Phiên 23/10: Chuyện gì đang xảy ra với OGC?

(ĐTCK) Áp lực đẩy bán tăng mạnh xuất phát từ OGC đã lan sang các mã khác và khiến VN-Index rơi xuống dưới ngưỡng kháng cự 595 điểm.
Phiên 23/10: Chuyện gì đang xảy ra với OGC?

Thị trường không đón nhận thêm thông tin tiêu cực nào, trong khi các tin tức vĩ mô khá tốt, cùng với thị trường chứng khoán thế giới đang tăng mạnh. Tuy nhiên, diễn biến phiên giao dịch chiều 23/10 không mấy sáng sủa.

Các cổ phiếu đua nhau giảm điểm, sắc đỏ bao phủ hầu hết bảng điện tử khiến VN-Index rớt sâu xuống dưới mốc 595 điểm và HNX-Index cũng chia tay mốc 88 điểm.

Đóng cửa, trên sàn HOSE có tới 178 mã giảm điểm, gấp hơn 3 lần so với con số 52 mã tăng, trong khi trên HNX cũng có tới 137 mã giảm và 70 mã tăng.

Chỉ số VN-Index giảm 8,06 điểm (-1,34%) xuống 593,53 điểm. Thanh khoản thị trường tăng đáng kể nhờ lực bắt đáy tăng với hơn 151 triệu đơn vị được chuyển nhượng và tổng giá trị tương ứng 2.721,71 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt hơn 7 triệu đơn vị, trị giá 285,47 tỷ đồng.

HNX-Index giảm 1,2 điểm (-1,35%) xuống 87,31 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 63,9 triệu đơn vị và tổng giá trị tương ứng 862,23 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch đóng góp không đáng kể với gần 8 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu bluechip là lực hãm chính của thị trường. Trong khi VN30-Index giảm 7,01% (-1,1%) xuống 630,84 điểm với 5 mã đứng giá, chỉ 2 mã tăng và có tới 23 mã giảm thì HNX30-Index giảm 3,06 điểm (-1,73%) xuống 174,21 điểm với 20 mã giảm, chỉ 5 mã tăng và 5 mã đứng giá.

Nguồn cơn khiến thị trường giảm mạnh trong phiên chiều nay bắt nguồn từ OGC. Không hiểu vì lý do gì, lực bán tới tấp ở mức giá sàn tới hàng triệu đơn được tung ra khiến OGC bị kéo xuống mức giá sàn với tổng lượng khớp lên tới 24 triệu đơn vị và còn dư bán giá sàn.

Từ lực bán tháo ở OGC đã tác động không tốt tới tâm lý thị trường. Nhiều nhà đầu tư cũng bắt đầu xuống lệnh thoát hàng ở nhiều mã khác, kéo hàng trăm mã trên 2 sàn chìm trong sắc đỏ.

Phiên 23/10: Chuyện gì đang xảy ra với OGC? ảnh 1

 OGC có phiên khớp lệnh kỷ lục do lực bán tháo diễn ra mạnh mẽ (Nguồn: HOSE)

Trong nhóm bluechip, ngoài OGC, sắc đỏ cũng bao trùm gần như toàn bộ số mã còn lại, ngoại trừ DPM.

Trong đó, GAS tiếp tục giảm 3.000 đồng, VIC giảm 700 đồng, VCB giảm 200 đồng, BVH, FPT, HPG, HAG... cũng có mức giảm khá mạnh, trong khi MSN và VNM giữ được tham chiếu. Nếu 2 mã này cũng giảm giá, nhiều khả năng số điểm mất của VN-Index còn lớn hơn.

Ở chiều ngược lại, DPM lại có mức tăng 900 đồng, lên 30.700 đồng với hơn 1,2 triệu đơn vị được khớp. Cùng với DPM, FLC cũng khá ấn tượng khi có bước đo lội ngược dòng. Đóng cửa, FLC tăng 200 đồng lên 11.400 đồng với thanh khoản khá tích cực đạt 12,18 triệu đơn vị.

FLC vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với tổng lợi nhuận đạt gần 300 tỷ đồng, hoàn thành 85% kế hoạch cả năm và gấp gần 5 lần cùng kỳ năm ngoái. Lãnh đạo Công ty cũng cho biết, trong quý IV, FLC có thể ghi nhận kết quả kinh doanh đột biến do đây là thời điểm Tập đoàn mở bán nhiều sản phẩm bất động sản của nhiều dự án tại Hà Nội và các tỉnh.

Phiên giao dịch hôm nay cũng chứng kiến áp lực chốt lời mạnh VHG sau 1 tháng tăng mạnh của mã này. Có những lúc, VHG giảm xuống mức giá sàn và may mắn thoát khỏi sắc xanh mắt mèo do lực cầu bắt đáy gia tăng trong đợt ATC. Đóng cửa, VHG giảm 1.100 đồng xuống 16.100 đồng/Cp với khối lượng khớp 9,43 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, nhóm cổ phiếu bluechip là lực hãm chính của thị trường. Hầu hết các cổ phiếu có vốn hóa lớn đều giảm điểm khá mạnh như PVS giảm 1.200 đồng, PVC giảm 1.000 đồng, VCG giảm 500 đồng, SHB và SCR cùng giảm 200 đồng…

Cổ phiếu PVX cũng chịu áp lực bán tăng mạnh khiến mốc tham chiếu cũng không còn được duy trì. Đóng cửa, PVX giảm 200 đồng xuống 5.900 đồng/Cp với thanh khoản đạt hơn 7,89 triệu đơn vị.

Dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX là KLF với hơn 12 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công. Đóng cửa, KLF giảm nhẹ 100 đồng xuống 11.800 đồng/CP.

Tin bài liên quan