Đây là áp lực lớn nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp đi theo con đường phát triển bền vững.
Quản lý khí nhà kính, áp lực từ các bên liên quan
Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu vào ngày 23/9/2019 tại New York, đã có 77 quốc gia, 10 khu vực và 100 thành phố cam kết các mục tiêu then chốt giảm lượng phát thải khí nhà kính về bằng 0 vào năm 2050, đồng thời kêu gọi không xây dựng các nhà máy điện than mới từ 2020 trở đi.
Cũng tại hội nghị, 130 ngân hàng hàng đầu, nắm giữ 47.000 tỷ USD, tương đương 1/3 khối ngân hàng toàn cầu đã ký kết văn bản “Các nguyên tắc ngân hàng có trách nhiệm”, cam kết hành động vì khí hậu và phát triển bền vững. Bộ nguyên tắc khuyến khích các ngân hàng dịch chuyển hướng vốn cho vay hiện nay vào các dự án phát thải khí độc hại chuyển sang các ngành công nghiệp xanh hơn.
Ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Phát triển doanh nghiệp của Dragon Capital.
Ngoài ra, các quỹ đầu tư của thế giới với tổng tài sản đang quản lý tương đương hơn 34.000 tỷ USD, đại diện cho gần một nửa số vốn đầu tư toàn cầu, đã yêu cầu các chính phủ thực hiện mục tiêu của Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, đề nghị đưa một mức giá có ý nghĩa đối với carbon, cắt bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới.
Bắt đầu từ năm 2020, báo cáo rủi ro về biến đổi khí hậu, bao gồm công bố phát thải khí nhà kính trở thành bắt buộc đối với tất cả các thành viên tham gia tổ chức PRI toàn cầu.
PRI là tổ chức đầu tư có trách nhiệm của Liên hợp quốc, ra đời năm 2006 tại Sở Giao dịch chứng khoán New York, hiện có hơn 3.000 thành viên tham gia, hầu hết là các định chế tài chính bao gồm ngân hàng, quỹ đầu tư, quỹ hưu trí, bảo hiểm.
Tổng giá trị tài sản của các thành viên tham gia lên đến hơn 103.000 tỷ USD.
Quản lý lượng khí thải trong danh mục đầu tư, trước tiên về cơ bản là đo lường lượng phát thải khí nhà kính phát sinh trực tiếp (hay còn gọi là phạm vi 1) và gián tiếp (phạm vi 2) của từng doanh nghiệp nằm trong danh mục đầu tư của quỹ.
Số liệu phát thải khí nhà kính công bố bởi doanh nghiệp cần được xác thực bởi các tổ chức đánh giá độc lập có uy tín.
Hiện có khoảng 40 quốc gia bao gồm những nước phát triển và đang phát triển đã luật hóa quy định báo cáo phát thải khí nhà kính.
Một số nước khác cũng đang thử nghiệm thực hiện với mô hình báo cáo bắt buộc theo từng địa phương trước và sau đó sẽ cân nhắc để áp dụng cho cả quốc gia.
Do vậy, các công ty hiện phải đối mặt với một áp lực ngày càng tăng từ các bên liên quan như người tiêu dùng, chính phủ, nhà cung cấp, nhà đầu tư, tổ chức tài chính, truyền thông, các tổ chức phi chính phủ và công chúng trong việc buộc phải tiến hành đánh giá, định lượng, giảm thiểu và thực hiện công bố báo cáo phát thải khí nhà kính.
Bởi lẽ, các hoạt động của công ty đều có ảnh hưởng đáng kể đến lượng phát thải khí nhà kính của toàn cầu một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
Ứng phó với biến đổi khí hậu và định lượng phát thải khí nhà kính rõ ràng sẽ là hướng đi của tương lai mà các doanh nghiệp cần bắt đầu quan tâm từ bây giờ.
Tiêu chuẩn GRI 305 hướng dẫn báo cáo về phát thải khí nhà kính.
Vai trò tiên phong của doanh nghiệp niêm yết
Biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức to lớn đối với các quốc gia, nhất là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Ðánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.
Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam không chỉ là tăng trưởng nhanh, mà phải hướng tới nền kinh tế tăng trưởng xanh và bền vững.
Biến đổi khí hậu mà cụ thể phát thải khí nhà kính là vấn đề toàn cầu, đòi hỏi sự quan tâm của các chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội. Hiện tại, một số ít doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu tiên phong công bố lượng phát thải khí nhà kính trong báo cáo phát triển bền vững.
Báo cáo phát thải khí nhà kính không chỉ thể hiện cam kết trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, mà còn giúp doanh nghiệp quản lý tốt rủi ro, cắt giảm chi phí, tăng uy tín và thu hút tốt những nguồn vốn dài hạn từ những nhà đầu tư.
Với xu hướng này, để Việt Nam có thể xây dựng tốt cơ sở dữ liệu cho các báo cáo quốc gia về biến đổi khí hậu, cũng như hỗ trợ tốt công tác thống kê quốc gia về chỉ số phát thải khí nhà kính thì việc hướng đến áp dụng các chuẩn mực báo cáo phát thải mang tính bắt buộc để đo lường một cách có hệ thống và giám sát lượng phát thải của đất nước là điều tất yếu.
Tại Hồng Kông, nhằm khuyến khích các công ty niêm yết đi đầu trong cộng đồng doanh nghiệp áp dụng thông lệ tốt thực hiện kiểm toán khí thải cacbon, Cục Bảo vệ môi trường với sự hỗ trợ của Sở Giao dịch chứng khoán Hồng Kông đã phát triển webiste lưu trữ công bố chỉ số carbon cho các công ty niêm yết (Carbon Footprint Repository for Listed Companies in Hong Kong).
Sở Giao dịch chứng khoán Hồng Kông đã ban hành hướng dẫn công bố thông tin môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vào tháng 8/2012.
Ðược khuyến khích là thông lệ tốt, hướng dẫn công bố thông tin ESG quy định các công ty niêm yết nên thực hiện báo cáo phát thải khí nhà kính và định lượng khí thải, thông qua đó chia sẻ các biện pháp, thành công mà các công ty đã đạt được trong việc cải tiến nhằm giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính.
Tương tự, thị trường chứng khoán Việt Nam cùng các công ty có thể đi đầu trong cộng đồng doanh nghiệp trong việc áp dụng thông lệ tốt để định lượng và thực hiện báo cáo phát thải khí nhà kính. Hơn nữa, doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt vì tác động của biến đổi khí hậu cùng với yêu cầu từ các đối tác hữu quan, sắc luật khí nhà kính sớm muộn cũng trở thành bắt buộc trong tương lai gần.
Hiện nay, trong Thông tư 155/2015/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán”, Phụ lục số 04 (Báo cáo thường niên), Phần II - “Tình hình hoạt động trong năm”, mục số 6 “Báo cáo tác động liên quan đến môi trường và xã hội của công ty”, vẫn chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể công bố chỉ số phát thải khí nhà kính.
Tương tự, trong Phần III - “Báo cáo và đánh giá của Ban Giám đốc”, mục số 6a “Báo cáo đánh giá liên quan đến trách nhiệm về môi trường và xã hội của công ty”, cũng chỉ nêu chung chung: “Ðánh giá liên quan đến các chỉ tiêu môi trường (tiêu thụ nước, năng lượng, phát thải)”.
Ngoài việc chia sẻ thông tin về những cải tiến phát triển công nghệ, đầu tư nguồn lực, sử dụng hiệu quả tài nguyên nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính trên lộ trình chuyển đổi sang tăng trưởng xanh, cần có một hướng dẫn cụ thể hơn với sự chuẩn hóa biểu mẫu công bố thông tin về chỉ số phát thải khí nhà kính hàng năm của các công ty niêm yết.