Phát triển bền vững: Những câu chuyện thú vị từ thực tế doanh nghiệp

Phát triển bền vững: Những câu chuyện thú vị từ thực tế doanh nghiệp

(ĐTCK) Ông Nguyễn Viết Thịnh, Trưởng nhóm đánh giá chuyên môn về Báo cáo Phát triển bền vững, Hội viên Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA), Trưởng Ban Kiểm soát Red Sun, đã tư vấn phát triển bền vững cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam. 

Dưới đây là những vướng mắc thường gặp tại các doanh nghiệp khi thực hiện phát triển bền vững được ông Thịnh tổng hợp trong quá trình tư vấn về phát triển bền vững.

Những vướng mắc mà doanh nghiệp thường gặp phải

Hiểu đúng thế là báo cáo phát triển bền vững: Nhiều doanh nghiệp chỉ hiểu phát triển bền vững (PTBV) là việc ngoài việc làm ra lợi nhuận thì doanh nghiệp có nghĩa vụ trả cổ tức cho cổ đông, đóng thuế cho nhà nước và chia sẻ một phần lợi nhuận của mình lại cho cộng đồng thông qua các hình thức như: trao học bổng, xây nhà tình nghĩa và các hoạt động thiện nguyện khác. Các nội dung này đúng là thuộc phạm trù của PTBV, nhưng chỉ là một góc nhỏ của PTBV.

Không đủ nguồn lực: Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường có tâm lý e ngại phải bỏ thêm nguồn lực (nhân sự, thời gian, tiền bạc) để lập báo cáo PTBV.

Không có hệ thống thông tin: Nhiều công ty sử dụng phương pháp luận lập báo cáo PTBV của GRI theo đó đã xác định được các vấn đề trọng yếu của công ty để báo cáo. Tuy nhiên, do không chuẩn bị từ trước nên công ty không có đủ số liệu để báo cáo các chỉ số theo như yêu cầu của GRI.

Hiểu đúng về cách thức lập báo cáo PTBV: Nhiều doanh nghiệp muốn lập báo cáo PTBV và có tham khảo các hướng dẫn của GRI. Tuy nhiên, khi áp dụng thì chưa được chuẩn xác, đặc biệt là việc xác định các bên liên quan, xác định các lĩnh vực trọng yếu cần được báo cáo.

Phát triển bền vững: Những câu chuyện thú vị từ thực tế doanh nghiệp ảnh 1

 Ông Nguyễn Viết Thịnh

Báo cáo cái gì? Một số doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực mà các bên liên quan khá nhạy cảm đối với các thông tin được đưa ra. Do đó, các doanh nghiệp lúng túng trong việc công bố thông tin gì để vừa đảm bảo mục đích minh bạch, vừa đảm bảo các thông tin đó không gây ra bất lợi với công ty.

Những cách hiểu sai của Doanh nghiệp về PTBV

Tương tự như ý trên, nhiều doanh nghiệp chỉ hiểu PTBV là việc ngoài việc làm ra lợi nhuận thì doanh nghiệp có nghĩa vụ trả cổ tức cho cổ đông, đóng thuế cho nhà nước và chia sẻ một phần lợi nhuận của mình lại cho cộng đồng thông qua các hình thức như: trao học bổng, xây nhà tình nghĩa và các hoạt động thiện nguyện khác. Các nội dung này đúng là thuộc phạm trù của PTBV, nhưng chỉ là một góc nhỏ của PTBV.

Một số doanh nghiệp có xu hướng đưa ra tất cả những vấn đề về môi trường và xã hội mà mình đang làm vào một báo cáo PTBV. Mặc dù đây cũng là một cách thể hiện nhưng nó làm cho báo cáo PTBV rất dài và không có trọng tâm. Ngoài ra, nó cũng không thể hiện được các tư duy chiến lược của công ty liên quan đến PTBV. Các công ty nên chỉ tập trung báo cáo các vấn đề trọng yếu của công ty.

Báo cáo chỉ là báo cáo! Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của báo cáo PTBV. Họ cho rằng, báo cáo chỉ là báo cáo. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thực sự quan tâm đến báo cáo PTBV có thể thông qua hoạt động lập báo cáo để có thể nhìn nhận lại chính mình và tạo ra các cơ hội để cải thiện.

Những quyết tâm, cầu tiến ở Doanh nghiệp thực hiện Báo cáo PTBV tốt - đến nay, kết quả của họ đạt được ra sao?

Để có thể đánh giá được kết quả của việc thực hành báo cáo PTBV có lẽ sẽ cần một đánh giá tổng quan hơn trên nhiều khía cạnh.

Tuy nhiên, ở góc độ tích cực, chúng ta có thể thấy, việc lập báo cáo PTBV không chỉ được ghi nhận ở Việt Nam, mà còn ở trong khu vực.

Gần đây nhất, Tập đoàn Bảo Việt đã nhận giải đặc biệt Báo cáo PTBV tốt nhất châu Á 2016 do Tổ chức CSRWorks International trao tặng.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã là một trong các quốc gia được Tổ chức Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu (GRI) lựa chọn để tiến hành giới thiệu bộ chuẩn mực báo cáo phát triển bền vừng GRI lần đầu vào tháng 5/2017. Các chuẩn mực này đã được GRI dịch ra tiếng Việt.

Các tín hiệu trên cho thấy, thị trường chứng khoán nói chung và các doanh nghiệp nói riêng đang đi đúng hướng trong việc minh bạch hóa thông tin liên quan đến các hoạt động PTBV.

Để doanh nghiệp thấu hiểu và thực hiện PTBV thì đơn vị tư vấn đã làm gì và mất bao lâu mới đạt kết quả tốt?

Việc thay đổi nhận thức của các lãnh đạo doanh nghiệp về PTBV cũng như để đảm bảo doanh nghiệp thực sự PTBV phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Yếu tố ban đầu và quyết định nhất vẫn là tầm nhìn và thái độ của các lãnh đạo doanh nghiệp. Lãnh đạo có tầm nhìn và tư duy đổi mới thì việc thực hiện PTBV sẽ thành công.

Yếu tố tiếp theo mà các đơn vị tư vấn cần quan tâm là chiến lược và quản trị hệ thống. Một tổ chức phát triển bền vững vạch rõ chiến lược phát triển bền vững của mình và xây dựng một hệ thống quản trị tốt nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu chiến lược về phát triển bền vững.

Nhiều đơn vị mất khá nhiều thời gian vào việc xây dựng hệ thống thông tin quản lý để thu thập, theo dõi và điều chỉnh các hoạt động liên quan đến phát triển bền vững.

Tin bài liên quan