Tiếng vọng từ doanh nghiệp
Một khảo sát do PwC tiến hành với các CEO trên toàn cầu trong năm 2018 cho thấy, các CEO đặt các xu hướng toàn cầu trong số các nhân tố quan trọng nhất đối với việc chuyển đổi mô hình kinh doanh trong vòng 5 năm tới. Trong đó, 81% chọn phát triển công nghệ, 60% chọn chuyển dịch cơ cấu dân số, 59% chọn chuyển dịch kinh tế toàn cầu, 46% chọn khan hiếm tài nguyên biến đổi khí hậu, 40% chọn đô thị hóa. Đây là một sự chuyển dịch rất lớn so với trước đây.
Theo đó, các thách thức phát triển bền vững xoay quanh những yếu tố như rủi ro, thích ứng, cung ứng, minh bạch, con người, danh tiếng và chiến lược của doanh nghiệp.
Giờ đây, phát triển bền vững đã trở thành lăng kính, qua đó khách hàng, người lao động, xã hội và các nhà đầu tư đánh giá doanh nghiệp. Trên thực tế, cũng có đến 92% doanh nghiệp biết đến các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, nhưng chỉ 33% công dân (dân số nói chung) biết đến các mục tiêu này.
71% doanh nghiệp cho biết họ đã lên kế hoạch hành động cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, nhưng chỉ 13% đã xác định các công cụ cần và 29% đặt ra các mục tiêu cụ thể. Trong khi đó, 90% người dân tin rằng việc các doanh nghiệp đăng ký với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc là quan trọng và 78% cho biết họ có nhiều khả năng sẽ mua hàng hóa và dịch vụ từ các bên đã ký kết hơn.
Trong những năm gần đây, báo cáo phát triển bền vững đã trở thành một lợi thế cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) và là công cụ chính giúp các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh và tiếp cận thị trường. Có thể thấy khá rõ lợi ích của báo cáo phát triển bền vững (xem đồ họa)
Bộ tiêu chuẩn GRI về lập báo cáo phát triển bền vững đã được áp dụng bởi hơn 7.400 tổ chức. Kho dữ liệu báo cáo bền vững với hơn 30.000 báo cáo theo tiêu chuẩn GRI. Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, rất nhiều doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết đã triển khai việc lập báo cáo phát triển bền vững.
Theo chia sẻ của những đơn vị đạt giải cao tại Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2018, trong đó có hạng mục báo cáo phát triển bền vững do hai Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Báo Đầu tư, Dragon Capital tổ chức, để có bản báo cáo có nội dung hay, trình bày đẹp, doanh nghiệp cần chất liệu thực. Đó là những trải nghiệm thực tế từ hoạt động doanh nghiệp hàng ngày, những câu chuyện phát triển bền vững thực tế mà doanh nghiệp đã triển khai, để chuyển tải vào báo cáo.
Vậy doanh nghiệp có thể bắt đầu từ đâu? Ông Hoàng Đức Hùng, Phó tổng giám đốc Pwc cho rằng, phát triển bền vững là đưa ra quyết định kinh doanh với 3P (People, Planet, Profit). Thứ nhất là mức độ về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, bao gồm các thông lệ kinh doanh công bằng và có lợi ích đối với người lao động và cộng đồng.
Thứ hai là đo lường về trách nhiệm đối với môi trường của doanh nghiệp qua việc giảm thiểu các hoạt động có khả năng phá hủy hệ sinh thái. Thứ ba là giá trị kinh tế được tạo ra từ hoạt động của tổ chức sau các chi phí.
Không bao giờ là quá muộn
Việc chuyển từ nhận thức thành hành động cụ thể để thực thi phát triển bền vững có vai trò chủ chốt của hội đồng quản trị các doanh nghiệp.
Lợi ích của báo cáo phát triển bền vững.
Theo khuyến nghị của ông Hoàng Đức Hùng, trước hết, hội đồng quản trị cần xây dựng, thúc đẩy phát triển bền vững hiệu quả bằng cách tập trung vào thảo luận và phê duyệt chiến lược phát triển bền vững của công ty và đảm bảo gắn kết với chiến lược công ty;
Xem phát triển bền vững như là một phần nhiệm vụ của hội đồng quản trị trong việc giám sát và quản lý rủi ro chiến lược, xã hội, đạo đức và môi trường để ra quyết định hiệu quả hơn; xây dựng các điều khoản tham chiếu về phát triển bền vững cho hội đồng quản trị; phân cấp trách nhiệm về giám sát xã hội và môi trường cho các ủy ban, thành viên cụ thể của hội đồng quản trị khi cần thiết;
Kết hợp phát triển bền vững như là một phần của chương trình nghị sự của hội đồng quản trị để ra quyết định về tình hình và định hướng phát triển bền vững của công ty; phê duyệt ngân sách cho các sáng kiến và cam kết phát triển bền vững;
Thiết lập KPI về phát triển bền vững cho hội đồng quản trị và ban lãnh đạo cấp cao; rà soát và phê duyệt các vấn đề phát triển bền vững trọng yếu phải quản lý đối với công ty.
Trong quá trình triển khai các chương trình phát triển bền vững, hội đồng quản trị cũng cần tập trung giám sát việc quản lý các vấn đề phát triển bền vững trọng yếu thông qua các quy trình và biện pháp kiểm soát mạnh mẽ.
Các phương thức thực hiện cụ thể hơn sẽ là tập trung vào việc rà soát hiệu quả của các sáng kiến phát triển bền vững nòng cốt (bao gồm kết quả so sánh với bên ngoài) và khuyến nghị cải thiện; phổ biến kiến thức về việc phát triển bền vững mang lại giá trị dài hạn cho công ty; khuyến khích báo cáo minh bạch và đảm bảo để tăng độ tín nhiệm; thảo luận về kết quả của việc bảo đảm với đơn vị cung cấp dịch vụ bảo đảm và ban lãnh đạo và giám sát các cải thiện chính yếu cần thiết
Cũng không thể quên đánh giá độ phù hợp của báo cáo trong việc thu hút các nhà đầu tư tổ chức và các nhà đầu tư có trách nhiệm xã hội.
Trở lại với câu chuyện lập báo cáo phát triển bền vững, từ một báo cáo đặc thù về phát triển bền vững, GRI đã chuyển đổi thành một tiêu chuẩn được công nhận bởi phần lớn các tổ chức trên thế giới. Trên thực tế, 93% trong số 250 công ty, tập đoàn lớn nhất thế giới đã áp dụng vào báo cáo phát triển bền vững của mình.
Việc công bố báo cáo phát triển bền vững thể hiện trách nhiệm của tổ chức, giúp xác định và quản lý rủi ro, cho phép các tổ chức nắm bắt các cơ hội mới. Báo cáo phát triển bền vững theo tiêu chuẩn GRI hỗ trợ các công ty đại chúng và tư nhân có quy mô lớn và nhỏ, bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng và nền kinh tế bằng cách cải thiện quản trị và mối quan hệ với các bên liên quan, nâng cao danh tiếng và xây dựng lòng tin.
GRI thúc đẩy các công ty, tập đoàn lớn nhất trên thế giới với doanh thu lớn hơn GDP của toàn bộ các quốc gia và chuỗi cung ứng toàn cầu, mang đến những thay đổi tích cực. Những gì tổ chức này đã làm được tạo ra hiệu quả cao cho phúc lợi xã hội, tạo ra những công việc tốt hơn, giảm thiểu thiệt hại môi trường…
Tại Việt Nam, GRI hiện đang triển khai hai chương trình với mục tiêu góp phần đưa các doanh nghiệp hòa nhập tốt hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua báo cáo phát triển bền vững theo ngành và cụ thể hơn, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo ở các nước mục tiêu vì sự ổn định hơn trong khu vực.