Phát triển bền vững thời cơ 4.0

Phát triển bền vững thời cơ 4.0

(ĐTCK) Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, PGS. TS Nguyễn Văn Nam cho biết, trong chuyến công tác Nhật Bản cách đây 25 năm, ông rất bất ngờ khi người Nhật chia sẻ, công nghệ tin học đầu tiên được phát triển tại Nhật Bản những năm 70 là từ một… Việt kiều. 

Ông vẫn nhớ nguyên cái cảm giác được nhận sự quý trọng của người Nhật khi họ tin rằng, người Việt Nam thông minh và sáng tạo, có đủ sức tạo nên những thay đổi có giá trị bằng trí tuệ của chính mình.

Dẫn câu chuyện trên tại Hội thảo khoa học “Tăng trưởng xanh và Phát triển bền vững: Thời cơ và thách thức đối với Việt Nam” sáng 8/11, TS. Nguyễn Văn Nam cho rằng, tập trung phát triển con người, phát triển công nghệ là con đường khả thi nhất cho Việt Nam lúc này.

Ðừng nghĩ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là câu chuyện xa xôi, là của các nhà lý luận nữa, mà đây là vấn đề cấp bách với toàn xã hội khi thiên tai, lũ lụt ngày càng nặng nề, nền kinh tế đang và sẽ còn phải trả giá rất đắt từ tăng trưởng cao dựa vào khai thác, thậm chí là tàn sát môi trường sống.

Ở vị thế là quốc gia có thu nhập trung bình (GDP/người mới trên 2.000 USD/năm), thách thức tụt hậu đang ngày càng rõ. Ðể không tụt hậu, ông Nam cho rằng, con đường khả thi là thúc đẩy năng lực sáng tạo công nghệ. Việt Nam có cơ hội là vì Internet đã kết nối tri thức toàn cầu và giáo dục đang mang đến cơ hội học tập không biên giới.

Trên thế giới, các nước ngày càng quan tâm đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, bởi một thực tế: Sau hơn 200 năm kể từ khi con người sáng chế ra máy hơi nước, môi trường sống trở nên ô nhiễm nặng nề và ngày càng bị đe đọa bởi những hiểm họa khó lường.

TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho biết, để ứng phó với rủi ro thiên tai, nhiều quốc gia đã thống nhất nội dung về Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Tại Việt Nam, tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyêt Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030.

Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành địa phương phải cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu và lộ trình thực hiện. Theo dự kiến, tháng 7/2018, Việt Nam sẽ công bố báo cáo tự nguyện thực hiện Chương trình Nghị sự 2035.

Dù vậy, từ nay đến tháng 7/2018, câu chuyện xác lập nên tiêu chí cụ thể và chọn con đường nào để thực thi, là câu hỏi lớn của Việt Nam.

Về phía doanh nghiệp, dù là một trong 3 chủ thể chính (Chính phủ, doanh nghiệp và xã hội dân sự) thực thi phát triển bền vững, nhưng thực tế, khái niệm này còn rất mới mẻ với DN Việt Nam.

Năm 2016, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam bước đầu xây bộ tiêu chí đánh giá (151 tiêu chí) và vinh danh một số DN tuân thủ, nhưng sự vinh danh sẽ không đủ sức tạo nên hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp nếu thiếu 2 yếu tố cơ bản: ưu tiên ngành nghề, lĩnh vực tiên phong và sự giám sát, chế tài với các chủ thể đi ngược nỗ lực phát triển bền vững này.

Trong khoảng trống mênh mông (về nhận thức, ý thức, tiêu chí, luật pháp, giám sát, chế tài…) hướng nền kinh tế đến tăng trưởng mà không làm tổn hại đến môi trường, lựa chọn phát triển công nghệ là một loại ý tưởng.

Tuy nhiên, khối DN công nghệ Việt Nam còn rất mỏng. Bên cạnh một vài DN như FPT, CMT, ELC, CMG…, còn có những chủ thể nào có khả năng tạo nên sự thay đổi thời đại 4.0, hay còn con đường nào khả thi khác, giải bài toán tăng trưởng xanh và bền vững cho nền kinh tế?

Câu hỏi này không của riêng các nhà khoa học, bởi thực tế chúng ta đang sống trong cùng một “mái nhà” môi trường và chịu chung những ảnh hưởng từ thiên tai.

Tin bài liên quan