Phát triển bền vững: Nhu cầu tự thân của doanh nghiệp

Phát triển bền vững: Nhu cầu tự thân của doanh nghiệp

(ĐTCK) Báo cáo Phát triển bền vững (PTBV) là công việc còn mới mẻ với rất nhiều DN Việt Nam, nhưng PTBV không phải là mục tiêu gì quá xa vời.

Đó chính là lợi ích thiết thực của DN, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi cạnh tranh trở nên gay gắt và rủi ro có thể xảy đến với DN bất cứ lúc nào, trên bất kỳ phương diện nào. Bởi vậy, giờ đây, PTBV trở thành nhu cầu tự thân của DN và được thể hiện trong chiến lược cũng như trong từng công việc hàng ngày, cụ thể của DN.

Nếu phóng viên nào có dịp tiếp xúc với ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital, tại văn phòng làm việc, sẽ thấy hình ảnh: Dominic cầm một tập giấy một mặt trắng được kẹp chắc chắn và ghi những nội dung trao đổi vào mặt giấy trắng còn lại đó. Đây có thể coi là một biểu hiện cụ thể của việc thực hiện PTBV. Rộng hơn, Dragon  Capital thường tổ chức các buổi dã ngoại vì môi trường, như trồng cây ở Cần Giờ, hay có hẳn cam kết đầu tư trách nhiệm theo các tiêu chuẩn môi trường và xã hội.

Một lãnh đạo ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam chia sẻ, ở ngân hàng của chị, các chi nhánh thi đua nhau xem ai dùng ít giấy in hơn và trong các email gửi đi đều có dòng chữ “bạn hãy cân nhắc kỹ trước khi in tài liệu này”. Ngân hàng này cũng sử dụng loại giấy tái chế, dù giấy này có giá đắt hơn các loại giấy bình thường khác, vì nó góp phần hạn chế sử dụng gỗ trong sản xuất giấy.

Như vậy, PTBV không chỉ là những hành động mà mọi người thường nghĩ tới trước tiên như không phá rừng, không xả nước thải ô nhiễm ra môi trường, không sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất thực phẩm, không để nhà máy xả thái quá tiêu chuẩn cho phép…, mà hiện hữu trong từng thói quen nhỏ của mỗi cá nhân trong DN, như tắt màn hình máy tính, tắt điện khi không sử dụng, tiết kiệm giấy in bằng cách hạn chế in ấn hay in hai mặt… Và để làm được những điều này, DN chỉ cần đề ra các quy tắc, nâng cao nhận thức và thúc đẩy hình thành thói quen ở mỗi thành viên, mà lợi ích thu được trước tiên chính là tiết kiệm chi phí cho DN.

Khi nói đến PTBV là nói đến trách nhiệm với môi trường và xã hội. Phạm vi môi trường và xã hội đó trước tiên chính là môi trường mà DN đang tồn tại. Chính vì vậy, trách nhiệm xã hội của DN không chỉ là các hoạt động từ thiện mà là trách nhiệm với chính những người lao động trong DN. Làm sao để người lao động có sức khỏe tốt, yên tâm phát triển nghề nghiệp, chính sách lương phù hợp, khoa học… là PTBV về nhân sự. Nhân sự phát triển ổn định và có chất lượng chính là cơ sở để DN tăng trưởng làm ra sản phẩm dịch vụ tốt, lợi nhuận cao.

Giải thưởng Báo cáo PTBV trong cuộc bình chọn BCTN năm nay đã cho thấy, DN thuộc ngành nghề lĩnh vực nào cũng đều cần PTBV và mỗi lĩnh vực thì PTBV có những đặc thù riêng. Không chỉ những DN sản xuất mới cần chuyên sâu vào PTBV, không phải với những DN dịch vụ thì thực hiện PTBV là đơn giản. Xuất phát từ nhu cầu tự thân của DN, PTBV trước tiên không phải là những chiến lược quá lớn lao mà bắt đầu bằng các chương trình hành động cụ thể bằng các nội quy, quy chế của DN. Mà điều này thì DN ở quy mô nào cũng đều có thể bắt đầu thực hiện ngay từ bây giờ.