000 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cặp đôi FLC và HAG giao dịch khá tốt. Kết phiên FLC tăng 2,3% lên 5.320 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu sàn HOSE đạt 6,95 triệu đơn vị; còn HAG tăng 4,53% lên 5.080 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đứng thứ 2 thị trường, đạt 4,9 triệu đơn vị.

Ngoài ra, các mã KBC, ITA, DIG, SCR… cũng đều giao dịch trên mốc tham chiếu.

Trên sàn HNX, diễn biến khá giống sàn HOSE. Áp lực bán bất ngờ gia tăng sau hơn 1 giờ giao dịch khiến HNX-Index đã quay đầu đi xuống và thủng mốc tham chiếu, tuy nhiên chỉ số này đã may mắn thoát hiểm về cuối phiên.

Đóng cửa, HNX-Index tăng nhẹ 0,09 điểm (+0,09%) lên 101,87 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt xấp xỉ phiên trước 22,98 triệu đơn vị, giá trị 272,49 tỷ đồng, giảm 7% so với phiên trước. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,64 triệu đơn vị, giá trị 73,9 tỷ đồng.

Trong nhóm cổ phiếu lớn, bên cạnh ACB và SHB quay lại mốc tham chiếu, một số mã khác như PVS, VGC đã không còn giữ được thăng bằng và quay đầu điều chỉnh.

Trái lại, NTP tăng nhẹ 0,5% lên 44.000 đồng/CP sau diễn biến đi ngang trong phiên sáng, ngoài ra PGS, MBS, DBC, DGC, PVB cũng giao dịch trong sắc xanh, hỗ trợ cho sự hồi phục của thị trường.

Cổ phiếu ART vẫn dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với hơn 3,8 triệu đơn vị được khớp lệnh và đóng cửa duy trì mức tăng 4,35% lên 2.400 đồng. Tiếp đó là VCG và SHB với khối lượng khớp lệnh lần lượt 2,86 triệu đơn vị và 2,3 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sau nhịp rung lắc ở phiên sáng, thị trường đã duy trì đà tăng trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,16 điểm (+0,3%) lên 53,18 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 7,65 triệu đơn vị, giá trị 144,56 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 4,95 triệu đơn vị, giá trị 87,87 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn là tâm điểm đáng chú ý của thị trường với mức tăng 1,48% và kết phiên tại 13.700 đồng/CP với khối lượng giao dịch lớn nhất đạt 2,35 triệu đơn vị.

Một trong những mã lớn sắp chia tay thị trường UPCoM để chuyển sang niêm yết trên sàn HOSE là HVN sau 4 phiên tăng liên tiếp, đã đứng giá tham chiếu 37.000 đồng/CP trong phiên cuối tuần.

Tin bài liên quan