Việc giảm sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới cho thấy quá trình phục hồi vẫn còn rất khó khăn. (Ảnh minh họa: Internet)

Việc giảm sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới cho thấy quá trình phục hồi vẫn còn rất khó khăn. (Ảnh minh họa: Internet)

Phía trước không là con đường thẳng

(ĐTCK) Sau một năm 2012 đầy khó khăn, nền kinh tế Việt Nam đã khởi đầu trên nền tảng tốt đẹp hơn với việc Chính phủ đã phê duyệt đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2013 - 2020 thể hiện một quyết tâm cải tổ, nhưng từ chính sách thể hiện hiệu quả ra cuộc sống vẫn là con đường gập ghềnh.

Báo cáo phân tích tình hình kinh tế Việt Nam 2 tháng đầu năm 2013 của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia nhận định, sản xuất công nghiệp có dấu hiệu cải thiện, xuất khẩu tăng khá, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng… Tuy nhiên, tổng cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu đối với tất cả các thành phần. Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu cải thiện nhưng chưa chắc chắn, với chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân 2 tháng đầu năm 2013 tăng 6,8% so cùng kỳ, cao hơn mức 3,9% của 2 tháng đầu năm 2012, nhưng vẫn thấp hơn nhiều mức 10,3% của 2 tháng đầu năm 2011. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ chỉ tăng 10,9 % so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 3,6%), so với mức tăng (đã loại trừ yếu tố giá) 4,4% của 2 tháng đầu năm 2012. Dư nợ tín dụng tính đến 19/2 giảm 0,16% (tương đương với mức giảm khoảng 18 - 20.000 tỷ đồng vốn tín dụng ngân hàng so với cuối năm 2012). Trong khi đó, tốc độ giải ngân vốn đầu tư phát triển từ NSNN còn khá chậm, ước đạt khoảng 20.000 tỷ đồng, tương đương 10,5% kế hoạch năm, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2012, Vốn đầu tư FDI thực hiện trong tháng 2 tháng đầu năm ước đạt 1.050 triệu USD, tăng khoảng 5% so với cùng kỳ.

Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam ) phối hợp với Công ty Markit Economics cũng vừa công bố Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 2/2013. Theo đó, PMI của Việt Nam trong tháng 2 giảm từ mức 50,1 điểm xuống còn 48,3 điểm. Đây là tháng thứ 2 trong 3 tháng qua, chỉ số PMI dưới mức 50 điểm - báo hiệu có sự giảm sút. Ngoài ra, mức giảm 1,8 điểm trong tháng 2 cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2012.

Phía trước không là con đường thẳng ảnh 1

Trinh Nguyen, chuyên viên kinh tế - Ngân hàng HSBC nhận định: “Việc giảm sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới cho thấy quá trình phục hồi vẫn còn rất khó khăn. Trong khi Tết Nguyên đán được coi là một phần nguyên nhân thì quá trình giảm vay nợ đang diễn ra tiếp tục làm suy yếu nhu cầu nội địa. Mặc dù tốc độ suy giảm nhu cầu ở nước ngoài chậm lại cho thấy điều tồi tệ nhất có thể đã qua, nhưng hiện tượng việc làm suy giảm lại cho thấy thị trường trong nước tiếp tục suy yếu”.

Cũng đưa ra dự báo về những khó khăn của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, “Dự báo quý các thị trường tăng trưởng nhanh” của Ernst & Young vừa công bố nhận định, sự tăng trưởng chậm của nền kinh tế Mỹ vẫn là một yếu tố rủi ro cho việc phát triển mở rộng. Tốc độ tăng trưởng GDP tại Việt Nam vẫn sẽ còn khá khiêm tốn trong năm nay.

“Việc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng trung hạn 7,5% càng trở nên khó khăn hơn do hoạt động tái cấu trúc ngân hàng. Mặc dù động thái này sẽ góp phần củng cố hệ thống trong dài hạn, nhưng lại hạn chế tăng trưởng tín dụng tại thời điểm này”, Báo cáo của Ernst & Young nhận định. 

Điểm mở là khi các thị trường xuất khẩu phục hồi, xu hướng tăng trưởng gần 7% có thể quay trở lại vào năm 2014 nếu các ngân hàng được ổn định và dự thảo các thay đổi trong chính sách thu hút FDI được ban hành. Tuy nhiên, chiến lược thay thế nhập khẩu vẫn chưa thể giải quyết được thâm hụt mậu dịch, mặc dù sức mua đã có những biến chuyển rõ rệt do tỷ lệ lạm phát giảm.

“Nhằm tạo lập khuôn khổ kinh tế vĩ mô ổn định cho Việt Nam trong trung hạn, mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm 2013 cần được đặt lên hàng đầu, nhưng cùng với đó cũng cần cân bằng mục tiêu ổn định vĩ mô với hồi phục tăng trưởng kinh tế trong năm bản lề 2013 của kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm giai đoạn 2011 - 2015”, một lãnh đạo cao cấp của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nói.