Phát hiện rắn hổ đất hai đầu

Dân làng cho rằng con rắn hổ đất hai đầu là rắn thiêng nên cho nó uống sữa và không giao lại cho nhân viên cứu hộ.
Phát hiện rắn hổ đất hai đầu

Các cán bộ bảo vệ động vật hoang dã cho biết con rắn hổ đất được phát hiện ở một ngôi làng thuộc thành phố Midnapore, bang Tây Bengal, hôm 10/12.

Tuy nhiên, những người dân địa phương từ chối giao nộp con rắn bởi họ cho rằng nó là hiện thân của thần linh.

"Đây hoàn toàn là vấn đề sinh học giống như con người có thể có hai đầu hoặc hai ngón cái. Điều này không liên quan gì tới tín ngưỡng.

Tuổi thọ của những cá thể như vậy sẽ tăng nếu nuôi nhốt", Kaustav Chakraborty, nhà bò sát học ở Cơ quan Lâm nghiệp bang Tây Bengal, cho biết.

Rắn hai đầu rất hiếm gặp và thường có tuổi thọ ngắn, theo National Geographic. Khiếm khuyết trên cơ thể có thể cản trở khả năng bắt mồi của chúng.

Rắn hoạt động dựa vào mùi. Nếu một chiếc đầu phát hiện mùi con mồi ở chiếc đầu còn lại, nó sẽ tấn công và tìm cách nuốt chửng bên đó. Rắn hai đầu là kết quả khi phôi thai không phân chia thành hai phần hoàn chỉnh.

Rắn hổ đất có tên khoa học là Naja kaouthia, phân bố rộng từ Trung Á đến Nam Á. Khi bạnh cổ, ở mặt lưng của chúng có hình tròn màu sáng như mắt kính, chính giữa có vệt nâu đen.

Rắn hổ đất thích nghi với nhiều môi trường sống, cả môi trường tự nhiên lẫn nhân tạo, ưu tiên nơi có nước.

Thức ăn chủ yếu của loài này là chuột, cóc, rắn non, ếch nhái, động vật lưỡng cư. Khi bị đe dọa, chúng sẽ nâng cao thân trên và phình mang, phát ra tiếng rít đe dọa và cắn để tự vệ.

Nọc của rắn hổ đất chứa độc tố thần kinh gây liệt cơ và suy hô hấp cùng với độc tố tác động lên hệ tim mạch và độc tố gây hoại tử.

Tin bài liên quan