Phiên 24/9: Khoáng sản và vận tải biển tạo sóng

(ĐTCK) Mặc dòng tiền vào thị trường đã sôi động hơn nhưng không thể thoát khỏi kịch bản cũ, lực bán tăng mạnh trong đợt ATC kéo các chỉ số giảm điểm mạnh. Điểm tích cực trong phiên chính là tín hiệu tích cực le lói đến từ nhóm khoáng sản và vận tải biển.
Phiên 24/9: Khoáng sản và vận tải biển tạo sóng

Bỏ qua những nhận định không mấy tích cực về thị trường, nhà đầu tư bước vào phiên giao dịch chiều 24/9 sôi động hơn, dòng tiền vào thị trường tăng đáng kể. Tuy nhiên, đúng như lo ngại của giới đầu tư về những “cú đạp” thị trường vào cuối phiên giao dịch. Lệnh bán ồ ạt tung ra trong đợt khớp lệnh ATC khiến mọi nỗ lực giữ mốc tham chiếu tan biến.

Trong khi VN-Index giảm sâu do lực cản từ cặp đôi cổ phiếu lớn là GAS và VNM thì HNX-Index cũng đảo chiều trở lại trong sắc đỏ do đà giảm mạnh của nhóm cổ phiếu dầu khí.

Đóng cửa, VN-Index giảm 6,8 điểm (-1,11%) xuống 603,59 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 132,7 triệu đơn vị, trị giá 2.876,1 tỷ đồng. HNX-Index giảm nhẹ 0,04 điểm (-0,05%) xuống 87,71 điểm với tổng khối lượng gần 67,9 triệu đơn vị, trị giá 1.063,82 tỷ đồng.

Giao dịch thỏa thuận trên sàn HOSE có đóng góp tích cực với khối lượng 19,93 triệu đơn vị, trị giá 728,63 tỷ đồng. Trong đó, MSN thỏa thuận 3,82 triệu đơn vị, trị giá hơn 300 tỷ đồng; SBT thỏa thuận 4,3 triệu đơn vị, trị giá 54,18 tỷ đồng và các cổ phiếu HAG, SVC và TMT cùng thỏa thuận trên 1 triệu đơn vị. Còn trên HNX đã thỏa huận 4,16 triệu đơn vị, trị giá 89,72 tỷ đồng.

Mặc dù trên sàn HOSE, sắc xanh vẫn chiếm ưu thế hơn với 113 mã tăng, 95 mã giảm và 70 mã đứng giá nhưng với đà giảm của GAS cùng các cổ phiếu bluechip khiến VN-Index tiếp tục giảm sâu trong phiên chiều.

Đóng cửa, VN30-Index giảm 3,17 điểm (-0,48%) xuống 655,14 điểm với 12 mã tăng, 15 mã giảm và 3 mã đứng giá. Trong đó, các cổ phiếu giảm điểm mạnh gồm VNM giảm 2.000 đồng (-1,85%), BVH giảm 1.200 đồng (-2,93%), PPC giảm 1.300 đồng (-5%), PVD giảm 1.000 đồng (-1%), SSI giảm 900 đồng (-3,08%)…

Cổ phiếu GAS vẫn đóng vai trò chính trong việc cản trở sự phục hồi của VN-Index. Đóng cửa, GAS giảm tới 4.000 đồng (-3,67%) xuống 105.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh gần 900.000 đơn vị.

Hai cổ phiếu đáng chú ý sang nay là JVC và HAI vẫn duy trì được sắc tím. Trong khi HAI khớp hơn nửa triệu đơn vị thì JVC cũng đã chuyển nhượng thành công 1,15 triệu đơn vị.

Bên cạnh nhóm cổ phiếu khoáng sản vẫn duy trì đà tăng, phiên giao dịch chiều còn đón nhận thêm sóng từ nhóm cổ phiếu vận tải.

Trong nhóm khoáng sản, KSB và KTB không giữ được sắc xanh nhạt và trở về mốc tham chiếu, tuy nhiên, KSH đã cũng KSA tăng kịch trần. Dòng tiền chảy vào nhóm cổ phiếu này cũng duy trì khá tốt khi KSA khớp 2,33 triệu đơn vị, KSS và KSH cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Nhóm vận tải biển với VST, VIS, VNL lần lượt tìm tới sắc tím tỏng khi VIP gần chạm trần với mức tăng 600 đồng/CP. Giao dịch của nhóm cổ phiếu này cũng khá sôi động với VIS khớp hơn 2 triệu đơn vị, còn VIP cũng khớp hơn 1,48 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, nhóm cổ phiếu dầu khí với đà giảm mạnh của PVB giảm 5.000 đồng (-7,81%), PVC giảm 2.000 đồng (-5,45%), PGS giảm 1.000 đồng (-2,76%)… trong khi PVS chỉ còn tăng nhẹ trên mốc tham chiếu một bước giá khiến đà tăng của thị trường bị hãm.

Trong khi đó, các cổ phiếu bluechip cũng không còn giữ nhiệt như phiên sáng. Hầu hết các cổ phiếu giữ sắc xanh cũng chỉ còn tăng nhẹ 100-300 đồng/CP.

Cổ phiếu PVX vẫn duy trì đà tăng nhẹ 100 đồng lên 6.300 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 8,28 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn.

Với 8 phiên giảm điểm liên tiếp, đồ thị kỹ thuật của VN-Index đã rơi sâu vào vùng quá bán tạo cơ hội cho những nhà đầu tư lướt sóng hồi, tuy nhiên, đây có thể là chỉ báo "ảo" bởi chỉ số này bị phụ thuộc quá lớn vào GAS. Việc dòng tiền tiếp tục co thắt theo hướng thanh khoản giảm dần mới là chỉ báo xấu nhất, và nếu xu hướng này tiếp diễn thì thị trường hoàn toàn có thể giảm sâu hơn nữa.

Tin bài liên quan